Chuyển đổi số nâng cao chất lượng cuộc sống

Mục tiêu từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tới, Quảng Ninh phấn đấu đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện; nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng… Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh và các ngành chuyên môn, địa phương đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi số tạo ra nhiều tiện ích mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, du khách.

Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Uông Bí được số hóa.

TP Uông Bí là một trong những địa phương triển khai chuyển đổi số toàn diện với nhiều giải pháp sáng tạo, nhiều tiện ích số được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đối với lĩnh vực du lịch, hiện địa phương đang tích cực thực hiện số hóa các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để giúp người dân, cũng như du khách có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận và tìm hiểu các điểm di tích lịch sử trên địa bàn.

Mới đây nhất, thành phố Uông Bí đã cho ra mắt sản phẩm tham quan thực tế ảo VR360 quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử. Công nghệ thực tế ảo VR360 là giải pháp công nghệ số mô phỏng thế giới thực trong không gian ảo 360 độ. Với sản phẩm này, không gian quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được thể hiện sinh động, trực quan bằng cả hình ảnh và âm thanh; qua đó, giúp người xem và người dùng sản phẩm tour du lịch ảo, dễ dàng quan sát toàn cảnh không gian, tương tác và cảm nhận những góc nhìn chân thực nhất về Yên Tử.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Uông Bí đã có những thay đổi, bứt phá để bắt kịp xu thế, đưa số hóa vào từng cánh đồng, từng khu sản xuất, tạo giá trị gia tăng năng suất, chất lượng và tính minh bạch của sản phẩm.

Điển hình như cây vải Phương Nam, loại cây trồng chủ lực của thành phố. Người dân đã làm chủ các kỹ thuật thụ phấn cho hoa, điều tiết quả, chủ động về thời điểm cho cây ra hoa, đậu quả đến khi thu hoạch. Hiện vùng vải chín sớm Phương Nam đang trong lộ trình chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng theo chuẩn OTAS. Với các tiêu chí về lập bản đồ vùng trồng và giám định, kiểm soát chất lượng. Đây là bộ quy chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chí để có thể xuất khẩu quả vải chín sớm Phương Nam vào các nước châu Âu.

Còn trên địa bàn huyện Hải Hà, công tác chuyển đổi số được tập trung thực hiện dựa theo 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Ngoài ra, chuyển đổi số tại Hải Hà được gắn với việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới thông minh, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương, tạo tiện ích cho người dân, cán bộ công chức.

Là mô hình điểm trong chuyển đổi số cấp xã của huyện Hải Hà, xã Quảng Long đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng phần mềm trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện công tác điều hành, quản lý công chức, cán bộ được thực hiện thông qua hệ thống chính quyền điện tử.

Hệ thống camera an ninh được lắp đặt dải khắp trên địa bàn xã Quảng Long, huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Để nâng cao hiệu qua trong công tác thông tin tuyên truyền, xã Quảng Long cũng đã triển khai lắp hệ thống 85 camera an ninh và wifi free dải khắp địa bàn, kết nối hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến liên thông 4 cấp và hệ thống phát thanh thông minh với 21 cụm, 66 loa điều khiển từ xa. Nhờ ứng dụng các thiết bị công nghệ, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ công chức hiệu quả và năng suất hơn nhiều lần so với trước đây.

Anh Nguyễn Văn Phong, Công chức Văn hóa xã hội, UBND xã Quảng Long cho biết, hiện nay, đối với một thông tin cần tuyên truyền đến người dân thì công chức chỉ mất từ 1 đến 3 phút để chuyển từ văn bản sang giọng đọc AI và phát lên hệ thống loa phát thanh thông minh. Chỉ ngồi ở 1 nơi làm trên hệ thống số rất nhanh và tiện lợi, do đó năng suất làm việc của công chức tăng lên rất nhiều. Quan trọng hơn mọi thông tin chuyển tải đến người dân rất kịp thời.

Ông Nguyễn Thế Phượng, thôn 1, xã Quảng Long chia sẻ: Với hệ thống wifi đã phủ 100% địa bàn thôn, đến đâu cũng có thể vào mạng rất thuận lợi nên việc cập nhật nắm bắt thông tin từ trong tỉnh, huyện, trung ương đều rất nhanh...

Nhờ thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, hiện các tiêu chí thông tin và truyền thông, mô hình thôn thông minh trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của xã Quảng Long đều đạt chuẩn. Đây là cơ sở để huyện Hải Hả tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cấp xã nâng cao đời sống nhân dân trên toàn địa bàn.

Các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện ở tất cả các lĩnh vực nhằm góp phần để Quảng Ninh phấn đấu đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tới.

Theo Việt Hưng/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 20242 Tổng lượt truy cập 94708124