Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ lương cao” dịp đầu năm

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động có phần sôi động do các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng tăng; tuy nhiên, cùng với đó, cũng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo tuyển dụng, nên người lao động cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng, tránh để bị sập bẫy các đối tượng xấu.

Trăm nghìn thủ đoạn

Theo phản ánh, một số người dân cho biết họ nhận được các tin nhắn qua điện thoại hay trên các trang mạng xã hội với lời mời chào tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”, “làm tại nhà vào thời gian rảnh", "kiếm tiền chục triệu"... với cùng một nội dung, chỉ khác số điện thoại liên hệ qua Zalo…

Trường hợp chị N.T.T (Hà Nội) được một người mời tham gia công việc vừa có thể làm qua mạng lại có chiết khấu cao, chỉ cần gắn link sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… trên các sàn thương mại điện tử lên trên Facebook, Zalo… của mình là có thể nhận tiền hoa hồng từ các shop (trung bình từ 10.000 - 50.000 đồng/sản phẩm). Khi tham gia công việc này, các đối tượng yêu cầu chị T phải bỏ ra một khoản phí là 399.000 đồng và sau đó thêm chị vào một nhóm trên Telegram. Các đối tượng xấu tạo niềm tin cho nạn nhân bằng cách liên tục gửi các hóa đơn nhận tiền từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Sau 3 đơn hàng đầu được nhận tiền thật, đến đơn thứ 4 giá trị đơn hàng cao, họ yêu cầu chị T gửi tiền đối ứng đặt cọc giá trị, lấy lý do hệ thống bị lỗi cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế. Sau khi nạn nhân chuyển tiền và phát hiện ra thì cũng đã bị đối tượng chặn tài khoản, không thể liên lạc.

Hay trường hợp của chị N.L.A (quận Long Biên, Hà Nội) nhận được tin nhắn với nội dung tuyển lao động, mức thu nhập khá hấp dẫn mà không cần bằng cấp, kinh nghiệm. Đồng ý nhận việc, chị A được gửi link liên kết đến một website, được giới thiệu là của một tập đoàn tài chính hàng đầu Việt Nam. Công việc của chị A là vào Google và nhập tên từng mã cổ phiếu được chỉ định, ấn tìm kiếm để làm tăng lượt tương tác cho mã cổ phiếu, sau đó chụp ảnh lại gửi lại để xác nhận. Mỗi lượt hoàn thành sẽ nhận được 15.000 đồng. Mỗi ngày sẽ có khoảng 20 lượt tìm kiếm để nhận được 300.000 đồng lương cố định theo ngày. Sau đó, người hướng dẫn yêu cầu chị A nộp 2.000.000 đồng để mở tài khoản. Khi chị A chuyển khoản xong mới biết trang web nêu trên chỉ để tạo sự tin tưởng, thực chất, công việc của chị A là tư vấn cho một trang cờ bạc trực tuyến nên chị quyết định dừng lại và đành “ngậm đắng nuốt cay” mất số tiền trên.

Người lao động cần tìm đến những địa chỉ uy tín khi tìm kiếm việc làm. Nguồn: ITN

Ngoài việc gửi thông tin việc làm qua điện thoại, trên mạng xã hội cũng tràn lan những thông tin tuyển dụng hấp dẫn đi làm luôn sau Tết với thu nhập không giới hạn từ 17 - 25 triệu/tháng, làm việc linh động tại nhà, hay không yêu cầu kinh nghiệm, ưu tiên sinh viên, không có kinh nghiệm sẽ được đào tạo... Từng là nạn nhân bị lừa đảo về tuyển dụng trên mạng, Đ.T.M.H (sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội) cho biết, H đã đọc được một bài đăng trên Facebook với công việc bán hàng tại một cửa hàng thời trang ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, mức lương rất hấp dẫn nhưng phải chuyển khoản 400.000 đồng để giữ chỗ và mua quần áo đồng phục. Khi đến nơi thì địa chỉ đăng trên quảng cáo là một tiệm tạp hóa và chủ nhà không có nhu cầu thuê nhân viên. Sau đó, H đã gọi điện thoại cho bên đăng tuyển nhưng không thể liên lạc được.

Theo Công an quận Tây Hồ (Hà Nội), thời gian gần đây, đã có nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng nhưng vẫn có nhiều người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của anh T sinh năm 1970 sinh sống trên địa bàn có lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng trực tuyến (online). Tại đây, anh T đã đóng 560.000.000 đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không rút được tiền ra. Lúc này anh mới phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo. Có thể thấy, đối tượng lừa đảo luôn đưa ra lời mời rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của nạn nhân: với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng lãi suất cao (10 - 15% giá trị đơn hàng). Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.

Cần chọn lọc thông tin tuyển dụng

Luật sư Đỗ Văn Khán, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, điểm chung của các bài đăng tuyển dụng lừa đảo thường là các cá nhân đăng tin không có địa chỉ cụ thể mà chỉ để lại số điện thoại hoặc nhắn tin. Đặc biệt, họ đưa ra yêu cầu tuyển dụng khá dễ dàng như: không cần kinh nghiệm, không cần thử việc, mức lương hấp dẫn… Điều này đã vô tình đánh trúng vào tâm lý của nhiều lao động đang nôn nóng tìm việc sau Tết; đa phần, các đối tượng này đều ở nước ngoài, lừa nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do thuê người dân kém hiểu biết đi mở, hoặc mua lại của người dân không còn sử dụng, nên khi cơ quan công an vào cuộc cũng không tìm ra, hoặc rất khó tìm ra.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo thường dùng những các trang web, sàn thương mại điện tử uy tín... để mời chào người chơi tham gia; sẵn sàng đưa người chơi vào những hội nhóm mà ở đó nhiều người khoe đã tham gia từ lâu, có mức thu nhập hấp dẫn để tăng độ tin tưởng cho người chơi mới, thậm chí thấy “ham” vì thu nhập cao, từ đó dễ dàng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, thậm chí vay mượn để tham gia mạng lưới ảo này. Bởi vậy, đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội nhưng nhiều người bị lừa thường có tâm lý bỏ qua "mất rồi thì thôi", không tố cáo vì giá trị không quá lớn, có suy nghĩ khó tìm bắt tội phạm vì không có manh mối, không muốn mọi người nghĩ là mình bị lừa.

Theo Luật sư Khán, người lao động muốn tìm việc nên lựa chọn những nơi uy tín để tránh bị lừa đảo; đặc biệt, nên lưu ý trước khi nhận lời phỏng vấn cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... về các vị trí việc làm. Đối với các doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, không bao giờ yêu cầu người lao động phải đặt cọc, thế chấp tiền rồi mới được tuyển dụng. Để tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu, người lao động cần kiểm chứng tính chính xác về đơn vị đăng tin tuyển dụng việc làm qua nhiều nguồn khác nhau. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để vụ việc sớm được giải quyết.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo và biện pháp phòng tránh cho người dân trước chiêu trò trên. Do đó, người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: căn cước công dân, mã OTP, số thẻ ngân hàng,... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào. Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17712 Tổng lượt truy cập 94760940