Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu đã cấp phép sử dụng vaccine của hãng Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi (Ảnh minh họa: Getty)

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 5/3 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.580.376 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 443.639.815 ca, trong đó 6.008.523 ca tử vong và  376.393.662 ca đã được chữa khỏi.

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (159.056.631 ca), tiếp theo là châu Á (119.414.095 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (95.247.978 ca) và Nam Mỹ (54.603.296 ca). Châu Phi (11.560.512 ca) và châu Đại Dương (3.756.582 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tại châu Âu, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine của hãng Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Theo đó, trẻ em ở độ tuổi này sẽ được tiêm nửa liều của trẻ lớn hơn và người trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy xét về mức kháng thể chống virus, trẻ nhỏ hơn có phản ứng miễn dịch tương đương với người lớn tuổi hơn. Trước đó, EMA đã cấp phép tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 tuổi. EMA cũng khuyến nghị tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi trở lên..

Tại châu Á, trong ngày 4/3, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã lần đầu tiên vượt mốc 260.000 người/ngày, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang bùng phát mạnh ở nước này. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận 266.853 ca mắc mới, trong đó có 266.771 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lên 3.691.488 người.

Trong khi đó, số ca tử vong trước khi nhập viện đang gia tăng tại Malaysia với 91% trường hợp không biết mình đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, trong số 113 trường hợp tử vong được khám nghiệm từ ngày 5 đến 21/2 tại nước này, chỉ có 9% biết về tình trạng nhiễm bệnh của họ. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy 91% số ca tử vong có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hơn 50% thân nhân của người xấu số tin rằng người nhà của họ chỉ bị bệnh nhẹ, do đó đã không đưa đến cơ sở y tế kịp thời, đến khi virus được phát hiện thì đã quá muộn và những người thân đã tử vong tại nhà hoặc một nơi khác ngoài cơ sở y tế.

Tại châu Mỹ, Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với 80.885.274 ca mắc và 983.051 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 36.896 ca nhiễm mới. Số liệu của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy hiện có khoảng 93% dân số Mỹ sống ở các khu vực có tỷ lệ mắc COVID-19 ở mức thấp đủ để không cần yêu cầu người dân đeo khẩu trang trong không gian khép kín. Trước đó, CDC đã điều chỉnh quy định về đeo khẩu trang trong nhà, theo đó người dân Mỹ sinh sống tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm ở mức trung bình hoặc thấp không cần thực hiện biện pháp này. Dựa trên tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện, sử dụng giường bệnh và tử vong, CDC hằng tuần sẽ xem xét và điều chỉnh quy định đeo khẩu trang. Trong khi đó, việc đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông cộng như tàu hỏa, xe buýt, máy bay và ở các nhà ga vẫn có hiệu lực đến ngày 18/3 tới.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận thêm 4.183 ca nhiễm mới và 52 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trong khu vực lên 11.560.512 ca . Nam Phi ghi nhận 1.898 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này là 3.681.437 ca, trong đó 99.517 ca đã tử vong.

Châu Đại Dương ghi nhận có thêm 47.940 ca nhiễm COVID-19 mới, 45 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 3.756.582 ca. Trong đó, Australia ghi nhận tổng số 3.321.805 ca nhiễm, 5.354 ca tử vong./.

Theo dangcongsan.vn