Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Đào tạo nhân lực nói chung, nhân lực có tay nghề cao nói riêng, được tỉnh xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững...

Sản xuất quần áo tại Công ty TNHH may mặc Hoa Lợi Đạt. Ảnh: Nguyên Ngọc

Coi trọng chất lượng đào tạo

Quảng Ninh là một trong những đầu tàu kinh tế lớn của đất nước, tập trung đông lực lượng lao động, do vậy công tác đào tạo nghề là giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), có tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có 6 trường cao đẳng; 2 trường trung cấp; 13 trung tâm GDNN-GDTX; 26 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN. Từ năm 2015 đến nay, bình quân hằng năm các cơ sở tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người, với hơn 120 nghề đào tạo. Tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm đạt 85%.

Thời gian qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới chương trình, nội dung đào tạo hướng đến mục tiêu đào tạo nhân lực tay nghề cao, coi trọng thực hành, gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Các ngành của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh hầu hết phục vụ nhân lực, định hướng chế biến chế tạo của tỉnh. Ảnh: Lan Anh

Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, nhất là các doanh nghiệp ngành Than, được Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh chú trọng. Nhà trường đã cử giáo viên tiếp cận công nghệ mới của các mỏ đang áp dụng để xây dựng, bổ sung, điều chỉnh 46 chương trình sơ cấp nghề, như: Giáo thủy lực di động liên kết xích, vì neo, lò giếng, khoan nổ mìn… Hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đào tạo đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các phòng học, giảng đường đạt tiêu chuẩn, hệ thống phòng thí nghiệm (trung tâm điện - tự động hóa, xưởng thực hành cơ khí - ô tô, phòng thực hành IOT, trung tâm ngoại ngữ - tin học) từng bước đầu tư, bổ sung trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Nhà trường mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy. Trường hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 40 cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học quốc tế tại: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ba Lan, Pháp, Canada, Hoa Kỳ...

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc gắn kết "3 nhà" (Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp) trong hoạt động GDNN được coi trọng. Nhiều cơ sở GDNN đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên, như: Hỗ trợ nhà trường trong xây dựng chương trình đào tạo; mời chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy; phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tổ chức cho giáo viên tham quan thực tế sản xuất tại doanh nghiệp… Từ đó giúp việc đào tạo nghề được nâng cao chất lượng, ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Giờ tự học tại thư viện của sinh viên Trường Đại học Hạ Long.

Với mục tiêu hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng, tay nghề, kỹ thuật cao, Trường Đại học Hạ Long luôn duy trì sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, người sử dụng lao động xuyên suốt quá trình đào tạo, từ khâu tuyển dụng, xây dựng chương trình đào tạo, tới khâu tổ chức đào tạo, đặc biệt là quá trình cho sinh viên thực tế, thực hành, thực tập để củng cố chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ đó trong 10 năm qua, nhà trường đã cung cấp cho thị trường lao động địa phương và khu vực lân cận hơn 8.800 học sinh, sinh viên tốt nghiệp; trong đó nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng hơn 7.300 người. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường cũng như chất lượng lao động được đánh giá cao, Trường trở thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu của tỉnh.

Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao, tỉnh luôn chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đào tạo theo hướng ngày càng chuẩn hóa. Toàn tỉnh hiện có 2.017 nhà giáo dạy nghề cơ hữu và tham gia dạy nghề; trong đó có 33 tiến sĩ, 610 thạc sĩ, 847 cử nhân… 10 năm qua có hơn 10.200 lượt nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước. Việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở GDNN đã từng bước đáp ứng yêu cầu về giảng dạy nhân lực tay nghề cao.

Tăng cường nguồn lực đầu tư cho nhân lực tay nghề cao

Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Trong đó xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.

Thực hành sửa chữa ô tô của sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn. Ảnh: Thu Trang

Với quyết tâm nâng tầm công tác giáo dục đào tạo, chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao, tỉnh đã thành lập Trường Đại học Hạ Long, Trường CĐ Việt - Hàn Quảng Ninh với cơ sở vật chất đầu tư đồng bộ, hiện đại, cùng chính sách thu hút nguồn nhân lực giảng viên chất lượng cao riêng có. Trong đó phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Trường CĐ Việt - Hàn Quảng Ninh thành trường cao đẳng chất lượng cao, có các ngành nghề trọng điểm và quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh chủ động đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân lực tay nghề cao phù hợp với yêu cầu lao động. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã dành hơn 6.300 tỷ đồng để đầu tư cho công tác đào tạo nghề. Đồng thời dành nguồn ngân sách thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhiều cơ sở giáo dục đào tạo, GDNN trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như Dự án Trung tâm Hướng nghiệp và Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Quảng Ninh; xưởng thực hành, nhà học lý thuyết, hội trường, hạ tầng kỹ thuật Trường CĐ nghề Giao thông cơ điện Quảng Ninh; trung tâm giới thiệu việc làm các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn… Bên cạnh nguồn lực ngân sách, tỉnh chủ động thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách để phát triển các hệ thống cơ sở đào tạo, như thành lập xây dựng Phân hiệu đào tạo Móng Cái (Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam).

Tập đoàn Indevco và Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Thu Phương

Tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm thu hút, đào tạo, nâng cao toàn diện nguồn nhân lực của tỉnh, như: Hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh; hỗ trợ học phí; hỗ trợ cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập; hỗ trợ tiền ăn, mua đồ dùng học tập… Đáng chú ý, Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025". Đến nay các cơ chế, chính sách này đều phát huy hiệu quả, góp phần thu hút, nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh.

Song song với đó, tỉnh xác định đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt các trường nghề; mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Quảng Ninh. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh sẽ có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo.

Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm. Ảnh: Nguyên Ngọc

Theo dự báo của ngành LĐ-TB&XH tỉnh, hằng năm Quảng Ninh cần bổ sung khoảng 30.000-60.000 lao động; dự kiến đến năm 2025 nhu cầu nguồn nhân lực cần 821.900 người, con số này là 874.200 người vào năm 2030. Nhu cầu nguồn nhân lực ở tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề: Chế biến chế tạo; vận tải, kho bãi, logistics; dịch vụ du lịch…

Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng, tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế bền vững, thời gian tới tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao ở các lĩnh vực, nhất là những ngành, nghề mũi nhọn, có lợi thế của tỉnh. Trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch nguồn nhân lực có tay nghề cao về số lượng, cơ cấu nghề nghiệp, gắn với nhu cầu sử dụng lao động theo yêu cầu thực tế.

Các cơ sở GDNN tiếp tục đổi mới, tăng cường phối hợp, liên kết đào tạo trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo. Đặc biệt quan tâm chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý và hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời chủ động phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh để đưa sinh viên đến thực tập, tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp…

Đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo nền móng vững chắc để Quảng Ninh bứt phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Theo Đặng Dung/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 5386 Tổng lượt truy cập 94825824