Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV: Nhiều ý kiến tâm huyết để phát triển KT-XH

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 13/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015- 2020 thực hiện tham luận tại Hội trường.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 13/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015- 2020 thực hiện tham luận tại Hội trường. 

 

Quang cảnh Đại hội.

 

Trước khi thực hiện tham luận tại Hội trường, Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2015- 2020, với danh sách 62 đồng chí đã được Đại hội biểu quyết thông qua. 

 

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIV, nhiệm kỳ 2015-2020.

 

Sau khi bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành khóa XIV, Đại hội thực hiện nội dung tham luận tại hội trường. Theo đó, tham luận về việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020”, Đại biểu Nguyễn Văn Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong 5 năm tới tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến từ 580.000- 600.000 tỷ đồng.

Để thu hút đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu này, đại biểu Nguyễn Văn Minh cho rằng cần tập trung các giải pháp: Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ đầu tư phù hợp để đảm bảo vốn cho các công trình, các dự án trọng điểm. Tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các chương trình phát triển và các cơ chế chính sách ưu đãi.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ cơ quan Sở kế hoạch tham luận tại Hội trường.

 

 

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình ... tham gia đầu tư phát triển kinh tế. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư, chú trọng huy động nguồn vốn từ khai thác quỹ đất. Phấn đấu các thành phần kinh tế trong nước đáp ứng 46,8% tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đáp ứng 36,6% tổng nhu cầu còn lại thông qua các biện pháp xúc tiến đầu tư; chủ động tìm hiểu, tiếp cận và giới thiệu các dự án đến nhà đầu tư tiềm năng, tích cực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Cải thiện môi trường đầu tư trước và sau khi cấp giấy phép; phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư FDI lên tối thiểu 60%.

 Các đại biểu nghe báo cáo tham luận tại Hội trường.

 

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại khu vực biên giới, đại biểu Nguyễn Xuân Ký, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái trong tham luận của mình tại hội trường đề nghị: Trong văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, cần bổ sung các giải pháp đủ mạnh và khả thi nhằm thúc đẩy hiệu quả việc xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi các hiệp định FTA, TPP có hiệu lực.

Trong đó, cần tạo bước đột phá hơn nữa trong tái cấu trúc nền kinh tế để Việt Nam thực sự trở thành một mắt xích trong mạng sản xuất và phân phối của nền kinh tế khu vực và toàn cầu; đẩy mạnh xuất khẩu song song với việc điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng cường khai thác các lợi thế cạnh tranh bền vững dựa trên khoa học công nghệ và tri thức, tập trung tháo gỡ các "nút thắt" trong phát triển kinh tế là: Cơ sở hạ tầng lạc hậu, nguồn nhân lực chất lượng thấp và hệ thống thể chế kinh tế còn nhiều bất cập; sớm xây dựng hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, phát triển đột phá tạo ra các cực tăng trưởng...

 

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Ký, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái tham luận tại hội trường.

 

Đối với tỉnh, đại biểu Nguyễn Xuân Ký đề nghị, trong quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cần hướng tới mục tiêu tăng cường tính lưỡng dụng kinh tế và quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh. Tiếp tục rà soát quy hoạch, bố trí, sắp xếp các cụm dân cư trên các tuyến biên giới của tỉnh, hoàn thành dứt điểm việc giao đất, giao rừng đảm bảo thuận lợi phát triển sản xuất và tham gia hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Xây dựng cơ chế ưu đãi phù hợp với từng dự án để thúc đẩy đối tác công tư (PPP) và thu hút nhà đầu tư chiến lược, có uy tín đầu tư phát triển các dự án hạ tầng.

Để thúc đẩy kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, đại biểu Nguyễn Hữu Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ cơ quan Sở NN&PTNT tham luận tại hội trường đề nghị trong giai đoạn 2015- 2020 cần tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đó là: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm chính là lợi thế để lập dự án làm cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện; tăng cường quản lý giám sát, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch. Khuyến khích và thu hút doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhà nước chuyển vai trò từ nhà cung cấp sang vai trò hỗ trợ và điều phối; phát triển kinh tế hợp tác, triển khai các dự án đối tác công - tư trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng; đầu tư thu hút doanh nghiệp vào các khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nghề; trong đó, tập trung phát triển, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất giống; chuyển giao, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ cơ quan Sở NN&PTNT tham luận tại hội trường.

 

 

Đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc ngành nông nghiệp; phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu; chuyển dịch cơ cấu từ trồng trọt sang chăn nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi công nghiệp tập trung gắn với khu giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế thủy sản theo Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 06/5/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, trong đó tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, phát triển hình thức nuôi thâm canh; phát triển khai thác thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, giảm khai thác ven bờ đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP.

Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công theo hướng tăng cường đầu tư cho hệ thống hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung, lai tạo giống, giám sát môi trường và quản lý dịch bệnh; ưu tiên các giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng gỗ lớn.

Cải cách thể chế, củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; trong đó, thực hiện sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp theo hướng cổ phần hóa; cải cách hành chính; chú trọng phát triển nâng cao năng lực các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt là hợp tác xã và tổ hợp tác; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành khi Tỉnh trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Đẩy mạnh quá trình liên kết 4 nhà; liên kết sản xuất giữa các tổ chức sản xuất từ cung ứng vật tư đầu vào đến tiêu thu sản phẩm; phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm; phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hoá sạch.

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế chính sách của Tỉnh để hỗ trợ phát triển nông nghiệp; ưu tiên đầu tư nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đầu tư xây dựng nông thôn mới để hoàn thành các mục tiêu đề ra nhằm khắc phục khoảng cách giàu nghèo tại các xã nằm trong chương trình 135 của tỉnh.

Ngày mai 14/10, Đại hội sẽ tiếp tục các nội dung theo chương trình.

 

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 594 Tổng lượt truy cập 94728064