Cựu chiến binh Uông Bí giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
Thực hiện chủ trương “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do Trung Ương Hội phát động, 5 năm qua từ 2011 đến 2016, Hội CCB Uông Bí đã dấy lên thành một phong trào rộng khắp trong Hội CCB các xã phường, trong mỗi gia đình CCB. Những người lính sau thời trận mạc, phát huy truyền thống và bản chất bộ đội Cụ Hồ, họ đã thực sự trở thành những tấm gương trong phát triển kinh tế, trong cuộc sống đời thường.
CCB Đoàn Quang Ngọc với mô hình chăn nuôi lợn rừng hiệu quả.
Đến với CCB Nguyễn Tiến Thuần, người đang giữ cương vị Chủ tịch Hội CCB phường Phương Nam với hơn 400 hội viên. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy công việc chủ tịch Hội của một phường thật bận rộn, nhưng ông vẫn làm chủ 2 trang trại với tổng diện tích gần 20.000m2. Vốn là một chiến sĩ bộ đội Biên phòng, như đã từng quen với sông nước, với rừng núi, từ năm 2004 Tiến Thuần đã lập trang trại ở phía Nam của phường, nơi giáp với sông Đá Bạc, với những núi đá bao quanh.
Tại đây ông đã giành hơn 8.000m2 cho việc nuôi tôm cá, 4.000m2 cho vườn cây và cho chăn nuôi. Ngay từ sáng sớm, trước lúc đi làm mỗi ngày, Tiến Thuần đã thức dậy chăm cho lợn, gà, vịt, tôm, cá rồi chim cút. Chiều về cũng vậy, lại tất bật, lại miệt mài, có đêm 1, 2 giờ mới ngủ. Chúng tôi đến trang trại của ông vào một ngày đầu năm nên vải chín sớm chỉ mới nhú quả, những cây đào cho thuê, cho mượn chơi Tết cũng mới được thu về. Cả những rặng cau cao vút, cũng đều chưa vào vụ. Nhưng một năm, từ những cây này, mà đặc biệt là từ những hàng cau, cũng cho ông thu hoạch tới vài chục triệu đồng.
Được biết vợ của Nguyễn Tiến Thuần cũng đang là người trông coi, chăm sóc trang trại thứ 2 của gia đình với gần 10.000m2 trồng vải chín sớm. Bà là chủ nhiệm HTX vải Chín sớm của phường, một loại vải đang là niềm tự hào của vùng đất Phương Nam - Uông Bí. Cả hai vợ chồng người CCB này luôn là nơi bà con xóm phố, rồi cả phường tìm đến nhờ hỗ trợ về cây giống, con giống và cả kỹ thuật nuôi trồng.
Từ 5 đến 6 tấn tôm cá, 2 đến 3 tấn lợn, rồi từ vải, từ cau… gia đình Nguyễn Tiến Thuần đã thu về 400 đến 500 triệu đồng một năm. Đủ cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và nuôi 2 con ăn học, đồng thời tạo việc làm cho 2, 3 lao động qua từng thời vụ.
Chúng tôi về Hiệp An 2, đúng vào lúc hơn chục CCB đang chung sức tháo dỡ nhà đã quá dột nát, nứt hỏng của Chi Hội trưởng CCB Đinh Văn Suy. Với 40 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ cho gia đình theo chính sách, trăn trở mãi người CCB này mới quyết tâm phá bỏ ngôi nhà đã gắn với ông gần hết đời người.
Ngay gần đấy là nhà của CCB Hoàng Văn Kim một người lính từ Sông Bé - Đồng Nai trở về sau chiến tranh, rồi lại tái ngũ vào những năm chống quân xâm lược biên giới năm 1979. CCB Hoàng Văn Kim có 4 người con, vợ mất, bản thân đang mang trong người chất độc da cam. Chính sách hỗ trợ từ Hội CCB tỉnh cũng mới được 70 triệu đồng. Để xây được nhà, ông Kim phải vay mượn tới hơn một trăm triệu nữa. Đồng cảm với đồng đội, những CCB, những người lính, dẫu một thời cùng chung chiến hào đã đến góp chút ít công sức cùng đồng đội ở cái tuổi sế chiều.
Nhưng đây cũng là một trong những hình ảnh tình nghĩa của đồng đội với đồng đội mà CCB đã làm được trong nhiều năm nay ở Uông Bí.
Cũng ở Hiệp An 2 chúng tôi đến với gia đình CCB Bùi Đức Hòa. Ông Hòa đã ở tuổi 66, là người lính từ Quân khu 5 trở về sau giải phóng miền Nam năm 1975. Giống như nhiều đồng đội, ông cũng nhiễm trong người chất độc da cam. Chất độc ấy lại chuyền sang người con gái của ông. Nhà có tới 5 người con, đứng trước nguy cơ đói nghèo, ông tìm đến nghề sản xuất gạch không nung, tạo công việc cho vợ con và cho cả bà con lân cận với thu nhập 2 đến 3 triệu đồng một tháng theo thời vụ. Ông sắm xe vận tải để chuyên chở vật liệu, rồi vận chuyển gạch đến tận nơi cho khách hàng. Tự mình vươn lên khỏi hoàn cảnh của chính mình, đó cũng là một đức tính đáng quý trọng của những người lính năm xưa.
Chia tay Phương Nam, chúng tôi về với Phương Đông, vào với trang trại của CCB Đoàn Quang Ngọc. Đoàn Quang Ngọc sinh năm 1960, là chiến sĩ của mặt trận chống quân xâm lược phía Bắc tại Lạng Sơn vào những năm 78, 79. Ra quân, ông đi học và trở thành công nhân kỹ thuật điện, làm tại Mỏ than Vàng Danh. Đã từng có nhà ngay mặt phố ở phường Trưng Vương. Nhưng hình như không hợp với nghề thợ điện, từ năm 2000, Quang Ngọc bỏ phố, đưa vợ con vào rừng, dựa vào rừng để sống.
Trang trại của CCB Đoàn Quang Ngọc nằm ở phía Đông hồ Yên Trung với diện tích trên 7ha. Đây là một mô hình trang trại tổng hợp. Với số vốn trên một tỷ đồng, ông đã đầu tư vào nhiều công trình cho trang trại, nuôi trồng nhiều loại cây, con. Thanh long là loại cây được ông mở rộng diện tích tới hơn 3ha, mỗi năm thu trên 10 tấn quả. Ông đầu tư cho chăn nuôi với diện tích gần 2ha. Có năm nuôi tới 700 con gà. Đến với trang trại lần này, chúng tôi bắt gặp đàn lợn rừng tới hơn 400 con được nuôi trong nhiều ô khác nhau. Những năm gần đây CCB Đoàn Quang Ngọc tập trung cho việc nuôi hươu và nai. Khi chúng tôi đến, trang trại của ông đang có 18 con hươu và 13 con nai. Bằng mô hình trang trại như vậy, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Đoàn Quang Ngọc đã thu về khoảng 800 triệu đồng. Cũng từ trang trại ấy ông đã giúp cho 10 con em của hội viên có việc làm thường xuyên và 20 lao động có việc làm thời vụ với đồng lương từ 5 đến 7 triệu đồng một tháng. Chính ông đã phổ biến kinh nghiệm nuôi lợn rừng cho 35 lao động khác, giúp cho 2 hộ nghèo, 5 hộ khó khăn, 3 hộ thuộc diện chính sách để họ vươn lên thoát nghèo.
Từ trang trại này, bằng sự chăm chút của hai vợ chồng, mà 2 đứa con của ông, một cháu đã tốt nghiệp trường y, một cháu đang theo học quốc phòng. Sắp tới, ngay tại đây sẽ dựng lên ngôi nhà kiên cố theo kiểu biệt thự, thay cho những căn nhà tạm bợ.
Với những việc làm như vậy, CCB Đoàn Quang Ngọc đã được Hội CCB thành phố khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB gương mẫu năm 2009-2014”. Cao hơn, là ông được UBND tỉnh khen: Đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hộ nông dân sản xuất giỏi” cấp tỉnh 3 năm 2011-2014.
Đến với CCB Nguyễn Quang Hoạt, một chiến sĩ của lực lượng PKKQ, ông đã góp công trong đội ngũ những người đánh thắng B52 của Đế Quốc Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972 tại Hà Nội. Ông đặt tên cho doanh nghiệp của mình là “Dịch vụ nhôm kính Hoa Phượng”. Doanh nghiệp nằm trên địa bàn khu 6, phường Quang Trung. Đây là một loại hình dịch vụ cơ động nhiều hơn là sản xuất tại chỗ. Bởi nhà xưởng chỉ vỏn vẹn trong một khuôn viên không vượt 100m2. Nhưng đội ngũ công nhân của ông có thời gian lên đến 60 người, với mức lương 5,6 triệu đồng một tháng. Họ đi theo công trình nằm rải rác trong thành phố, trong tỉnh, thậm chí ở cả tỉnh ngoài. Không có công nhân tại trụ sở, Nguyễn Quang Hoạt trực tiếp thể hiện tay nghề trước ống kính của chúng tôi một cách thành thạo.
Chia tay CCB Nguyễn Quang Hoạt, chúng tôi đến với Công ty TNHH Thành Minh thuộc khu Nam Sơn - Nam Khê. Đây là một công ty làm nghề nặng nhọc đó là xúc gạt, vận tải và xây dựng. Giám đốc Công ty còn rất trẻ, đó là CCB Tống Văn Thành, mới bước sang tuổi 51. Khi chúng tôi đến, người CCB này không có mặt tại Nam Sơn, mà đang ở một cơ sở mới, vượt qua Uông Bí về phía Sông Khoai - Quảng Yên. Tìm về cơ sở mới, trong một khu đất tới vài ha, là những phương tiện xe cơ giới phục vụ cho việc vận chuyển, xúc gạt và xây dựng, những đống cát, đống đá, đống gạch chuẩn bị cho các công trình.
Hàng năm vốn hoạt động của Công ty tới vài chục tỷ đồng. Có năm như năm 2015 đã lên đến con số 80 tỷ đồng. Lực lượng cán bộ công nhân của CCB Tống Văn Thành lúc nào cũng 50 đến 60 người. Họ đều là những công nhân có tay nghề, bậc thợ cao, là những chuyên gia kỹ thuật trong cả 3 lĩnh vực công việc của công ty đó là vận tải, xúc gạt và xây dựng. Không chỉ hoạt động trong thành phố Uông Bí, Công ty còn vươn xa tới mọi huyện thị, thành phố trong toàn tỉnh. Ở đâu Công ty cũng nêu cao và bảo vệ đươc uy tín của mình bởi chất lượng công trình và tiến độ thi công. Điều đáng quan tâm đó là ngoài 50 đến 60 cán bộ công nhân gần như cố định của Công ty, CCB Tống Văn Thành còn lo công việc cho mấy chục công nhân khác theo thời vụ, có đủ mức lương 5 đến 6 triệu đồng một tháng, đảm bảo cho cuộc sống của họ luôn ổn định.
Đứng chân trên địa bàn phường Nam Khê, giống như nhiều công ty khác, Công ty của Tống Văn Thành luôn là một tấm gương tham gia và ủng hộ mọi phong trào của địa phương như xây dựng khu phố, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ các gia đình khó khăn, và hỗ trợ CCB xóa nghèo…
Những người lính, đã từng chiến thắng quân thù bằng cây súng. Nay trở về với đời thường, tưởng rằng họ chỉ quen với một công việc duy nhất là cầm súng đánh giặc. Nhưng không! Đổi mới - Hội nhập - Kinh tế thị trường đã làm thay đổi suy nghĩ trong mỗi CCB, họ chiến thắng đói nghèo bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Trong bài viết này chúng ta chỉ mới gặp một số gương điển hình như CCB Nguyễn Tiến Thuần, CCB Đoàn Quang Ngọc, CCB Nguyễn Quang Hoạt, hay Tống Văn Thành…Những hình thức làm giầu khác của CCB Uông Bí còn rất nhiều như kinh doanh thương mại dịch vụ của Lương Thế Muôn. Kinh doanh vận tải của Nguyễn Xuân Chức. Chế biến đồ mộc của Bùi Lai Hoàng. Sản xuất và khai thác đá của Nguyễn Xuân Đấu...
Tất cả những CCB ấy, tất cả những việc làm ấy, đang xóa đi đói nghèo của chính mình, của gia đình mình và của cả đồng đội để vươn lên làm giầu bằng đủ loại hình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước đã tạo điều kiện về đất đai, giống vốn, kỹ thuật cho họ. Những người lính năm xưa, những CCB bây giờ, đang chung tay làm đổi thay diện mạo ngày một khang trang, ngày một bình yên của vùng đất lịch sử và anh hùng này.
Nguyễn Xuân Vinh (CTV)
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027