Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch

Tham quan, nghe thuyết minh không cần hướng dẫn viên tới mua vé, thanh toán không dùng tiền mặt... đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành du lịch và ngày càng hứa hẹn tạo nhiều tiện nghi cho du khách.

Số hoá hoặc ứng dụng một số tiện nghi hiện đại, nhìn rộng ra là chuyển đổi số trong du lịch được hiểu là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, mô tả việc ứng dụng công nghệ số (digitalize) vào tất cả các khía cạnh du lịch. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ tạo sự thay đổi toàn diện, tối ưu hiệu quả, mang lại giá trị, tiện nghi cho doanh nghiệp và du khách.

Du khách được hướng dẫn tải ứng dụng, quét mã QR nghe thông tin hướng dẫn City tour do Tổng Công ty Du lịch Sen Á Đông vừa triển khai cuối tháng 9/2023.

Sau chuyến tham quan Bình Liêu, anh Hoàng Văn Mạnh (Hà Nội) và bè bạn rất thích, quyết định nhờ tư vấn các điểm tham quan ở Hạ Long. Để hỗ trợ bạn, chị Nguyễn Thị Hải (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) cung cấp cho anh Mạnh và đoàn QR cuốn "Cẩm nang du lịch Hạ Long" mới có của TP Hạ Long. "Tôi nhanh chóng lên được lịch trình ưng ý. Chỉ cần quét mã QR, tôi có đầy đủ thông tin các điểm đến, ẩm thực, lễ hội đặc sắc nên đã tự thiết kế" - anh Mạnh hài lòng chia sẻ.

Đó chỉ là câu chuyện nhỏ cho thấy hiệu quả đem lại. Trong vài năm trở lại đây, số hoá thông tin, thanh toán số tới hàng loạt ứng dụng của chuyển đổi số đã thực sự tạo thành một xu hướng mạnh mẽ, tác động sâu rộng tới "ngành công nghiệp không khói".

Còn nhớ, cách đây chừng 3-5 năm, chuyển đổi số du lịch còn là khái niệm xa lạ, mơ hồ. Khi đó, việc này chỉ đơn giải là số hoá nhiều nguồn dữ liệu lên các trang web hoặc các hạ tầng mạng xã hội. Cho tới đầu năm 2023, huyện Cô Tô và TP Móng Cái là hai địa phương đi tiên phong trong việc ứng dụng mã QR, tạo ra sức hấp dẫn mới cho hệ thống thuyết minh thông minh, giúp du khách thể tự tìm hiểu, nghe bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung... và tự cho lịch trình tham quan của mình. 

Làn sóng du lịch số không chỉ tràn qua các danh lam thắng cảnh, các điểm tham quan di tích lịch sử cũng đã bắt đầu bắt nhịp. Sau Móng Cái và Cô Tô, hàng loạt các địa phương trong tỉnh triển khai cách làm này như: Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Bình Liêu... Mới đây nhất là mã QR được tạo lập bởi AI cung cấp toàn bộ thông tin về du lịch của huyện miền núi Bình Liêu, từ các điểm đến tham quan, địa điểm cung cấp dịch vụ ăn uống, các lễ hội văn hóa...

 Nay, các hình thức này còn được phổ biến trên các xe điện, các phương tiện vận chuyện khách tham quan trong các tuyến city tour, tham quan đảo.vv. Bảo tàng Quảng Ninh còn xây dựng mô hình “bảo tàng ảo” giúp du khách tham quan phiên bản số hóa trên website baotangao.baotangquangninh.vn. Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết tất cả là nhằm tạo thuận lợi tối đang, để du khách tiếp cận được nhiều thông tin. Thời gian tới Bảo tàng tỉnh sẽ nỗ lực thức đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ để du khách có trải nghiệm đa dạng, thật hơn.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có gần 200 điểm trong tổng số 370 điểm đến tham quan, danh thắng, di tích tại 13 địa phương được số hóa thông tin và gắn mã QR. Công nghệ số còn lan rộng sang thanh toán số trong du lịch. Đơn cử như việc du khách có thể dùng vé điện tử tham quan vịnh Hạ Long rất tiện lợi, chỉ cần quét mã QR để tra cứu hóa đơn điện tử, xem thông tin về lịch trình. Tại hầu hết các điểm đến có bán vé tham quan, việc ứng dụng mã QR và Internet banking cũng giúp cho việc thanh toán dễ dàng đồng thời tạo thuận lợi về kiểm soát vé, bảo quản vé, không sợ thất lạc vé...

Mã QR được ứng dụng rộng rãi trong giới thiệu, thuyết minh, cung cấp thông tin, thanh toán tại các điểm đến du lịch (ảnh: Du khách tham quan quét mả QR lấy thông tin ở đình Trà Cổ, TP Móng Cái).

Hiện hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng website hoặc trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh; chấp nhận thanh toán trực tuyến. Có thể thấy, xu hướng này còn lan rộng, phát triển hiện đại hơn.

Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, ngành du lịch Quảng Ninh đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số thông qua đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động...

Được biết, hiện nhiều doanh nghiệp du lịch đã và đang triển khai: Quét mã QR trên thẻ căn cước công dân của du khách để lưu dữ liệu thay vì tạm giữ căn cước như trước đây; thiết kế ứng dụng gọi món ăn, đánh giá chất lượng món ăn và thái độ phục vụ của nhân viên; tạo mã QR thay cho chìa khóa phòng đồng thời với nhiều ứng dụng quản lý mạnh như trợ lý du lịch thông minh hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, bản đồ số du lịch, đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình.

Theo Hà Phong/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 20408 Tổng lượt truy cập 94766831