Đảm bảo ATTP ở các cơ sở dịch vụ ăn uống
Xu hướng hiện nay, lượng người đi du lịch vào dịp Tết và sau Tết ngày càng gia tăng. Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho du khách, các ngành, lực lượng chức năng ở Quảng Ninh đã tăng cường thanh, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay ngành đang quản lý 10.794 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; trong đó có 3.058 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 913 bếp ăn tập thể, 2.135 nhà hàng, 115 căng tin, 3.674 cửa hàng thức ăn đường phố, còn lại là cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Để tăng cường đảm bảo ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 29/12/2023 UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về ATTP. Các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra về công tác này, trong đó chú trọng đảm bảo ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Móng Cái kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường Ka Long. (Ảnh: Phòng Y tế TP Móng Cái cung cấp)
Theo báo cáo sơ bộ của Đoàn liên ngành số 3 của tỉnh do Sở NN&PTNT chủ trì, các địa phương: Cẩm Phả, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô đã thực hiện tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức về công tác ATTP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024. Qua kiểm tra thực tế tại 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1 cơ sở bếp ăn tập thể của trường mầm non, 2 nhà hàng ăn uống... các chủ cơ sở cơ bản cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác bảo đảm ATTP. Cơ sở vật chất đều đảm bảo vệ sinh, cơ bản đáp ứng các điều kiện về ATTP.
Không chỉ dịp Tết Nguyên đán, việc đảm bảo ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh luôn được tăng cường. Công tác thông tin truyền thông, giáo dục về ATTP được ngành Y tế phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan báo chí khác và các đơn vị y tế trên toàn tỉnh đẩy mạnh, đặc biệt trong các đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì ATTP... với đa dạng hình thức.
Năm 2023, Sở Y tế và các địa phương của tỉnh đã tổ chức 106 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 11.292 lượt người là thành viên của BCĐ các cấp, lãnh đạo, quản lý bếp ăn tập thể, trường học, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngành Y tế cũng duy trì đường dây nóng thường trực 24/24h tiếp nhận thông tin về ATTP. Trong năm 2023, ngành tiếp nhận 4 cuộc điện thoại qua đường dây nóng và đã xử lý theo quy định.
Phòng Y tế TP Hạ Long kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn của Khách sạn Mường Thanh Luxury Quảng Ninh (TP Hạ Long). Ảnh: Nguyễn Hoa
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm ATTP ở các cơ sở dịch vụ ăn uống được ngành chú trọng. Sở Y tế và các địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện kiểm tra theo Quyết định số 3816/QĐ-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023; Quyết định số 2239/QĐ-SYT ngày 19/12/2022 của Sở Y tế về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra ATTP lĩnh vực ngành Y tế năm 2023 và kế hoạch kiểm tra của địa phương. Theo đó, năm 2023 ngành Y tế và các địa phương đã kiểm tra 7.272 lượt cơ sở, chủ yếu là cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể; qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 376 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 1.122,9 triệu đồng.
Ngoài ra, ngành Y tế còn phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm; tiếp tục duy trì nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP. Năm 2023, ngành Y tế và các địa phương thực hiện kiểm nghiệm 16.986 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, trong đó kiểm nghiệm nhanh 16.165 mẫu, kiểm nghiệm định lượng 821 mẫu. Qua kiểm nghiệm phát hiện 348 mẫu không đạt yêu cầu và đã xử lý kịp thời theo quy định.
Mặc dù đã tích cực kiểm tra, giám sát ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, nhưng năm 2023, toàn tỉnh vẫn xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến ăn uống với tổng số 44 người mắc (không có ca tử vong). Nguyên nhân chủ yếu là ăn so biển tại nhà; do vi sinh vật... Bởi vậy, việc tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân về những loại thực phẩm an toàn; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể cần tiếp tục được tăng cường thường xuyên.
Tin tức khác
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán
- Quyết tâm, đồng lòng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố