Cơ giới hóa trong đào lò ở Than Vàng Danh

Trong sản xuất than nói chung và lĩnh vực đào chống lò nói riêng, cơ giới hoá có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất. Nhận định rõ vai trò của cơ giới hóa, những năm gần đây, Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị nhằm tăng nhanh tốc độ đào lò.

Tốc độ đào lò phụ thuộc chính ở từng khâu theo dây chuyền công nghệ. Trong đó, đối với đào lò theo phương pháp khoan nổ mìn gương thì các khâu mất nhiều thời gian nhất là khâu khoan lỗ mìn gương, khâu xúc bốc và khâu dựng vì chống. Các khâu này phụ thuộc nhiều vào tay nghề bậc thợ, đặc tính và công suất thiết bị. Nếu thời gian ở các khâu này kéo dài sẽ làm tốc độ và năng suất đào lò thấp.

Trước kia, sản xuất than hầm lò nói chung và Công ty CP Than Vàng Danh nói riêng cơ bản áp dụng công nghệ đào lò bằng phương pháp khoan nổ mìn truyền thống. Công nghệ khoan lỗ mìn gương vẫn duy trì bằng khoan điện hoặc khoan khí nén cầm tay, cho tốc độ khoan thấp. Đặc biệt, khâu xúc bốc, vận chuyển đất đá và than chủ yếu dựa vào sức người. Chính vì vậy, tốc độ đào lò tại các diện cơ bản chậm và không đảm bảo an toàn. Còn hiện tại, bằng cơ giới hóa, Than Vàng Danh đã có nhiều bước tiến mới trong công tác đào lò.

"EBH 45 là thiết bị đào lò thế hệ mới, hiện đại nhất của ngành than tính đến thời điểm này. Với kết cấu linh hoạt, EBH 45 cho phép di chuyển thuận lợi trong tiết diện lò từ 9-13m2. Ngoài ra, EBH45 được thiết kế có thể lắp đặt bổ sung đầu căn đá, hệ thống khoan thăm dò gương và cơ cấu nâng xà vì chống, giúp người thợ giảm được sức lao động phổ thông. Chính vì những ưu điểm vượt trội của thiết bị này, từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Than Vàng Danh đã đầu tư, đưa vào sử dụng 3 thiết bị EBH-45 phục vụ công tác đào lò. Dự kiến cuối năm 2024, Công ty sẽ đầu tư thêm 1 máy EBH 45 để phục vụ công tác đào lò. Từ khi đưa EBH45 vào sử dụng, công tác khấu gương bằng máy đã giải quyết được hai vấn đề cốt lõi là: Tăng được tốc độ đào lò và giảm số lượng nhân lực trực tiếp hàng ca" - ông Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty cho biết. 

Công nhân Than Vàng Danh vận hành máy đào lò EBH 45.

Chức năng chính của EBH 45 là khấu cắt gương than, nhưng ở vị trí đầu khấu của máy cho phép lắp bổ sung một số thiết bị phục vụ công tác đào lò như: Gầu xúc, búa căn đá, máy khoan thăm dò gương. Nhờ vậy, trong quá trình đào lò tiến gương, gặp đá rắn, EBH 45 có thể phá đá mà không cần phải nổ mìn. Ngoài ra, hệ thống điều khiển máy di chuyển, nâng hạ, quay đầu khấu... đều vận hành bằng van thủy lực, rất thuận tiện cho người vận hành thiết bị. 

Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong công tác đào chống lò cũng đã cho phép giảm các rủi ro mất an toàn liên quan đến vật liệu nổ so với đào lò bằng khoan nổ mìn. Mức độ nặng nhọc và cường độ làm việc của người lao động được giảm thiểu do không phải thực hiện các công đoạn khoan nổ mìn thủ công. Bên cạnh đó, với những diện sản xuất không phù hợp để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, Than Vàng Danh cũng đang duy trì công nghệ bán cơ giới hóa để tăng nhanh tốc độ đào lò. Đó là áp dụng đào lò bằng phương pháp khoan nổ mìn thủ công kết hợp với một số loại máy móc như máy xúc đá XD 32, máy xúc lật hông, máy cào đá… 

Thợ lò Than Vàng Danh sử dụng thiết bị khoan trong đào lò than.

Bên cạnh đó, để áp dụng hiệu quả cơ giới hóa, các sơ đồ công nghệ của Than Vàng Danh cũng đã được thiết kế phù hợp với những yếu tố như điều kiện đường lò, tuyến vận tải, đặc tính và ưu việt của từng loại thiết bị. Đơn cử, cuối năm 2023 vừa qua, Công ty CP Than Vàng Danh đã đưa vào hoạt động công trình đào lò cơ giới hóa việc vận chuyển người, vật tư, thiết bị dự án Giếng Vàng Danh mức -175m. Công trình này có tổng chiều dài thiết kế 286m, lò đào trong đá và than chống giữ bằng vì sắt có tiết diện từ 10,7m² đến 17,8m², nhằm lắp đặt các thiết bị cơ giới hóa việc chở người và thông gió, vận chuyển phục vụ cho công tác đào lò, khai thác các vỉa than trong khu I, giếng Vàng Danh mức -175m.

Ngoài việc cải thiện điều kiện làm việc, rút ngắn thời gian đi lại cho công nhân làm việc trong khu I giếng Vàng Danh, công trình còn tạo điều kiện để nâng cao năng lực vận chuyển và thông gió từ mức -175m lên mức +0 (mặt bằng), giảm tải cho các đường lò hiện có, đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác than tại khu vực giếng Vàng Danh mức -175m trong những năm tiếp theo. 

Máy móc sẽ dần thay thế sức người trong dây chuyền sản xuất than hầm lò. Các mỏ than, trong đó có Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin sẽ tiến tới mô hình hiện đại, ít người, hài hòa với môi trường. Định hướng phát triển công nghệ cơ giới hóa đào lò cho các mỏ hầm lò của TKV giai đoạn 2020-2025 vẫn đang đầu tư 25 dây chuyền. Trong đó, với đào lò than sẽ áp dụng máy khoan combai loại nhẹ và siêu nhẹ có điều kiện các đường lò địa chất phù hợp tiết diện nhỏ hơn 9,4m2; cho phép nâng tốc độ đào lò lên 130-170m/tháng. Riêng đối với công nghệ cơ giới hóa đào lò đá sẽ sử dụng xe khoan tự hành, các máy khoan xúc đa năng. 

Theo Hoàng Yến/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14706 Tổng lượt truy cập 94754484