Nội dung trên được nêu trong công điện về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 19/4.
Theo công điện, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong cơ quan nhà nước vi phạm giao thông có thể bị đưa vào tiêu chí xếp loại. Người đứng đầu đơn vị có người vi phạm có thể bị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tất cả hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm.
"Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông của cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng xuê xoa, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức", công điện nêu.
Những vi phạm dẫn đến tai nạn nghiêm trọng như chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, cơi nới thùng xe phải bị xử lý nghiêm. Việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn cần tiếp tục thực hiện quyết liệt để hình thành văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe".
Các địa phương có nhiệm vụ lên kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn với từng tuyến đường, địa bàn, tập trung vào các thành phố, thị xã, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch; tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ phòng chống tác hại của rượu bia.
Thủ tướng yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình giao thông phức tạp trên địa bàn. Các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật, chính quyền địa phương đều bị xử lý nghiêm.
Cảnh sát đo nồng độ cồn người đi xe máy ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, tối 3/4. Ảnh: Gia Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo nghiên cứu phương thức cấp biển kiểm soát có giới hạn và trả phí sở hữu biển kiểm soát để tránh lãng phí tài sản công, nguồn tài nguyên biển số. Việc đăng ký, quản lý xe sẽ theo hướng định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM cần có giải pháp khắc phục ùn tắc, áp dụng mô hình bãi đỗ xe thông minh ngầm hoặc nhiều tầng.
Thủ tướng giao hàng loạt nhiệm vụ cho các bộ ngành, trong đó Bộ Công an, Giao thông Vận tải và các địa phương tổng kiểm soát ôtô kinh doanh vận tải hành khách, xe container trên toàn quốc, hoàn thành trong quý III. Bộ Công an xây dựng đề án tổng thể về định danh biển số ôtô và hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân, báo cáo Chính phủ trong quý IV.
Bộ Công an, Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa quy định theo hướng tăng hình phạt với người vi phạm nồng độ cồn hoặc mắc lỗi nhiều lần như buộc họ lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe. Các đơn vị nghiên cứu thu hồi giấy phép lái xe với người sử dụng, nghiện ma túy.
Bộ Giao thông Vận tải chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với cơ sở đào tạo lái xe. Bộ cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo.
Trong quý I, toàn quốc xảy ra gần 3.000 vụ tai nạn giao thông, trong đó 12 vụ đặc biệt nghiêm trọng. 70% nạn nhân trong tuổi lao động, gây tổn thương đến gia đình họ và toàn xã hội. Trong đó, có tình trạng một bộ phận người dân vẫn lái xe khi sử dụng cồn, ma túy, phóng nhanh, chèn ép, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn.