"Cầm tay chỉ việc" giúp người dân "chuyển đổi số"

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), một trong những nội dung thực sự mang lại nhiều tiện ích thiết thực phục vụ cho người dân, doanh nghiệp là các dịch vụ công thiết yếu, TTHC được thực hiện trực tuyến trên môi trường điện tử. Để nội dung này thực sự đi vào cuộc sống, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ TTHC trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Theo thống kê của Sở TT&TT, toàn tỉnh đang có 2,46 triệu tài khoản có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử hiện đạt 35,3%. Đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ thanh toán phí dịch vụ hành chính công không dùng tiền mặt ở cấp tỉnh đạt 65,77% và ở cấp huyện đạt 22,89%; tỷ lệ doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, nước không dùng tiền mặt đạt trung bình gần 80%… Đây chính là tiền đề vững chắc để việc ứng dụng các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Bên cạnh yếu tố hạ tầng cứng và các ứng dụng, phần mềm, tỉnh cũng hết sức chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và hướng dẫn kỹ năng sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Hiện tỉnh đã thành lập và đang duy trì hoạt động tương đối hiệu quả của 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn và 1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên. Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đều được trang bị tương đối đầy đủ kiến thức và kỹ năng cơ bản về sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh và quốc gia, trang Chính quyền điện tử tỉnh và các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến…  Với phương châm hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trực tiếp hướng dẫn người dân theo hướng cầm tay chỉ việc, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, như: Định danh điện tử cá nhân, BHXH điện tử, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia…

Lực lượng ĐVTN làm nòng cốt trong các Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn trực tiếp người dân sử dụng các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với hoạt động tích cực của Tổ công nghệ số cộng đồng, đội ngũ CBCCVC tại nhiều cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC và các dịch vụ công cũng tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng cho người dân.

Đến nộp hồ sơ cấp hộ chiếu tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, ông Cao Văn Thịnh (phường Mạo Khê, TX Đông Triều), cho biết: “Lần đầu làm thủ tục cấp hộ chiếu nên tôi rất bỡ ngỡ, hơn nữa trình độ sử dụng điện thoại thông minh của tôi cũng hạn chế, không hiểu rõ được quy trình nộp hồ sơ trực tuyến. Khi đến Trung tâm, tôi đã được các cán bộ hướng dẫn hết sức tận tình, chu đáo, dễ hiểu. Vì vậy hồ sơ của tôi đã được nộp nhanh chóng, thuận tiện”.

Chị Nguyễn Thanh Nhàn (xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn) chia sẻ: "Trước đây tôi cũng như nhiều người dân xã mất rất nhiều thời gian đi vào đất liền để đến Trung tâm Hành chính công huyện giải quyết TTHC. Nay tôi chỉ cần đến bộ phận một cửa của xã, cán bộ sẽ hướng dẫn, trợ giúp nộp hồ sơ trực tuyến, nhận kết quả giải quyết qua đường bưu điện. Việc tỉnh đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử và sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ cán bộ thực sự giúp ích rất nhiều cho người dân chúng tôi”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, hiện Quảng Ninh đứng đầu cả nước về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 1.240 dịch vụ (78%); 100% thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được Quảng Ninh hoàn thành quy trình để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, 1.095 TTHC của tỉnh (không tính TTHC của các cơ quan ngành dọc trung ương và doanh nghiệp) đã được thực hiện theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử, đạt tỷ lệ 80%. Quý I/2023, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tổng hợp từ hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành của tỉnh là gần 12.000 hồ sơ (đạt tỷ lệ 61,5%); tổng hợp từ Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia là gần 3.000 hồ sơ (đạt tỷ lệ 98,7%); tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt trung bình trên 99%.

Trong thời gian tới, để các dịch vụ công, TTHC được xử lý toàn trình trên môi trường điện tử tiếp tục được triển khai sâu rộng, thực sự giúp ích cho đời sống KT-XH của người dân, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng cho người dân toàn tỉnh. Trong đó, các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt với phương châm “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cũng sẽ được đa dạng hóa theo hướng trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ làm để người dân ngày càng thông thạo các tiện ích có được từ công tác cải cách TTHC và chuyển đổi số của tỉnh.

Theo Minh Hà/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23803 Tổng lượt truy cập 94816137