Công ty CP Lâm Thiên Đạt trình bày ý tưởng đầu tư nhà máy sản xuất ván sợi MDF tại TP Uông Bí

Ngày 21/12, UBND tỉnh có cuộc họp nghe Công ty CP Thiên Lâm Đạt (tỉnh Bắc Giang) báo cáo ý tưởng đầu tư nhà máy sản xuất ván sợi MDF công suất 250.000 m3 và các nhà máy phụ trợ tại Cụm công nghiệp Phương Nam (TP Uông Bí). Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Công ty CP Thiên Lâm Đạt ( tỉnh Bắc Giang) đã báo cáo về ý tưởng, chiến lược đầu tư tổ hợp nhà máy chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu tại Quảng Ninh. Theo đó, Công ty sẽ đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp tại TP Uông Bí với diện tích giai đoạn 1 là 70-80ha; trồng rừng nguyên liệu (thuê, liên doanh và mua vốn nhà nước tại 5 công ty lâm nghiệp) với quy mô dự kiến khoảng 50.000ha. Đồng thời, xây dựng 1 tổ hợp nhà máy khép kín gồm 1 nhà máy sản xuất sợi MDF công suất 250.000m3 sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất ván dăm định hướng cao cấp công suất 150.000m3 sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất ván ghép thanh tự động công suất dự kiến 24.000m3 sản phẩm/năm; 1 nhà máy cơ khí với vai trò sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành gỗ và khai thác mỏ, 4 nhà máy sơ chế được đặt tại vùng nguyên liệu thuộc các huyện Ba Chẽ, Hoành Bồ, Tiên Yên và Cẩm Phả với công nghệ xẻ ván bán tự động và sấy hơi nước. Tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng. 

Công ty CP Thiên Lâm Đạt thuyết trình về công nghệ, quy mô đầu tư dự án.

Trong đó, nhà máy sẽ lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để sản xuất được sản phẩm đảm bảo chất lượng xuất khẩu đi các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao của các nước G7. Dự kiến sau khi dây chuyền đi vào hoạt động sau 3 năm sẽ phát triển thị trường xuất khẩu, dự kiến là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và khu vực Trung Đông, phấn đấu sản lượng xuất khẩu đạt tối thiểu 20% và tăng dần lên 70% sản lượng hàng năm.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư cần có hình thức tổ chức sản xuất hợp lý nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản.

Sau khi nghe ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng ý tưởng đầu tư của Công ty. Đồng chí nhấn mạnh, hiện nay, tỉnh đã chính thức báo cáo Chính phủ về việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp để tạo ra một vùng nguyên liệu lớn, gắn với công nghệ cao. Việc Công ty áp dụng những công nghệ mới, hiện đại của Châu Âu trong chế biến sâu hoàn toàn phù hợp với quy hoạch môi trường của tỉnh đã được phê duyệt, đây cũng sẽ là lợi thế của Công ty khi tỉnh xem xét lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để dự án đạt hiệu quả lâu dài, khai thác có hiệu quả tiềm năng từ rừng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Thiên Lâm Phát tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề án. Trong đó, cần bổ sung các quy trình đầu tư từ cây giống trồng rừng đến công nghệ phục hồi đất rừng; nghiên cứu cơ chế thu mua, gắn kết với các doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh để tạo sự phát triển bền vững và sinh kế lâu dài cho người dân. Tại những vị trí chưa có rừng, nhà đầu tư cần đưa ra những giải pháp để có thể làm tăng diện tích trồng rừng, phát huy hiệu quả sau đầu tư của dự án.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 122372 Tổng lượt truy cập 89332594