Đất nước rộn ràng đón Xuân Đinh Dậu 2017
Năm nay, tuy không tổ chức bắn pháo hoa nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền các cấp, người dân cả nước vẫn đón Tết trong không khí tưng bừng, náo nức, ấm áp tại các điểm vui chơi công cộng. Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc được tổ chức biểu diễn; các trung tâm vui chơi giải trí được trang hoàng rực rỡ cùng nhiều hoạt động ý nghĩa đã thu hút đông đảo người dân tham dự, cùng nhau chào đón Xuân mới Đinh Dậu.
Người dân vãn cảnh ven hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đêm giao thừa. Ảnh: MINH HÀ
Hà Nội đón năm mới Đinh Dậu 2017 trong tiết trời ấm áp, thanh bình. Khu vực hồ Hoàn Kiếm, đúng vào thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, mọi ánh mắt hướng về tượng đài Lý Thái Tổ, một màn pháo hoa tưng bừng được tái hiện qua màn hình led cỡ lớn được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố lắp đặt. Cùng lúc ấy, cầu Thê Húc bừng sáng với màn bắn pháo bông rực rỡ. Ngoài khu vực hồ Hoàn Kiếm, thành phố tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ, trình diễn ánh sáng ở các địa điểm công cộng tại trung tâm 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ, mừng năm mới của người dân.
Thời tiết ấm áp, khô ráo trong những ngày đầu năm mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc du xuân, khiến số lượng người đổ về các di tích trên địa bàn Thủ đô rất đông. Tại đền Ngọc Sơn, hai ngày đầu năm mới Đinh Dậu tấp nập du khách. Tuy đông nhưng mọi người đều có ý thức xếp hàng, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau. Tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi diễn ra Hội chữ Xuân Đinh Dậu, có rất đông người đến vãn cảnh, làm lễ xin việc học hành, thi cử hanh thông, khiến cho các tuyến phố Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng… bị ùn tắc kéo dài. Điều đáng ghi nhận là trên địa bàn thành phố dịp Tết năm nay hầu như không xảy ra tình trạng đốt pháo nổ. Người dân Thủ đô đón Tết Đinh Dậu ấm áp, với nhiều kỳ vọng trong năm mới.
* Đêm giao thừa tại quảng trường nhà hát TP Hải Phòng đã diễn ra chương trình nghệ thuật đón mừng xuân mới, thu hút đông đảo người dân tham dự. Cùng với đó, tại các điểm: Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, Nhà Kèn (vườn hoa Nguyễn Du), Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, trung tâm các quận, huyện cũng diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân, du khách vui Tết, đón Xuân.
Đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) là điểm đến hấp dẫn trong dịp Tết Đinh Dậu. Ảnh: VÕ MẠNH HẢO
* Tại TP Hồ Chí Minh, từ sáng sớm mồng 1 Tết, người dân và du khách bắt đầu đổ về Đường hoa Nguyễn Huệ. Nhiều người chụp hình lưu niệm trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi hòa vào dòng người khám phá những cảnh đẹp, những linh vật trên đường hoa. Bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ quận 1 (TP Hồ Chí Minh) nhận xét, đường hoa năm nay rất đẹp và hiện đại, bà đặc biệt ấn tượng với hình ảnh gia đình gà ấm áp, sung túc trước cổng đường hoa. Năm nay, Đường sách Tết Đinh Dậu 2017 cũng thu hút nhiều người tham quan và mua sách. Đây là nét văn hóa đẹp của người dân TP Hồ Chí Minh.
Cũng trong ngày mồng 1 Tết, nhiều người dân thành phố đã đi lễ chùa đầu năm để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới. Công viên Tao Đàn, trong những ngày Tết thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức Hội hoa xuân. Trong khi đó, tại Công viên văn hóa Đầm Sen, hàng nghìn người dân đến tham gia những trò chơi hấp dẫn. Lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đến thăm, chúc Tết các kỹ sư, công nhân đang thi công công trình xây dựng cầu kết nối Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà các công nhân, kỹ sư làm việc tại công trình trọng điểm khác.
* Năm nay, Tết cổ truyền trùng với dịp Đà Nẵng kỷ niệm 20 năm ngày chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vì thế các hoạt động thêm phần sôi động. Không tập trung về đường hoa Bạch Đằng như mọi năm, dịp Tết Đinh Dậu Đà Nẵng tổ chức 14 điểm nhấn trang trí hoa ở nhiều khu vực như: Trung tâm hành chính; Khu công viên bờ đông cầu Sông Hàn; Quảng trường phía tây cầu Rồng; Công viên bờ đông cầu Rồng; Công viên 29 tháng 3…
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, dịp Tết Đinh Dậu 2017, thành phố đón hơn 240 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 9,5% so với Tết Bính Thân 2016; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 100 nghìn lượt, tăng 26,6%. Riêng ngày mồng 1 Tết, đã có 1.100 khách quốc tế “xông đất” thành phố, do đây là mùa du lịch đối với các thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và khách Việt kiều.
Chương trình nghệ thuật chào Xuân Đinh Dậu trong đêm giao thừa ở TP Huế. Ảnh: CÔNG HẬU
* Tại Thừa Thiên - Huế, lễ hội đêm giao thừa bắt đầu từ 20 giờ, hàng nghìn người dân TP Huế xuống phố, nhất là tại Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ đài Huế, nơi diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2017” và chờ đón khoảnh khắc đếm ngược đón thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời. Gần 250 diễn viên, nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế cùng một số CLB nghệ thuật trong tỉnh, đã biểu diễn gần 20 tiết mục đặc sắc ca ngợi Đảng, mùa xuân, tình yêu quê hương đất nước, mang đến người xem không khí sôi động, ấm áp trước thềm Xuân mới.
* Đêm 30 Tết, tại 11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn đều tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật đón giao thừa, gắn với kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2017). Nhiều điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như các đền, chùa nhiều người đến vãn cảnh, thắp hương tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công gìn giữ vùng bờ cõi, biên cương của Tổ quốc. Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, mỗi ngày đón hơn hai nghìn lượt khách xuất, nhập cảnh và hàng nghìn tấn hàng hóa giao thương qua lại. Thượng úy Vũ Văn Toàn, Phó trạm kiểm soát Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: Vào những ngày Tết, đơn vị vẫn tổ chức trực 70% quân số, mọi hoạt động ở cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường, người xuất nhập cảnh chủ yếu là các thương gia, bà con hai bên biên giới qua lại chúc Tết, thăm thân…
* TP Cần Thơ rực rỡ cờ, hoa khắp các tuyến đường trung tâm, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng năm mới.
Một trong những điểm thu hút đông người dân và du khách là Đường hoa nghệ thuật tổ chức trên tuyến đường đôi Võ Văn Tần và Nguyễn Thái Học. Với chủ đề “Sắc xuân đất nước”, đường hoa năm nay trải dài hơn 300 m với hơn 50 tiểu cảnh, mô hình từ hàng chục loại hoa kiểng, cây trái khác nhau tái hiện những danh lam, thắng cảnh của đất nước, nét đẹp văn hóa đón tết cổ truyền ở các vùng miền, mô hình con gà gắn với đời sống người dân. Các tiểu cảnh được tái hiện công phu, trưng bày bắt mắt thu hút đông khách du xuân. Cùng với Đường hoa nghệ thuật là Đường đèn nghệ thuật trên các tuyến đường: Hòa Bình, 30-4, cầu Cần Thơ, Hồ Xáng Thổi... làm cho TP Cần Thơ lung linh sắc màu trong những ngày xuân.
Những ngày Tết, công viên bến Ninh Kiều luôn thu hút du khách chơi Tết, tham quan nghỉ dưỡng, chụp ảnh lưu niệm với người thân, bạn bè ở địa danh nổi tiếng gắn liền với đất Tây Đô. Sân khấu công viên Lưu Hữu Phước thu hút đông các bạn trẻ vui xuân. Tại đây, hằng đêm diễn ra chương trình ca múa nhạc, các trò chơi dân gian, Hội thi Lân Sư Rồng toàn quốc...
Đồng bào dân tộc La Chí ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang vui chơi trong ngày Tết. Ảnh: ANH TUẤN
* Ngay trong đêm giao thừa, tại Công viên 26-10 TP Sơn La đã diễn ra chương trình văn nghệ đặc biệt: “Sơn La - bản tình ca mùa xuân”. Để bà con nhân dân có cái Tết vui tươi, tỉnh Sơn La đã thực hiện hỗ trợ gạo cho hơn 12.000 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, với 1.263 tấn gạo; tặng 10.087 suất quà cho hơn 6.900 gia đình chính sách và người có công.
* Tỉnh Lào Cai đón Tết trong thời tiết khô ráo, ấm áp; riêng Sa Pa khá lạnh, ở mức 8 đến 100C, lất phất mưa nhỏ. Đêm 30 Tết, người dân TP Lào Cai đổ về khu vực trung tâm thành phố, ngay bên bờ kè sông Hồng, với con đường rộng và đẹp vừa mới nâng cấp mang tên An Dương Vương, để đón giao thừa.
Do thời tiết thuận lợi, rất đông du khách trong và ngoài nước đến khu du lịch Sa Pa đón năm mới và chinh phục đỉnh Phan Xi Păng. Trong hai ngày mồng 1 và mồng 2 Tết, đã có hơn năm nghìn lượt du khách đến Sa Pa, trong đó có hơn ba nghìn khách nước ngoài.
Ngay trong sáng mồng 1 Tết, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã thực hiện thủ tục thông quan nhanh gọn, an toàn cho gần năm tấn tôm hùm của Công ty kinh doanh thương mại tổng hợp Hà Thành. Đây là những lô hàng xuất khẩu đầu tiên “xông đất” Cửa khẩu Lào Cai, mở đầu một năm mới nhiều hy vọng cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, hải sản của bà con nông dân.
* Đêm giao thừa, tại khuôn viên Trung tâm văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Lắc phối hợp UBND thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Mừng Xuân Đinh Dậu 2017 - Mừng Đảng quang vinh” thu hút đông đảo người dân đến xem và chào đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong những ngày Tết, nhiều người dân và du khách đổ về các khu du lịch, các thác nước đẹp như: Khu du lịch Kô Tam, hồ Lắc, khu du lịch Buôn Đôn, thác Đray Nur, Đray Sáp, Gia Long, Krông Kmar… Tại một số địa phương trong tỉnh, đồng bào các dân tộc tổ chức các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như lễ hội cồng chiêng, lễ sum họp cộng đồng.
* Tại Bình Dương đêm giao thừa diễn ra vui tươi, nhộn nhịp. Việc tổ chức Đường hoa Xuân và chương trình ca nhạc thu hút hàng chục nghìn người dân đổ về Trung tâm thành phố mới Bình Dương (TP Thủ Dầu Một). Đường hoa Xuân Đinh Dậu 2017 dài hơn 200 m có chủ đề “Bình Dương 20 năm phát triển” với bốn khu vực chính, 20 tiểu cảnh về nét đẹp và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền dân tộc, gia đình hạnh phúc và quá trình phát triển của tỉnh Bình Dương 20 năm qua.
* Năm nay, không khí đón Xuân ngập tràn trên khắp các địa phương thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Trung tâm Thương mại TP Bà Rịa, trên diện tích hơn 3.300 m2, hàng nghìn chậu hoa, cây cảnh,… của hơn 170 hộ trồng hoa trên địa bàn đã thu hút rất đông người xem. Còn tại khu vực Bãi Trước, TP Vũng Tàu, những tiểu cảnh ngập tràn sắc xuân, gợi nhớ về khung cảnh làng quê với lúa, ngô, rơm rạ, và không thể thiếu những đàn gà.
Để động viên những người lao động phục vụ nhân dân và cộng đồng, trong đêm 30 Tết, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến chúc Tết và động viên các cơ quan, đơn vị ứng trực.
* Tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), chiều mồng 2 Tết, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty lại được tổ chức. Đây là lễ hội đặc trưng miền biển Phan Thiết, thu hút hàng vạn người dân trong vùng và các địa phương lân cận, cũng như khách du lịch. Dòng sông Cà Ty hiền hòa vang dội bởi tiếng reo hò cổ vũ của người xem. Kết quả, nội dung đua thuyền đồng hàng 500 m, giải nhất thuộc về đội thuyền của phường Phú Tài; nội dung đua thuyền quay vòng 1.700 m, đội phường Lạc Đạo đã giành giải nhất.
Theo nhandan.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027