Chăm lo toàn diện cho đời sống nhân dân
Trên quan điểm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, Quảng Ninh đã có những chính sách thiết thực, phù hợp và kịp thời, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, chăm lo toàn diện của tỉnh dành cho nhân dân. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, miền, nhân dân có cuộc sống ấm ho, hạnh phúc.
Ngôi nhà mới của gia đình anh Chìu Vằn Sàu (thôn An Sơn, xã Quảng An, huyện Đầm Hà) được đưa vào sử dụng dịp Tết Độc lập (2/9) vừa qua.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Tết Độc lập (2/9) vừa qua, rất nhiều ngôi nhà mới theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thiện, khánh thành, bàn giao cho các hộ gia đình đưa vào sử dụng. Từng ngôi nhà khang trang, kiên cố hiện hữu đã giúp cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Ninh từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngắm nhìn ngôi nhà rộng 70m2 là mơ ước bấy lâu nay, anh Chìu Vằn Sàu (người dân tộc Dao ở thôn An Sơn, xã Quảng An, huyện Đầm Hà) không khỏi bồi hồi xúc động. Anh Sàu tâm sự: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo của xã, lại có con bị khuyết tật đặc biệt nặng, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào việc làm thuê, làm mướn của 2 vợ chồng nên việc xây nhà mới là quá sức và gia đình vẫn sống trong căn nhà cũ xây dựng từ lâu, đã bị xuống cấp, xập xệ. Mọi hoạt động sinh hoạt trong gia đình như nấu ăn, ngủ nghỉ rất chật hẹp, bất tiện. Giờ có ngôi nhà mới, cả gia đình vẫn ngỡ như là mơ vậy.
Anh Chìu Văn Sàu trong ngôi nhà mới.
Cùng chung niềm vui, niềm hạnh phúc như anh Sàu, gia đình ông Hoàng Văn Khánh là hộ cận nghèo ở thôn 4, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà, cũng không giấu được niềm vui, sự háo hức trong ngày chính quyền địa phương bàn giao nhà theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát.
Ông Khánh phấn khởi: Trông ngôi nhà thật khang trang, ngoài sức tưởng tượng của gia đình. Nếu không có sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và chính quyền địa phương, cùng sự chung sức của cộng đồng thì những hộ dân khó khăn về nhà ở như chúng tôi chẳng biết bao giờ mới xây được căn nhà tươm tất như này. Đây là nguồn động viên, khích lệ lớn cho mọi thành viên trong gia đình tôi cố gắng làm ăn để có được cuộc sống khá hơn trong thời gian tới.
Bắt đầu cuộc sống mới trong niềm hân hoan, phấn khởi và tràn đầy hy vọng khi được an cư trong căn nhà mới kiên cố, chắc chắn gia đình anh Chìu Văn Sàu cũng như gia đình ông Hoàng Văn Khánh từ nay sẽ có cuộc sống ổn định hơn, tốt đẹp hơn.
Ngôi nhà xây mới khang trang, chắc chắn của gia đình ông bà Hoàng Văn Khánh - Trần Thị Lân (thôn 4, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà) theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát của tỉnh. Ảnh: Thu Chung
Thời gian qua, thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đã có gần 300 ngôi nhà “Đại đoàn kết” ở các địa phương được xây mới, sửa chữa khang trang, chắc chắc, an toàn. Những ngôi nhà dù giá trị không quá lớn, nhưng đó là tài sản vô giá, là niềm hạnh phúc và mở ra cuộc sống mới cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc nhiều địa phương hoàn thành sớm chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cũng như sự chung tay của cộng đồng xã hội trên tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, mà còn góp phần tạo động lực, niềm tin giúp người dân từng bước xóa dần khoảng cách, mặc cảm tự ti, tiếp tục nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát, Quảng Ninh hiện đang tập trung rốt ráo thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Đây tiếp tục là chương trình có ý nghĩa an sinh rất lớn, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Qua rà soát, dự kiến tổng số có 1.450 hộ gia đình người có công được hỗ trợ nhà ở, gồm 584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa. Đối với hộ xây mới, sẽ được hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ; hộ sửa chữa được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ. Kinh phí dự kiến thực hiện trên 80 tỷ đồng từ nguồn vốn NSNN và vốn huy động từ cộng đồng, đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ.
Hiện các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, kiểm tra, thống kê hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ theo quy định, đảm bảo đúng quy trình; thực hiện công bố công khai đối tượng, tiêu chuẩn được hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng mô hình huy động nguồn lực để hỗ trợ các hộ gia đình.
Ông Bùi Chung Hiếu, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ba Chẽ, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Ba Chẽ đã hoàn thành kiểm tra, rà soát các đối tượng. Theo rà soát, toàn huyện có 9 hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ nhà ở, trong đó có 2 hộ xây mới, 7 hộ sửa chữa. Để các hộ gia đình sớm ổn định cuộc sống, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở trong năm 2023. Do đó, ngoài nguồn lực NSNN, địa phương sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình sớm triển khai thi công và hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Huyện Ba Chẽ thực hiện rà soát, kiểm tra, thống kê các hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ nhà ở.
Nhân dân ấm no, hạnh phúc
Xóa nhà ở tạm, nhà dột nát, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng chỉ là 2 trong nhiều chính sách an sinh xã hội mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện hiệu quả thời gian qua. Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội, tập trung vào các chính sách về việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo hiểm, cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi.
Đáng chú ý, tỉnh đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Đồng thời, phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học cho ngành giáo dục; dành 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất cho ngành y tế (giai đoạn 1); 277 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, Quảng Ninh đã bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công để đầu tư xây dựng 12 trường học chất lượng cao ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh...
Niềm vui của nhân dân xã Hải Sơn (TP Móng Cái) khi đi trên con đường mới. Ảnh: Đỗ Giang
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, tổng chi an sinh xã hội của Quảng Ninh ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so cùng kỳ; chuẩn bị khoảng 45.960 suất tái định cư dự kiến đến năm 2030 để bố trí tái định cư, đạt khoảng 91% so với yêu cầu; hoàn thành đề án cấp nước sạch nông thôn đến năm 2025 đảm bảo mục tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt trên 70%; tạo việc làm tăng thêm ước đạt 19.369 người, bằng 96,85% kế hoạch; nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,25%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động.
Bằng việc tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt các giải pháp, Quảng Ninh đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2020-2025. Đồng thời hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo không ngừng được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 102 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 411 hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh (quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh), chiếm tỷ lệ 0,11%. Tỉnh đang nỗ lực triển khai trong các tháng còn lại của năm để đạt mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Trung ương. 100% người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người khuyết tật, người DTTS được trợ giúp pháp lý.
Từ nguồn NSNN chi cho an sinh xã hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Rõ nét nhất là đầu tư hoàn thiện các trung tâm y tế; xây dựng hoàn thiện Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng; nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; xây mới CDC Quảng Ninh... Nhiều công trình văn hoá, thể thao, trường học cũng được đầu tư, cải tạo hoàn thiện và đưa vào sử dụng, qua đó góp phần mở rộng các cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Từ thực tế với những cách làm sáng tạo, quyết liệt, vì mục tiêu hạnh phúc nhân dân, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng cả nước về thực hiện các chính sách an sinh xã hội để người dân được thụ hưởng những thành quả mà tỉnh đạt được. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền các cấp, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán