Đại biểu Lân Hiếu: Nên xem xét công bố hết Covid-19 tại Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề xuất nên xem xét công bố hết Covid-19. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam. Đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, Việt Nam có thể yên tâm công bố hết Covid-19 bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết.

Bước vào tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 29/5, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khoảng 230.000 tỷ đồng. Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19. “Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội.

Tuy vậy, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ NSNN trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

“Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch...”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu.

Sớm công bố hết dịch tại Việt Nam

Góp ý hoàn thiện báo cáo, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề xuất nên xem xét công bố hết Covid-19. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam. Đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, Việt Nam có thể yên tâm công bố hết Covid-19 bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết.

“Khi Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần coi đây là bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc chi trả cũng cần ứng xử như các bệnh lý khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả”, Đại biểu Hiếu góp ý.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nêu ý kiến, có nhiều yếu tố đảm bảo công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Từ quá trình chống dịch, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm. Trong đó có sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội chung tay chống đại dịch, với những việc tưởng như không thể nhưng đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt như thành lập Quỹ Vaccine, tiêm chủng trên diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị người bệnh Covid…

“Chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực nhưng hết dịch vẫn nhiều điều đáng tiếc xẩy ra, những bài học kinh nghiệm vô cùng xương máu. Vì vậy, chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị cả vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai hoặc khả năng Covid-19 bùng phát trở lại”, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đồng ý vời đề xuất của Đoàn Giám sát về việc Bộ Y tế sớm có Văn bản hướng dẫn việc sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị chống dịch trước đây, chuyển sang điều trị khám chữa bệnh thông thường. Bộ Y tế nên giao các bệnh viện, địa phương quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được mua sắm, cho tặng...

Địa phương nộp lại 80% kinh phí ủng hộ là rất khó

Bày tỏ ý kiến về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho biết, việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng dịch Covid-19 tại địa phương đã phát sinh một số vấn đề. Nguyên nhân do trong cao điểm chống dịch, do chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời, một số quan điểm chưa được cơ quan các cấp thống nhất trong bối cảnh địa phương đang rất cần hướng xử lý phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) nêu một số vướng mắc trong sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19.

Đơn cử như theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về kinh phí, nguồn lực được ủng hộ thông qua vận động sẽ ưu tiên để địa phương sử dụng cho công tác chống dịch, sau đó mới nộp về Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Theo hướng dẫn này, địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ cho công tác phòng chống dịch, các khoản thu, chi đều đã được báo cáo, xin ý kiến và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

“Qua kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2022, căn cứ theo hướng dẫn của Chính phủ, Kiểm toán cũng đã yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid -19 Trung ương với tỷ lệ 80% tổng số tiền đã vận động được. Trong khi phần lớn nguồn kinh phí này đã được chi cho công tác phòng, chống dịch nên địa phương rất khó nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước”, Đại biểu nêu thực tế.

Cho biết nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, gặp khó khăn trong vấn đề hoàn kinh phí, Đại biểu Yến đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhanh chóng tổng hợp tình hình chung của các địa phương, từ đó phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này./.

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 39645 Tổng lượt truy cập 91478958