PV: Vậy những khó khăn, thách thức đặt ra với báo chí trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay là gì, thưa ông?
TS. Phan Văn Kiền: Có nhiều khó khăn, thách thức với báo chí trong công cuộc chuyển đổi số tùy thuộc vào vị trí, năng lực, tiềm lực của mỗi cơ quan. Nhưng có thể thấy 3 thách thức chính, đó là:
Thứ nhất, sự thiếu đồng bộ trong các mặt khác nhau của hệ sinh thái báo chí truyền thông. Sự thiếu đồng bộ trước hết nằm ở khung khổ pháp lý. Luật Báo chí, Luật Viễn thông và nhiều bộ luật có liên quan khác hiện nay chưa bắt kịp với bối cảnh của chuyển đổi số. Nội hàm của khái niệm “báo chí” hiện nay đang mâu thuẫn giữa thực tiễn hoạt động, thực tiễn quản lý và vai trò, chức năng vốn có của thiết chế này. Điều này khiến cho quá trình quản lý Nhà nước về báo chí sẽ gặp không ít khó khăn.
Chuyển đổi số có ảnh hưởng sống còn tới hoạt động của báo chí trong bối cảnh hiện nay
Sự thiếu đồng bộ tiếp theo nằm ở nhận thức về chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí truyền thông. Bên cạnh một số quan điểm coi chuyển đổi số là ranh giới giữa tồn tại hay không tồn tại, thì có một quan điểm ngược lại, coi chuyển đổi số là việc của Nhà nước, của các cấp lãnh đạo, chứ không phải việc của mỗi cá nhân, mỗi tòa soạn. Cả hai quan niệm này đều đang khiến cho quá trình chuyển đổi số hoặc bị thổi lên như là một phong trào chính trị, nhà nhà, người người nhắc tới chuyển đổi số như một xu hướng chủ yếu để thảo luận; hoặc bị thờ ơ, coi nhẹ, không làm gì.
Thứ hai, dù tốc độ phát triển Internet của Việt Nam nằm trong top đầu thế giới, nhưng hạ tầng công nghệ thông tin nói riêng và công nghệ kỹ thuật nói chung lại đang rất thiếu và yếu. Điều này tạo ra sự thiếu hụt nền tảng công nghệ trong chuyển đổi số. Có ý kiến đề xuất việc sử dụng hạ tầng của bên thứ ba. Nhưng điều này lại đặt ra thách thức về an toàn thông tin và kiểm soát dòng tài chính khi nền tảng bị chia sẻ...
Thứ ba, sự thiếu đồng bộ và thống nhất giữa các yếu tố giáo dục đào tạo và thị trường lao động khiến cho chất lượng lao động của nước ta nói chung vẫn đang ở mức thấp. Các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông về cơ bản chưa bắt kịp xu hướng thay đổi nhanh chóng của thị trường báo chí truyền thông, chưa kể tới mặt bằng chung của năng lực người học cũng là một vấn đề cần phải bàn.
PV: Theo ông, vai trò của các cơ quan báo chí nói chung và cá nhân người làm báo nói riêng cần phải làm gì để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay?
TS. Phan Văn Kiền: Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, việc quan trọng nhất là tạo ra sự đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bộ phận trong hệ sinh thái báo chí truyền thông để cùng nhau thực hiện công cuộc chuyển đổi số.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhận thức và có những thay đổi nhanh chóng về khung khổ pháp lý, các văn bản luật để cập nhật kịp thời tình hình mới. Các cơ quan báo chí căn cứ vào năng lực của mình để dần chuyển hướng mọi mặt hoạt động
của mình để thích nghi dần với quá trình chuyển đổi số. Quan trọng nhất, theo tôi, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cần phải cập nhật ngay các xu hướng công nghệ mới của báo chí truyền thông cũng như các kỹ năng cơ bản của hoạt động báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số để trạng bị cho người học. Đồng thời, phải có ngay các khóa ngắn hạn về chuyển đổi số trong báo chí truyền thông để bồi dưỡng cho người làm báo tại các cơ quan báo chí.
Hiện nay, ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số đơn vị đào tạo báo chí, truyền thông khác đã đưa môn học “Công nghệ truyền thông số” vào chương trình đào tạo mới cập nhật nhất. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ báo chí truyền thông vào giảng dạy cho sinh viên như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường...
Cùng với đó, các học phần về truyền thông xã hội, về truyền thông đa phương tiện... có từ trước đã giúp sinh viên nắm bắt cơ bản xu hướng phát triển của các công nghệ mới trong hoạt động báo chí truyền thông. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng đã và đang tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng chuyển đổi số trong báo chí để phục vụ các tòa soạn và phóng viên có nhu cầu trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí. Đây thực sự là những kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại rất cần thiết mà bất cứ phóng viên, nhà báo nào cũng cần tiếp cận để làm việc tốt hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn TS. Phan Văn Kiền!