Đánh giá kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm

Ngày 16-7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì dự tại đầu cầu Uông Bí.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Báo cáo từ UBND thành phố Uông Bí, 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm đã tham mưu cho thành phố ban hành các văn bản liên quan. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt liên quan đến công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Trên 1.000 cơ sở thực phẩm thuộc 3 lĩnh vực quản lý là y tế, công thương, nông nghiệp được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cũng đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các địa phương cho trên 1.500 lượt người.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh công tác kiểm tra của tỉnh, thành phố và các xã phường đã chủ động tổ chức các đợt kiểm tra tại 931 cơ sở, vượt 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua kiểm tra, phát hiện 222 cơ sở vi phạm, trong đó đã nhắc nhở 180 cơ sở, xử phạt hành chính trên 128 triệu đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Thực hiện công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm, lực lượng chức năng đã xét nghiệm trên 770 mẫu, trong đó có 29 mẫu  cho kết quả dương tính.

Theo thống kê, đến nay đã có 5.589 con lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi. Tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Thành phố thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn 2 cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm; đã và đang tiến hành xét duyệt, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Sau khi nghe báo cáo từ các sở, ngành, địa phương, kết luận hội nghị trực tuyến, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, xử lý và phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Cần tăng cường các giải pháp mới để phòng chống và ngăn ngừa tình trạng mất an toàn thực phẩm; coi trọng công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, các chợ đầu mối. Trên cơ sở đó, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt bằng nhiều hình thức. Đồng thời, nâng cao vai trò giám sát của các đoàn thể, người dân, phát huy vai trò của đường dây nóng trong phát hiện, tố giác những trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; có cơ chế khen thưởng kịp thời với các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác này.

Thanh Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9013 Tổng lượt truy cập 94792430