Cháy vườn quốc gia Hoàng Liên gây nguy hại cho hệ sinh thái thế nào?

Thống kê sơ bộ diện tích đám cháy vườn quốc gia Hoàng Liên khoảng 30ha, trong đó có 4ha rừng trồng thay thế, 26ha chủ yếu là rừng không có trữ lượng, rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì.

Cháy rừng do nhiều nguyên nhân kết hợp

Theo Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai), khoảng 13 giờ 40 phút ngày 19/2, lực lượng tuần rừng của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên phát hiện đám cháy đồi cỏ và rừng trồng tại tiểu khu 286, khu vực Nà Háng (cách Trạm Kiểm lâm Séo Mý Tỷ khoảng 5 km), thuộc thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Sau nhiều giờ nỗ lực dập lửa, đến tối 20/2, nhiều điểm cháy trên rừng thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên đã cơ bản được khống chế, không để cháy vào khu vực rừng nguyên sinh (rừng già). Thống kê sơ bộ diện tích đám cháy khoảng 30ha, trong đó có 4ha rừng trồng thay thế, 26ha chủ yếu là rừng không có trữ lượng, rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định do hoạt động sản xuất của người dân. Được biết, trong vườn quốc gia Hoàng Liên vẫn có đồng bào các thôn, bản sinh sống.

Cảnh rừng trong Vườn quốc gia Hoàng Liên bị cháy.

Cùng thời gian này, một vụ cháy đã xảy ra tại bản Cải B, xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, thiêu rụi hơn 50 ha rừng. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, kèm theo gió Lào hoạt động mạnh, thảm thực bì dày và khô, vào khoảng 17h ngày 19/2, đám cháy đã bùng phát. Đám cháy đã kéo dài đến rạng sáng ngày 20/2 và gây ảnh hưởng 54,43 ha rừng.

Theo các chuyên gia của Đại học Lâm nghiệp, cháy rừng chỉ xảy ra khi có sự kết hợp đồng thời của 3 yếu tố là oxy, vật liệu cháy và nguồn nhiệt. Trong đó, oxy là chất duy trì sự cháy, sẵn có trong không khí. Dưới tán rừng tỷ lệ này có thể thấp hơn một chút do quá trính phân giải một số hợp chất hữu cơ làm cho lượng CO2 tăng lên. Vật liệu cháy là chất bị cháy, có sẵn trong rừng. Vật liệu cháy là tất cả những chất có khả năng bén lửa và bốc cháy trong điều kiện có đủ nguồn nhiệt và oxy. Nguồn vật liệu cháy có độ ẩm ≤ 25% có khả năng bắt lửa dễ dàng.

Nguồn nhiệt là yếu tố duy nhất không sẵn có trong rừng. Nhiệt độ cần để đốt cháy vật liệu cháy ở thời điểm ban đầu gọi là điểm bén lửa. Thời tiết và các nhân tố khí tượng là một tác nhân cho sự phát sinh và phát triển của một đám cháy rừng. Yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới cháy rừng và dự báo cháy rừng bao gồm nhiệt độ, độ ẩm và gió.

Địa hình ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cháy rừng và liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đám cháy; có tác động ngăn chặn các hệ thống gió, hình thành các khu vực tiểu khí hậu khác nhau tạo ra các khu vực thường xuyên có mưa hoặc khu vực khô hạn. Ngoài ra, các điều kiện địa hình tạo ra có ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện bốc hơi nước của vật liệu cháy hoặc chi phối quy mô, tốc độ lan tràn các đám cháy rừng.

Kiểu rừng và loại thực bì có liên quan trực tiếp đến nguồn vật liệu cháy, tính chất và khối lượng của vật liệu cháy do đặc điểm của kiểu rừng và loại thực bì quyết định, từ đó dẫn đến tính dễ bắt lửa và quy mô đám cháy.

Cháy rừng gây nhiều hệ lụy cho môi trường

Nói về hậu quả của cháy rừng, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia về phát triển rừng bền vững cho biết, cháy rừng thu hẹp nhanh chóng diện tích rừng có giá trị kinh tế. Nếu tính bình quân một ha rừng cho khoảng 50 m3 gỗ, thì những thập kỷ gần đây cháy rừng gây thiệt hại khoảng 10 triệu m3 gỗ, chưa kể nguồn cây dược liệu, chim thú mất môi trường sống, mất nguồn thức ăn và phải di chuyển đến nơi khác gây mất cân bằng sinh thái và khó khăn cho công tác quản lý, theo dõi.

Đối với thực vật rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến quần thể thực vật rừng chủ yếu thông qua sát thương, sau cháy rừng một số loài cây ưa sáng mọc nhanh phát triển phá vỡ cấu trúc của rừng, ảnh hưởng đến tổ thành rừng và diễn thế rừng. Đối với động vật, ảnh hưởng trực tiếp, sát thương động vật, thiêu cháy động vật, ảnh hưởng tới nguồn thức ăn và môi trường sống.

Đối với vi sinh vật, cháy rừng ảnh hưởng tới cấu trúc, số lượng và hoạt động của các vi sinh vật trong đất. Đối với môi trường, với môi trường đất, sau khi cháy rừng hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng tăng lên. Tuy nhiên thời gian sau do không có độ che phủ của tán rừng và lớp thực bì (mất nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và bảo vệ đất) nên nhanh chóng trở nên bạc màu, xói mòn, rửa trôi, sạt lở…

Hậu quả của cháy rừng có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới đặc điểm thuỷ văn. Mất rừng làm mất khả năng điều tiết nguồn nước, tạo nên lũ quét khi có mưa kết hợp với địa hình dốc, phức tạp. Ảnh hưởng đến mực nước ngầm cũng như khả năng dự trữ nước ở các vùng hạ lưu. Trong nhiều trường hợp, cháy rừng còn làm ô nhiễm nguồn nước.

Ngoài ra, cháy rừng sinh ra các loại bụi và khí đa số là ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng của cây rừng. Sau khi cháy rừng, tiểu khí hậu bị biến đổi theo hướng bất lợi: nhiệt độ tăng, độ ẩm giảm, gió thổi mạnh,…

Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, nguy cơ tác động từ vụ cháy là rất rõ ràng. Phải mất thời gian rất dài mới phục hồi được hệ sinh thái rừng tự nhiên. Mặc dù vậy, khu vực xảy ra cháy là các vách đá, khoanh nuôi, tự tái sinh với cây cỏ tế là chủ yếu, không có các cây gỗ lớn.

Để phòng ngừa cháy rừng, cần tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cho người dân về pháp luật phòng chống và chữa cháy rừng. Những chủ rừng thì cần phải có cam kết phòng chống cháy nổ khi tham gia trồng rừng mới. Và có kế hoạch khoanh nuôi tái sinh. Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy. Vận động, tuyên truyền cho người dân không đốt rừng làm nương rẫy bừa bãi. Các hạt kiểm lâm huyện cần phải tăng cường kiểm soát các biện pháp phòng chống chữa cháy, giám sát, kiểm tra chặt chẽ người ra vào rừng, phát hiện sớm và xử lý nhanh chóng những vụ cháy khi vừa phát sinh...

Theo suckhoedoisong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24524 Tổng lượt truy cập 94969317