Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm trong rất nhiều năm qua. Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được chú trọng.
Theo Trung tâm Phục vụ Hành chính công (HCC) tỉnh, tổng số TTHC toàn tỉnh là 1.796 TTHC, trong đó 1.390 thủ tục cấp tỉnh, cấp huyện là 286 TTHC, cấp xã là 120 TTHC. Hiện có 1.317 thủ tục được giải quyết tại Trung tâm Phục vụ HHC tỉnh, gồm 1.268 TTHC của các sở, ngành; 31 TTHC của cơ quan Trung ương; 18 TTHC của doanh nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng TTHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong đó có quy trình trên môi trường điện tử đúng trình tự, thủ tục theo quy định để áp dụng thực hiện đồng bộ, thống nhất chung trong toàn tỉnh.
Người dân đến làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh.
Đồng thời, quy trình này cũng được công khai, minh bạch để tổ chức, người dân nắm và cùng tham gia giám sát việc thực hiện. Tất cả hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm phục vụ HCC tỉnh, trung tâm HCC cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã được các đơn vị, địa phương tổ chức niêm yết công khai theo quy định.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành danh mục các TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về TTHC, việc thực hiện và giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng; việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích) và dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công tỉnh, gồm 1.244 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành; 138 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và 80 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.
Tỉnh đã kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và 6 hệ thống giải quyết TTHC khác của các Bộ, ngành để sử dụng chung một tài khoản đăng nhập nộp hồ sơ. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện kết nối chính thức 5 cơ sở dữ liệu và kết nối thử nghiệm 7 cơ sở dữ liệu khác; trong đó, đáng chú ý, từ tháng 5/2022, Quảng Ninh đã chính thức kết nối hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; qua đó phục vụ đắc lực trong giải quyết TTHC.
Cán bộ tại Trung tâm Hành chính công TX Đông Triều xử lý hồ sơ TTHC theo quy trình "5 bước" trên môi trường điện tử. Ảnh: Ngọc Trâm
Đặc biệt, tỉnh tập trung xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Toàn tỉnh có 1.240 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 78%. Các dịch vụ công trực tuyến cũng đang được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.
Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai nền tảng số hóa gắn với bóc tách dữ liệu đối với công tác giải quyết TTHC. Hiện 100% TTHC tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và cấp huyện đều đã triển khai số hóa, đồng thời thí điểm bóc tách dữ liệu đối với một số lĩnh vực trọng điểm và 6 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 20225, tầm nhìn đến năm 2030) với mục đích tái sử dụng tài liệu và kết quả giải quyết TTHC của công dân.
Từ ngày 1/6/2022 đến tháng 11/2022, tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh thực hiện số hóa được 17.029 hồ sơ, trong đó có 1.826 hồ sơ đã được bóc tách dữ liệu và lưu vào cơ sở dữ liệu chuyên dùng; cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hoá 7.528/21.658 hồ sơ toàn trình theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử (đạt 34,76%).
Nói về tiện ích của TTHC trên môi trường điện tử, bà Nguyễn Thị Hà, khu phố Thống Nhất, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, cho biết: “Vừa rồi, tôi làm thủ tục đăng ký thuế lần đầu. Thay vì phải đến Trung tâm phục vụ HCC tỉnh, tôi chỉ cần vào Cổng dịch vụ công của tỉnh để thực hiện thủ tục. Trong cổng đã có sẵn các biểu mẫu và hướng dẫn tỉ mỉ cách thức kê khai, điền thông tin. Điều này tạo chủ động rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp thay vì phải mất công, mất thời gian chờ đợi như trước đây”.
Được biết, từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022, toàn tỉnh tiếp nhận mới 1.282.402 hồ sơ TTHC, trong đó có tới 499.433 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, còn lại là tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính. Số lượng hồ sơ đã giải quyết của toàn tỉnh là 1.278.407 hồ sơ; trong đó, giải quyết trước hạn: 496.868 hồ sơ, đúng hạn 779.353 hồ sơ. 97% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC. Theo kết quả đánh giá bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử tại Cổng dịch vụ công quốc gia (theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022), Quảng Ninh đạt 64,82/100 điểm, đứng vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027