Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán hàng trực tuyến

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều người vì tâm lý ham rẻ, thiếu cảnh giác, tin vào những lời mời chào hấp dẫn đã trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo.

Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. (Ảnh NAM THẮNG)

Cuối tháng 9 vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Long An bắt giữ Hồ Bửu Hoàng Dũng (SN 1996, trú tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dũng là đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội và rao bán tượng gỗ. Để tạo sự tin tưởng, Dũng đăng tải các clip, hình ảnh các loại đồ gỗ và ghi địa chỉ của cơ sở tại tỉnh Long An.

Hàng nghìn người đã đặt hàng và chuyển khoản cho Dũng, nhưng đối tượng không giao hàng mà cắt đứt toàn bộ liên lạc, chặn cuộc gọi, tin nhắn. Bằng thủ đoạn này, từ thời điểm tháng 8/2022 đến khi bị bắt, Dũng chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng của hơn 3.000 người trên phạm vi cả nước.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc lừa đảo bán hàng online trên mạng xã hội diễn ra trong thời gian qua. Chị Nguyễn Thanh H. (trú tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), là nạn nhân của thủ đoạn này chia sẻ: “Hiện nay, mạng xã hội phát triển, người tiêu dùng chỉ cần nhập từ khóa sản phẩm cần mua trên các thanh tìm kiếm, ngay lập tức, sẽ có nhiều trang mạng bán hàng xuất hiện, thật giả lẫn lộn.

Cách đây không lâu, tôi có đặt một chiếc túi xách qua tài khoản Facebook có nhiều livestream (phát trực tuyến) bán hàng. Người bán khẳng định “chắc nịch” rằng sản phẩm của họ là đồ hiệu, được “săn” ở nước ngoài vào đợt giảm giá nên rẻ hơn một nửa so với đặt mua chính hãng. Tin lời, tôi mua chiếc túi với giá hơn 7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhờ người kiểm tra mới phát hiện đó là hàng nhái”.

Hiện nay, trên mạng xã hội, các kênh bán hàng online nở rộ, đặc biệt trên Facebook và TikTok. Không chỉ thường xuyên có các buổi livestream, những người bán hàng còn thường xuyên tuyển cộng tác viên để nhắn tin chào bán sản phẩm đến các tài khoản mạng xã hội.

Với các buổi livestream, các đối tượng dùng thủ thuật quảng cáo để thu hút hàng trăm lượt tương tác. Khi bán hàng, họ thường dùng chiêu trò mời chào như “sản phẩm tốt nhất thị trường”, “số lượng có hạn”,… Tuy nhiên khi nhắn tin cho một số tài khoản bán hàng hỏi về nguồn gốc, xuất xứ thì hầu hết chỉ nhận được những câu trả lời mập mờ, không rõ ràng.

“Chúng em săn sale (mua hàng giá rẻ) từ đúng đợt giảm giá của hãng mới được giá tốt như vậy. Anh không chốt nhanh thì người khác mua mất”, người bán hàng của trang mạng chuyên rao bán đồng hồ chính hãng trả lời như vậy, nhưng khi được hỏi kiến thức cơ bản về đồng hồ, người này không trả lời được.

Theo anh Hoàng Anh, chủ một cửa hàng đồng hồ có uy tín tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), tại Việt Nam để mua được chiếc đồng hồ chính hãng không dễ dàng và sản phẩm thường chỉ bán ở các cơ sở uy tín, có ủy quyền của hãng. “Hiện nay, hàng nhái tràn lan trên thị trường.

Nhiều người bán hàng lợi dụng tâm lý thích hàng hiệu giá rẻ để lừa đảo. Tôi thấy nhiều trang mạng đưa ra hình thức khuyến mại như mua 1 tặng 1, giảm giá đến 50%... Tuy nhiên, các thương hiệu đồng hồ lớn trên thế giới không có, hoặc rất ít đợt giảm mạnh.

Chính vì vậy, nhiều người mua đồng hồ trên mạng đã mang đến nhờ tôi thẩm định và hầu hết đều mua phải hàng giả. Nhiều sản phẩm được làm nhái rất tinh vi, không thể nhận thấy bằng mắt thường.

Anh Hoàng Anh

Theo bà Hoàng Chi, Giám đốc một công ty phân phối mỹ phẩm chính hãng từ một thương hiệu của Nhật Bản, nạn lừa đảo bán hàng trên mạng không chỉ khiến nhiều người bị mất tiền oan mà còn ảnh hưởng đến các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Sản phẩm chính hãng sẽ khó cạnh tranh bởi giá thành của hàng nhái rẻ hơn rất nhiều.

Trong khi người mua rất khó phân biệt được thật, giả. Hiện nay, nhiều trang mạng bán hàng trục lợi bất chính nở rộ với những chiêu trò như viết nội dung quảng cáo hấp dẫn, sai sự thật để thu hút người dùng. Họ sử dụng hình ảnh, trang web gần giống với các nhãn hiệu lớn để tạo sự tin tưởng. Thậm chí, trên hộp sản phẩm có cả mã QR kèm theo, mà khi kiểm tra vẫn ra đường dẫn đến website của sản phẩm chính hãng.

Đại úy Phạm Khánh Hòa, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, những hành vi nêu trên là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể bị xử lý theo các cấp độ khác nhau, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Tuy nhiên, nhiều nạn nhân vẫn có tâm lý e ngại, không tố cáo các hành vi lừa đảo đến cơ quan chức năng vì số tiền bị lừa không quá lớn. Điều này vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng lộng hành.

Hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo qua bán hàng online có phương thức phạm tội ngày càng tinh vi hơn, như dùng tài khoản ảo tăng tương tác, có những bình luận tích cực về sản phẩm; quảng cáo là hàng thật, khi giao lại là hàng giả…

Vì vậy, người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác để không bị rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Khi mua hàng có giá trị lớn, nên chọn những cửa hàng lớn, có uy tín hoặc đến địa chỉ chính thức mà nhãn hàng công bố...

Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26061 Tổng lượt truy cập 94774703