Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn

Trong những tháng cuối năm này là thời điểm nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC, bảo vệ thành quả chăn nuôi, đồng thời tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời áp dụng nghiêm quy định về tiêm phòng chính là những giải pháp cần được ưu tiên triển khai.

Xác định rất rõ tầm quan trọng của phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC, từ đầu tháng 11 công tác tiêm phòng trên đàn GSGC đã được xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều tích cực triển khai. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã phối hợp tốt với cán bộ thú y phường tiêm phòng vắc xin đúng chủng loại, tỷ lệ theo quy định.

Đàn gà của trang trại ông Lãnh Văn Chưng, thôn Trại Thông, xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều được nuôi trong môi trường an toàn dịch bệnh.

Trang trại chăn nuôi trên 14.000 con gà của ông Lãnh Văn Chưng, thôn Trại Thông là trang trại lớn của TX Đông Triều. Trong quá trình nuôi, ông Chưng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng vắc xin trên tổng đàn vật nuôi. Ngoài các đợt tiêm chính 2 lần trong năm, ông Chưng còn phối hợp với đơn vị chuyên môn tiêm nhắc lại, tiêm phòng bao vây khi vùng lân cận xuất hiện ổ dịch, hoặc tiêm phòng vắc xin phổ rộng đối với các loại dịch bệnh lạ, có thể ảnh hưởng đến con gà. Trong quá trình nhỏ, tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn vật nuôi, ông Chưng đảm bảo thực hiện đúng ngày tuổi, đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt là không bỏ lỡ thời điểm phát triển của vật nuôi để tránh lỡ thời gian vàng vắc xin phát huy tác dụng. Ông Chưng còn cho phun khử trùng môi trường nuôi, bao gồm cả trong và ngoài chuồng trại, qua đó tạo môi trường an toàn cho đàn gia cầm khi bước vào giai đoạn chăn thả, vỗ béo, chuẩn bị xuất chuồng.

Giống như ông Lãnh Văn Chưng, nhiều hộ chăn nuôi lớn, nhỏ trên địa bàn xã Hồng Thái Đông nói riêng, TX Đông Triều nói chung có sự phối hợp tốt với đơn vị chuyên môn thực hiện tiêm chủng trong tháng 11, nhằm sớm hoàn thành đợt tiêm chủng cuối cùng trong năm. Ông Bùi Văn Hanh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật TX Đông Triều cho biết, với tiến độ tiêm phòng như hiện nay, mục tiêu tỷ lệ bao phủ vắc xin của TX Đông Triều đặt ra là trên 90%. Sau tiêm chủng 14-21 ngày, hiệu quả bảo hộ của vắc xin sẽ được phát huy, qua đó bảo vệ tổng đàn vật nuôi 900.000 con gia cầm và đàn lợn là 45.000 con trong suốt giai đoạn thu đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau).

Trên địa bàn TP Uông Bí, để phòng chống dịch bệnh trên đàn GSGC, nhiều hộ chăn nuôi lớn áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Điển hình là trang trại chăn nuôi của ông Đoàn Văn Chiến, thôn Khe Giang, xã Thượng Yên Công nuôi trên 200.000 con gà/năm theo mô hình ngắn ngày, công nghệ cao.  

Theo người trong nghề, trang trại gà của ông Chiến đảm bảo an toàn sinh học là nhờ hệ thống giàn mát dùng vào mùa hè, lò hơi cấp nhiệt giữ ấm vào mùa đông, quạt đảo gió, thoáng khí vận hành liên tục, hệ thống đầu dò bệnh, máy phân phối và đưa thức ăn, nước uống đến con gà...

Việc tiêm vắc xin phòng dịch là giải pháp cần thiết bảo vệ an toàn đàn vật nuôi. Ảnh: Cán bộ thú y phường Bắc Sơn, TP Uông Bí kiểm tra đàn gà tại hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Tại trang trại này, nguyên lý trong quá trình sản xuất là gà không đổi chuồng, người không đổi việc, các mẫu gà được lấy theo tuần và gửi về phòng thí nghiệm để đánh giá sinh trưởng và phát triển. Sau mỗi lứa gà xuất xuống, trang trại đều dành 15 ngày để xúc hót phụ phẩm, hong khô trấu đã sử dụng, phun rửa nền chuồng, đẩy khí nóng làm khô nền chuồng, phun hóa chất khử khuẩn và để thời gian chuồng giãn cách theo quy định... sau rồi mới thả lứa mới.

Có thể thấy, chăn nuôi an toàn, trong đó chú trọng việc tiêm, nhỏ vắc xin phòng bệnh đúng, đủ ngày tuổi, liều lượng, chủng loại, không bỏ lỡ thời điểm phát triển của vật nuôi là hoạt động cần thiết trong quá trình chăn nuôi. Hoạt động này, nếu được làm tốt sẽ góp phần trong việc kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC, bảo vệ thành quả chăn nuôi, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Hiện nay, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên chó và viêm da nổi cục trên gia súc lớn đã hoàn thành. Các loại vắc xin phòng bệnh còn lại đạt 70-80%, mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm phòng nói chung là 90%, qua đó phát huy triệt để tác dụng của vắc xin trong phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

 

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 16148 Tổng lượt truy cập 91390260