Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển doanh nghiệp

Ngày 3-12, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) chính thức khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3, giai đoạn 2016 - 2021; đón nhận Huân chương Lao động hạng ba. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình gửi hoa chúc mừng. Đại hội diễn ra trong hai ngày 2 và 3-12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng ba tặng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Hiệp hội. Ảnh: TRẦN HẢI

Giai đoạn 2016 - 2021, Hiệp hội DNNVV tập trung vào tám nhóm giải pháp trọng tâm: Phát triển hội viên và tổ chức hội; xây dựng, phản biện, giám sát chính sách, pháp luật và bảo vệ quyền lợi hội viên; công tác đào tạo; tư vấn, hỗ trợ hội viên; xúc tiến thương mại; thực hiện các chương trình dự án; công tác thi đua khen thưởng, truyền thông và hoạt động văn hóa xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Thân tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hiệp hội DNNVV khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng ba tặng Hiệp hội DNNVV. Đại hội được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng bức trướng “Đoàn kết - Hội nhập - Phát triển”. 

Phát biểu ý kiến tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao, nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà Hiệp hội DNNVV đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển; đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển DNNVV. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định DN là động lực phát triển của nền kinh tế. Thực hiện chủ trương đó, thời gian vừa qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và DN. Thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển và thành công. Đó chính là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Sự tương tác kiến tạo và phục vụ đã trở thành nền tảng trong quan hệ giữa Chính phủ và DN. 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu ba vấn đề lớn, theo đó Thứ nhất, để phát triển DN và Hiệp hội, điều cần làm đầu tiên và quan trọng nhất là thay đổi tư duy và cách tiếp cận. Chính phủ đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe DN, trên cơ sở đó đã ban hành các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP và hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vừa qua. Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”, lợi ích nhóm, “sân sau”, tham nhũng, trục lợi... Cần có sự thay đổi nhận thức cơ bản và sâu sắc, phải thật sự xem kinh tế tư nhân là một động lực hết sức quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phải tạo ra môi trường bình đẳng minh bạch; xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm... 

Đây là thông điệp mạnh mẽ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi tới đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN. Bộ máy hành chính nhà nước quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần: cộng đồng và từng doanh nhân, DN và người dân là đối tượng phục vụ, được thụ hưởng những thành tựu, kết quả do công cuộc đổi mới, cải cách mang lại. Thủ tướng đề nghị các DN, doanh nhân hãy nói không với tiêu cực; thực hiện kinh doanh với tinh thần liêm chính, không tiếp tay cho tiêu cực, nhũng nhiễu. 

Vấn đề thứ hai, Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội phải xác định luôn mang lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho các thành viên, chứ không phải đơn thuần là thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn và bộ máy tổ chức nặng về hành chính xơ cứng. Hiệp hội cần thực hiện tốt vai trò là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của cộng đồng DNNVV, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam. Tham gia sâu rộng hơn nữa cùng các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Tương trợ lẫn nhau giải quyết khó khăn, vướng mắc để cùng phát triển. Các cấp từ T.Ư đến địa phương tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu là các DNNVV, phát triển. Các ngân hàng thương mại tạo điều kiện, kênh vốn thuận lợi cho các DN. Về định hướng phát triển, Thủ tướng gợi mở các vấn đề lớn, đó là: chiếm lĩnh thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và vươn ra biển lớn; tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu; DNNVV góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. 

Vấn đề thứ ba, Thủ tướng yêu cầu DN Việt Nam phải nỗ lực để nâng cao năng lực, tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Đây chính là câu hỏi lớn mà Hiệp hội cùng các thành viên cần đưa ra câu trả lời. 

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ không ngừng tạo dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi để các DN ổn định và phát triển. Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Hiệp hội, cộng đồng DN, doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Thủ tướng mong muốn Hiệp hội thật sự trở thành “cầu nối” tin cậy của Nhà nước, Chính phủ tới cộng đồng các DN trong thực thi chính sách pháp luật, thực thi các phong trào xã hội và mọi hoạt động của DN.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN, doanh nhân, các hiệp hội DN, Hiệp hội DNNVV Việt Nam phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, thống nhất, tinh thần lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nhau làm giàu chính đáng, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

 

Đến nay, Hiệp hội DNNVV đã phát triển hội viên cấp tỉnh/thành phố ở 55 trong số 63 địa phương, với 62 nghìn hội viên. Với số lượng chiếm hơn 97%, các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước.

 

 

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7868 Tổng lượt truy cập 94790077