Cần tăng cường đảm bảo an toàn PCCC tại chợ, siêu thị, TTTM

Trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy chợ (tại huyện Vân Đồn, TP Hạ Long và TP Móng Cái), tuy không có thiệt hại về người, nhưng cũng dấy lên cảnh báo phải tăng cường hơn nữa việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại các cơ sở luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ này.

Đoàn liên ngành kiểm tra công tác PCCC tại chợ Quang Trung (Uông Bí) thuộc Công ty TNHH Thanh Thảo Quảng Ninh.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 133 chợ, 10 trung tâm thương mại (TTTM), 34 siêu thị thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Ngay sau vụ cháy tại chợ Hạ Long I (ngày 11/4), Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2252/UBND-PC ngày 12/4/2022 về việc tổng kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn PCCC đối với các chợ, TTTM, siêu thị và khu dân cư trên địa bàn tỉnh, với sự tham gia phối hợp của Sở Công Thương, Công ty Điện lực Quảng Ninh, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND cấp huyện và đại diện lãnh đạo UBND cấp xã.

Qua đợt kiểm tra, các cấp đã xử phạt vi phạm hành chính về PCCC đối với 47 trường hợp chợ, siêu thị, TTTM, chung cư, phạt tiền 618,7 triệu đồng; tạm đình chỉ hoạt động đối với 3 trường hợp (một số hạng mục tại chợ trung tâm Hải Hà 2; chợ trung tâm Hải Hà và chợ Asean - Móng Cái). 

Theo đánh giá của Công an tỉnh, cơ bản các chợ, TTTM, siêu thị đều đã quan tâm tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về PCCC. Vì vậy, trong những năm qua, tình hình cháy, nổ tại các chợ, TTTM trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, không xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 

Tuy nhiên, đa số các cơ sở này vẫn còn nhiều tồn tại, tiểm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Toàn tỉnh hiện có 30 chợ không có quy hoạch; việc quản lý hoạt động xây dựng trong các chợ này còn chưa chặt chẽ, nhiều hạng mục công trình xây mới không thực hiện thẩm duyệt PCCC theo quy định, làm ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn PCCC&CNCH.

Trong tổng số 61 chợ thuộc đối tượng phải thẩm duyệt về PCCC có 25 chợ vi phạm các quy định của pháp luật trong thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, dẫn đến không đáp ứng được các điều kiện về an toàn PCCC&CNCH.

Vấn đề nguồn điện, bố trí hệ thống dây dẫn điện không đảm bảo an toàn PCCC cũng được ghi nhận ở nhiều chợ. Hiện tượng lấn chiếm đường giao thông trong chợ, gây cản trở lối và đường thoát nạn, có trường hợp bố trí hàng hóa chặn cả lối thoát nạn và cửa thoát nạn, gây ảnh hưởng tới công tác thoát nạn, cứu người, cứu tài sản khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Theo Trung tá Vương Đức Thọ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có 17 chợ được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực và chịu sự tác động của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh. Lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở triển khai các biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót về PCCC. Đến nay cả 3 chợ đang triển khai lập dự án đầu tư xây dựng mới. Đối với 14 chợ còn lại, việc khắc phục các điều kiện về PCCC còn chậm do không bố trí được kinh phí.

Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC&CNCH; căn cứ kết quả kiểm tra chuyên đề, báo cáo, tham mưu cho chính quyền địa phương kế hoạch khắc phục điều kiện an toàn PCCC tại các chợ có nguy cơ cháy, nổ cao. Bên cạnh đó, tiến hành phúc tra việc thực hiện các quy định về công tác PCCC, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC; tăng cường nắm tình hình, kiểm tra đột xuất công tác PCCC tại các chợ vào các đợt cao điểm trong năm về hoạt động thương mại.

Theo Nguyễn Chiến/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 10960 Tổng lượt truy cập 94748125