Công ty CP Phát triển Tùng Lâm: Thi đua xây dựng "Doanh nghiệp giỏi"

Những năm qua, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm luôn nỗ lực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng "Doanh nghiệp giỏi" nhằm tạo động lực phấn đấu phát triển toàn diện, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải quyết việc làm, thu nhập, chế độ chính sách cho người lao động.

Du khách mua vé cáp treo lên Yên Tử.

Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, giống như các đơn vị dịch vụ, du lịch trong nước và thế giới, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề. Công ty phải đóng cửa toàn bộ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các dịch vụ. Khu Trung tâm lễ hội và dịch vụ vừa đầu tư xây dựng xong không hoạt động mà vẫn phải trả cả gốc và lãi. Mặt khác, hơn 400 lao động không có việc làm, nhưng công ty vẫn phải lo tiền duy trì hoạt động của bộ máy, lương nhân viên...

Trong cơn bão mang tên Covid-19, không ít doanh nghiệp bị cuốn khỏi dòng xoáy thị trường, nhưng Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã bằng nhiều giải pháp, tăng cường truyền thống đoàn kết, thi đua lao động sáng tạo, đặc biệt là thi đua xây dựng “Doanh nghiệp giỏi” để lấy lại “phong độ” của mình.

Công ty đã phải cơ cấu lại lao động; giãn, hoãn ngày công; các cấp quản lý tình nguyện đi làm và chỉ hưởng lương rất thấp; làm việc với các ngân hàng để thay đổi lại cơ cấu nợ; giãn, hoãn, điều chỉnh các kế hoạch đầu tư; tiết kiệm chi thường xuyên.

Cán bộ, CNLĐ Công ty CP Phát triển Tùng Lâm luôn nỗ lực xây dựng "Doanh nghiệp giỏi". (Ảnh: BCH Công đoàn bộ phận khách sạn của công ty họp bàn triển khai các phong trào thi đua lao động)

Sau đại dịch, công ty đã tập trung quảng bá hình ảnh danh thắng Yên Tử; nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, nhiều trải nghiệm đặc sắc hơn cho du khách như: Thiền hành, thiền yoga, thiền trầm hoa đăng; các trải nghiệm cho học sinh làm nón lá, chuồn chuồn, tò hè, cưỡi ngựa, bắn cung; dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở am Tuệ Tĩnh… Tăng cường tổ chức, quảng bá lễ hội áo dài, triển lãm tranh.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Tổng quản lý, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Nhờ thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động, nên sau khi đại dịch được khống chế, lao động có trình độ cao vẫn quay trở lại làm việc tạo nên sức mạnh to lớn để Tùng Lâm sớm phục hồi và phát triển. Các phong trào thi đua lao động hướng tới xây dựng “Doanh nghiệp giỏi” tại công ty được đẩy mạnh, nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh.

Qua thi đua, đã có nhiều sáng kiến được ứng dụng vào công tác, tiêu biểu như sáng kiến thay cáp chính của hệ thống cáp treo Yên Tử tuyến 2. Sau 13 năm hoạt động, sợi cáp treo Yên Tử tuyến 2 cần được thay thế để đảm bảo an toàn. Trước đây việc thay thế cáp treo Yên Tử thường được thực hiện bởi các chuyên gia Pháp với mức kinh phí lên đến hơn 10 tỷ đồng. Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chuyên gia Pháp không thể sang Việt Nam thay thế cáp treo kịp thời. Trong cái khó ló cái khôn, cán bộ kỹ thuật, CNLĐ của công ty đã đưa ra những tính toán riêng để giải bài toán này với giá trị làm lợi hơn 10 tỷ đồng.

Sáng kiến cải tiến kỹ thuật thay cáp chính của hệ thống cáp treo Yên Tử tuyến 2 góp phần làm lợi cho Công ty CP Phát triển Tùng Lâm trên 10 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc kỹ thuật Hoàng Long (Công ty CP Phát triển Tùng Lâm) chia sẻ: Quá trình thay thế cáp treo gặp rất nhiều khó khăn, bởi địa hình rất phức tạp. Chúng tôi đưa ra sáng kiến dùng sợi cáp phi 10 để kéo sợi cáp phi 14, rồi dùng cáp phi 14 kéo cáp chính phi 26, sau đó nối vào sợi cáp phi 42.

Sợi cáp chính dài 2.000m, nặng 26 tấn. Khi kéo từ mặt đất vòng lên nhà ga 4 là tổng 4.000m. Cáp nặng, địa hình hiểm trở, việc huy động các phương tiện hỗ trợ kéo cáp khó khăn; công nhân, kỹ thuật viên của công ty lại chưa thực hiện bao giờ. Thế nhưng, bằng sự sáng tạo và quyết tâm của toàn thể đội ngũ lãnh đạo, kỹ thuật, CNLĐ, sau 1 tháng chuẩn bị và 9 ngày bắt tay vào kéo cáp, cáp treo Yên Tử tuyến 2 đã được thay thế thành công.

Đội ngũ kỹ thuật, CNLĐ của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm thay thế cáp chính trên hệ thống cáp treo Yên Tử tuyến 2. Ảnh: Văn Quý (CTV)

Những giải pháp như trên đã giúp Công ty CP Phát triển Tùng Lâm dần hồi phục sau đại dịch. Năm 2022, khi nhiều khách sạn không có khách thì Tùng Lâm đã đón khách đạt trên 50% công suất dịch vụ. Quý I/2023, thị trường du lịch, du xuân ấm lại, khu danh thắng Yên Tử đã đón trên 400.000 lượt khách; Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đón khách đạt trên 60% công suất dịch vụ. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết để xây dựng “Doanh nghiệp giỏi” của Tùng Lâm.

Theo Thanh Hằng/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 10032 Tổng lượt truy cập 94794267