Cải thiện đầu tư, phục hồi kinh tế sau đại dịch

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 10/1/2022) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND triển khai với những giải pháp cụ thể trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 với sự tham gia của đông đảo đại biểu, các nhà đầu tư lớn đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Năm 2022 là năm đầu thực hiện ổn định ngân sách 2022-2025 với những thời cơ, thuận lợi đan xen những khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn, ảnh hưởng đến công việc, đời sống, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều người dân và doanh nghiệp. Bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, tỉnh đã chủ động mọi phương án, kế hoạch bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là các đối tượng trọng điểm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh; đồng thời tăng tốc thực hiện các chương trình phục hồi du lịch và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh thường xuyên quán triệt, chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả các mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 10/1/2022) của Chính phủ để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Tỉnh cũng ban hành đồng bộ các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động... để chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2021... Qua đó, đã lan tỏa hiệu ứng tích cực của việc triển khai DDCI trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp... nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng minh bạch. 

Tỉnh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức Hội nghị thúc đẩy triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và phân tích chuyên sâu về Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh năm 2021; phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022. Hội nghị của tỉnh được nhiều bộ, ngành trung ương đánh giá tạo được hiệu ứng tốt, lan tỏa và xây dựng hình ảnh thương hiệu PCI tỉnh Quảng Ninh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp trao đổi, trò chuyện với các doanh nghiệp bên lề hội nghị gặp mặt doanh nghiệp tháng 5/2022.

Song song với đó, tỉnh còn tổ chức gặp mặt, tiếp xúc doanh nghiệp, trong đó tập trung trao đổi các nội dung, như: Thị trường vốn; bảo đảm nguyên, nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh; xuất, nhập khẩu và logistics; tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và dịch vụ; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.

Tỉnh cũng quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật và thẩm quyền được giao để hỗ trợ phục hồi nhanh chóng ngành Du lịch, lĩnh vực công nghiệp năng lượng; đảm bảo công tác quy hoạch dự báo trong xúc tiến mời gọi đầu tư để đáp ứng hiệu quả các nhu cầu về đất đai, nguồn lao động, khả năng cấp điện, cấp nước của các KCN, KKT và các dự án trọng điểm trên toàn tỉnh.

Trong 9 tháng năm 2022, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện tốt, thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đầu tư tại Quảng Ninh. Tiêu biểu như Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và đối tác là Tập đoàn Geely (Trung Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy lắp ráp ô tô tại KCN Bắc Tiền Phong; Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc) tìm hiểu đầu tư tại KCN Sông Khoai; Tập đoàn Wish U Success (Đài Loan) nghiên cứu triển khai đầu tư Dự án bán dẫn, vi mạch tại KCN Nam Tiền Phong và Bắc Tiền Phong; Tập đoàn SKODA (Cộng hòa Séc) và Tập đoàn Thành Công nghiên cứu hợp tác thực hiện dự án phân phối và sản xuất, lắp ráp xe ô tô tại KCN Việt Hưng; Tập đoàn Stavian và Công ty CP Cảng hàng lỏng Yên Hưng (Việt Nam) nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên tại KCN Bắc Tiền Phong; Đoàn công tác của Ban Xúc tiến đầu tư KKT thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) tìm hiểu môi trường đầu tư và cơ hội đầu tư tại KCN Texhong Hải Hà; Đoàn công tác Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam thăm, khảo sát một số KCN, KKT của tỉnh; Liên danh Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty CP KCN Sài Gòn - Hải Phòng nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án Tổ hợp dự án nhà máy, nhà xưởng tại khu vực Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên; Tập đoàn Compal (Đài Loan) tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp máy tính, thiết bị thông minh...

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, 9 tháng năm 2022, tỉnh huy động tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách ước đạt gần 43.000 tỷ đồng. Trong đó, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án trong nước với tổng vốn gần 3.900 tỷ đồng và 12 dự án FDI với tổng vốn 173,5 triệu USD; phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 33 dự án trong nước với tổng vốn gần 35.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 69.000 tỷ đồng, bằng 100% kịch bản, tăng 10,15% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Minh Hà/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6953 Tổng lượt truy cập 91374951