Chuyển đổi số - Nâng cao hiệu suất của hợp tác xã
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được xác định là "chìa khóa" tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững. Nắm bắt kịp thời xu thế này, các HTX trên địa bàn Quảng Ninh đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh trên thị trường…
“Kích hoạt” chuyển đổi số tại các HTX
Nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Ðồng Tiến (huyện Tiên Yên) sớm triển khai gắn mã QR, tạo thương hiệu cho sản phẩm trứng vịt biển của HTX. Từ một HTX có 7 thành viên nuôi vịt biển đẻ trứng (năm 2015), đến nay đã phát triển lên 25 thành viên cung cấp trứng và thịt vịt biển an toàn cho nhiều địa phương trên cả nước. Ðể thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm, HTX xác định sản xuất là khâu quan trọng, mọi chiến lược phát triển thương hiệu thành hay bại đều bắt đầu từ đây.
Để thay đổi tư duy sản xuất của xã viên, HTX đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sản phẩm trứng vịt biển Ðồng Rui theo tiêu chuẩn an toàn cho các hộ thành viên, từ khâu chăm sóc, phòng bệnh, nhập thức ăn vật nuôi cho đến sản phẩm trứng vịt đều được bà con xã viên giám sát chặt chẽ theo đúng quy trình cam kết. Hiện nay, sản phẩm trứng vịt biển của HTX Chăn nuôi và dịch vụ Ðồng Tiến đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tiên Yên tư vấn xây dựng nhãn hiệu tập thể trứng vịt biển Đồng Rui cho HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến (xã Đồng Rui). Ảnh: Nguyên Ngọc
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Ðồng Tiến, cho biết: Nhờ siết chặt khâu quản lý, kiểm soát chất lượng, mẫu mã, bao bì, thương hiệu trứng vịt biển Đồng Rui ngày càng khẳng định vị thế. Đặc biệt, việc gắn thông tin truy xuất nguồn gốc đã phản ánh đầy đủ từ quá trình sản xuất của người nông dân đến việc phân phối sản phẩm, từ đó tạo niềm tin đối với các nông sản sạch. Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Trung bình mỗi ngày HTX tiêu thụ hơn 7.000 quả trứng vịt biển vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh và một số thành phố Hà Nội, Hải Phòng... Thời gian tới, HTX tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên phát triển các ngành nghề phụ trợ để làm tăng giá trị cho các sản phẩm mới; liên kết với các đơn vị sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho chuỗi giá trị.
Tương tự, HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) thành lập năm 2021, hiện có 8 thành viên và 47 hộ dân liên kết phát triển sản xuất. Từ khi thành lập đến nay, HTX từng bước ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và kết nối ứng dụng sản phẩm trên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản. Đây là một trong những HTX điển hình trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển thương hiệu sản phẩm.
Sản phẩm chính của HTX là ổi Hoành Bồ, trà gạo lứt - đỗ đen - xạ đen và khau nhục Sơn Dương. HTX đang liên kết với 46 hộ dân xã Sơn Dương (TP Hạ Long) trồng trên 10ha ổi. Hiện nay, ổi Hoành Bồ và trà gạo lứt - đỗ đen - xạ đen đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao. Đáng chú ý, HTX được cấp giấy chứng nhận đáp ứng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt. Đây cũng là những hộ trồng ổi VietGAP đầu tiên của TP Hạ Long nói riêng, toàn tỉnh nói chung đạt tiêu chuẩn này.
Điểm thu mua nông sản và bán sản phẩm của HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng tại chợ Hạ Long I.
Bà Nguyễn Thuý Hà, Giám đốc HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng, chia sẻ: Tất cả sản phẩm của HTX hiện đã được cập nhật trên sàn thương mại điện tử quốc gia (https://postmart.vn/). Việc cập nhật thông tin trên sàn mở ra nhiều cơ hội giúp HTX quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian tới, HTX tiếp tục hướng dẫn các thành viên và hộ dân liên kết ứng dụng xây dựng thương hiệu, khuyến công, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói bao bì sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 674 HTX với tổng số gần 60.000 thành viên, thu hút khoảng 72.800 lao động thường xuyên. Cùng với 2 HTX nói trên, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng đã bước đầu triển khai chuyển đổi số trong một số khâu sản xuất, kinh doanh, quản lý; chế biến sản phẩm; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Hướng chuyển đổi này đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho HTX và thành viên, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn.
Nâng khả năng tiếp cận chuyển đổi số
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc chuyển đổi số trong HTX hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Chuyển đổi số trong phát triển HTX là vấn đề mới, là xu thế tất yếu đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX.
Hầu hết HTX trên địa bàn tỉnh đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Do đó, quá trình chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn Quảng Ninh đang diễn ra khá chậm, quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao, đơn giản. Phần lớn các HTX đều có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu, nên gặp khó trong việc phát triển thị trường. Thực trạng chuyển đổi nhận thức về vai trò của kinh tế số, ứng dụng thương mại điện tử còn nhiều hạn chế, nên các HTX chưa tận dụng được lợi thế này để phát triển.
Nhân viên bán hàng HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 60% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hoạt động của các HTX quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống; năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Rào cản lớn nhất là năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX nói chung còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo, nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế.
Thực tế lực lượng lao động tại các HTX chủ yếu làm việc theo phương thức truyền nghề, thực hành tại chỗ. Với HTX nông nghiệp, tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ đại học chỉ chiếm 1,5%; trung cấp và cao đẳng chiếm 26%, còn lại chưa qua đào tạo nghề. Lực lượng lao động nhìn chung vẫn còn thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh...
Hội Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) ra mắt CLB “Chuyển đổi số vùng trồng vải chín sớm", tháng 10/2022. Ảnh: Hồng Nhung (Trung tâm TT-VH Uông Bí)
Để tháo gỡ khó khăn trên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ HTX thúc đẩy chuyển đổi số, như: Triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, trong đó xây dựng triển khai một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Trước mắt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho các HTX làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm...
Mô hình nuôi cá nước lạnh của HTX Phát triển nông nghiệp, thủy sản Đông Bắc (huyện Bình Liêu).
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và sản phẩm của các HTX nông nghiệp như ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm... Triển khai thí điểm các mô hình HTX ứng dụng công nghệ số để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình. Một trong những rào cản khiến HTX chậm chuyển đổi số là do nguồn lực tài chính có hạn. Do đó, tỉnh đề xuất cân đối bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và của tỉnh nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, nhất là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, công nghệ cao.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027