Đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin
Trong các nội dung chuyển đổi số, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin được đánh giá là một trong những nội dung hết sức quan trọng, không những đảm bảo cho sự vận hành trơn tru, hiệu quả của các hệ thống, phần mềm, mà còn đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.
Chuyên viên CNTT của Sở TT&TT vận hành các hệ thống giám sát và cảnh báo sớm tấn công, gây mất an toàn mạng...
Hệ thống thông tin của chính quyền điện tử tỉnh hiện đã kết nối liên thông UBND tỉnh với 43/43 sở, ban, ngành, 13/13 UBND cấp huyện, 177/177 UBND cấp xã và Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Tỉnh hoàn thành liên thông quản lý, luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp và kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC giữa 627 cơ quan đảng, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (đạt 100%) thông qua sử dụng chứng thư số, chữ ký số… Sử dụng hệ thống dữ liệu và thông tin trên môi trường mạng sẽ khiến tiến trình chuyển đổi số phải đối mặt với nhiều nguy cơ: Thư điện tử giả mạo, file đính kèm hay liên kết ẩn chứa mã độc, tội phạm công nghệ cao, tấn công mạng... Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, tỉnh xác định đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin cho hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu cần được đặt lên hàng đầu.
Trao đổi với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh về nội dung này, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Trung Tiến cho biết: Hiện toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu từ cấp tỉnh tới các địa phương, sở, ngành và các trung tâm hành chính công trong tỉnh được liên thông, lưu trữ và quản lý tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Bộ phận “đầu não” của hệ thống dữ liệu, thông tin này được bảo vệ bởi Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm tấn công, gây mất an toàn mạng và Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC). Các hệ thống này có khả năng thu thập logs (lịch sử hoạt động hệ thống), cảnh báo giám sát về an toàn thông tin mạng, giúp nhân viên quản trị hệ thống có căn cứ để kịp thời đưa ra những phương án ứng phó kịp thời… Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành đánh giá, phê duyệt cấp độ an toàn thông tin đối với 25 hệ thống thông tin; tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, thành lập Đoàn kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thông tin mạng, các hệ thống thông tin theo cấp độ trên địa bàn tỉnh đối với 9 sở, ngành và 13/13 huyện, thị xã, thành phố.
Hội thảo an toàn thông tin mạng - Security Bootcamp 2022 tại Quảng Ninh.
Bên cạnh các phần mềm, hệ thống được xây dựng để đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh còn hết sức chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ nhân lực phụ trách quản lý và vận hành các hệ thống CNTT trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh hoàn thành kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh (theo Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 5/8/2022) của UBND tỉnh); thành viên của Đội là các cán bộ chuyên trách CNTT và an toàn thông tin của Sở TT&TT và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh tích cực tham gia và tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện về an toàn thông tin, như: Phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức Hội thảo an toàn thông tin mạng - Security Bootcamp 2022 tại Quảng Ninh; triển khai chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng; tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng trên Cổng dịch vụ công của tỉnh… Tỉnh hoàn thành khóa đào tạo kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng (cuối năm 2022) cho 37 học viên là các cán bộ chuyên trách hệ thống CNTT của các địa phương, sở, ngành của tỉnh. Đầu tháng 3/2023, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến đến 13 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố và 177 điểm cầu các xã, phường, thị trấn của tỉnh tập huấn công tác đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, chuyên viên các bộ phận…
Công tác phát hiện, điều tra và xử lý vi phạm về an ninh mạng, an toàn thông tin được các sở, ngành chức năng của tỉnh thực hiện quyết liệt. Trong năm 2022, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ/116 đối tượng; trong đó khởi tố 56 vụ/94 bị can liên quan đến tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng... Qua đó, góp phần tạo thế chủ động trong công tác đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin và phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027