Cảnh báo nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,2 độ C mỗi thập niên

Trong bản báo cáo khoa học về khí hậu cập nhật, 50 nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã đạt mức "cao nhất mọi thời đại" và đang đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu với tốc độ chưa từng thấy.

Người dân làm mát trong ngày nắng nóng gay gắt tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo được đăng trên tạp chí Earth System Science Data, các nhà khoa học tính toán rằng trong thập niên qua (2012-2021), trung bình mỗi năm có 54 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) được thải vào khí quyển, tương ứng khoảng 1.700 tấn/giây.

Từ năm 2013 đến năm 2022, sự nóng lên của Trái Đất do hoạt động của con người gây ra đã khiến nhiệt độ tăng thêm 0,2 độ C/mỗi 10 năm.

Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù thế giới đã có những động thái tích cực khi giảm dần việc sử dụng than, nhưng nghịch lý là điều này lại "góp phần" đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu khi làm giảm ô nhiễm không khí dạng hạt, vốn có tác dụng làm mát và giúp che chắn Trái đất khỏi toàn bộ sức nóng thiêu đốt của các tia mặt trời. Ô nhiễm không khí dạng hạt từ tất cả các nguồn làm giảm sự nóng lên khoảng nửa độ C.

Điều này có nghĩa là ít nhất trong thời gian ngắn, khi không khí trong lành hơn, bề mặt Trái đất sẽ hấp thụ nhiều nhiệt hơn.

Ngoài ra, một trong những phát hiện chính của báo cáo trên là tốc độ suy giảm của "ngân sách carbon" - ước tính lượng carbon có thể được thải vào khí quyển để mang lại 50% cơ hội giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Giáo sư Vật lý Piers Forster tại Đại học Leeds, tác giả chính báo cáo, nhấn mạnh nhiệt độ Trái đất dù chưa tăng thêm 1,5 độ C nhưng "ngân sách carbon" có thể sẽ cạn kiệt chỉ sau vài năm nữa.

Trong báo cáo năm 2021, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã tính toán "ngân sách carbon" còn lại là khoảng 500 gigaton CO2. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, con số này chỉ bằng một nửa, còn khoảng 250 gigaton CO2.

Đồng tác giả báo cáo, bà Maisa Rojas Corradi - Bộ trưởng Môi trường Chile, đánh giá, bản cập nhật hằng năm về các chỉ số chính của biến đổi toàn cầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp cộng đồng quốc tế và các quốc gia duy trì tinh thần khẩn trương giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Bà Valerie Masson-Delmotte, đồng Chủ tịch của báo cáo IPCC năm 2021, cho biết, dữ liệu mới này sẽ là lời cảnh tỉnh trước hội nghị thượng đỉnh COP28, ngay cả khi có bằng chứng cho thấy sự gia tăng khí nhà kính đã chậm lại. Theo bà, tốc độ và quy mô của hành động khí hậu là không đủ để hạn chế sự leo thang của các nguy cơ liên quan đến khí hậu.

Dự kiến, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra vào cuối năm nay tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), các nhà lãnh đạo thế giới sẽ được tiếp cận dữ liệu cập nhật mới.

Tại sự kiện này, các nước trên thế giới sẽ cùng nhau đánh giá các thành quả đạt được dựa trên bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stocktake) cũng như tiến độ hướng tới các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19124 Tổng lượt truy cập 94849184