Chuyển đổi số toàn diện: Những kết quả nổi bật

Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, trên cơ sở phát huy kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở giai đoạn trước, Quảng Ninh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện với quyết tâm cao, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Điều này được thể hiện rõ qua xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 các tỉnh, thành phố.

Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022.

Theo đó, với điểm số DTI đạt 0,7024 (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021), Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 4 hạng so với năm 2021. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của BTV Tỉnh ủy "Về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" từ tỉnh đến cơ sở, trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Được cấu trúc theo 3 trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, DTI 2022 vẫn cơ bản được triển khai như 2 năm đầu (2020, 2021) bắt đầu thực hiện đánh giá. Mục tiêu cao nhất DTI đặt ra và quyết tâm thực hiện là tập hợp những ý kiến đánh giá của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp - những đối tượng thụ hưởng chính các thành quả của công cuộc CCHC và chuyển đổi số, từ đó đưa ra những căn cứ quan trọng để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của cả nước trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhìn vào điểm số và thứ hạng của Quảng Ninh ở 3 trụ cột thấy tỉnh có sự nỗ lực, tiến bộ vượt bậc trong thực hiện chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ và những sáng tạo, cách làm riêng của Quảng Ninh. Ở trụ cột Chính quyền số, Quảng Ninh đạt 0,7804, tăng 0,1428 điểm so với năm 2021, tăng 0,2511 điểm so với năm 2020, vươn lên xếp hạng 4, tăng 1 bậc so với năm 2021. Ở trụ cột Kinh tế số, tỉnh đạt 0,7187 điểm, tăng 0,2209 điểm so với năm 2021, tăng 0,4159 điểm so với năm 2020, vươn lên xếp hạng 9, tăng 5 bậc so với năm trước đó. Ở trục Xã hội số, tỉnh đạt 0,6864 điểm, tăng 0,2084 điểm so với năm 2021, tăng 0,2909 điểm so với năm 2020, xếp hạng 2 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2021.

Để có được kết quả này, ngày 5/2/2022, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU. Trong đó xác định triển khai chuyển đổi số ở cả ba trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số với 27 mục tiêu và 51 nhiệm vụ cụ thể. Nghị quyết xác định lấy người dân là trung tâm, là con đường ngắn nhất để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Đây chính là động lực, nền tảng để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0.

Cán bộ Sở KH&ĐT giải quyết TTHC cho doanh nghiệp trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, được liên thông với hệ thống quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Triển khai chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột của tỉnh theo Nghị quyết số 09-NQ/TU đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ở trụ cột Chính quyền số, đến nay có gần 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 99% hồ sơ TTHC của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS năm 2022 (số 205/KH-UBND); trong đó xác định rõ nội dung xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, nâng cao Chỉ số SIPAS...

Ở trụ cột Kinh tế số, đến nay Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có 100% doanh nghiệp sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Tỉnh cũng có gần 99% hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số. Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã lên các sàn thương mại điện tử; cấp gần 600 bộ mã truy xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và gần 100 tài khoản vận hành cho các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh…

Nhân viên y tế Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí làm hồ sơ thủ tục khám chữa bệnh cho người dân bằng hệ thống máy tính có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ở trụ cột Xã hội số, tỉnh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại; chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết TTHC… Toàn tỉnh hiện có hơn 400 máy ATM, gần 2.400 máy POS với hơn 2.100 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, đang tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học...; có 2,8 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có trên 2 triệu tài khoản đang hoạt động, có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt và có phát sinh giao dịch…

Đáng chú ý các chỉ số thành phần chính trong DTI 2022, tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu ở 2 chỉ số thành phần Thể chế số và Hạ tầng số. Trong chỉ số Thể chế số, dấu ấn là tỉnh đã nhanh chóng xây dựng và đưa vào áp dụng Bộ Chỉ số đo lường chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (phiên bản 1.0) nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu đo lường phục vụ đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động của tỉnh về chuyển đổi số. Đồng thời đưa chỉ số chuyển đổi số trở thành một trong những chỉ số thành phần đánh giá về CCHC, sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số quản trị cấp huyện và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương và cấp tỉnh.

Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023. Ảnh: Minh Đức

Chỉ số Hạ tầng số, hiện tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh đạt khoảng 30%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (20%). Quảng Ninh là một trong số ít địa phương hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và 6 hệ thống giải quyết TTHC khác của các bộ, ngành; hoàn thành kết nối hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối chính thức với trên 10 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng thuộc các lĩnh vực trọng điểm, như doanh nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng, tư pháp, bảo hiểm, bưu chính viễn thông...

Theo Minh Hà/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18628 Tổng lượt truy cập 94848452