Các loại giấy tờ sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước, giá trị như bản gốc
Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định
Nhiều loại thông tin, giấy tờ sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước và có giá trị như bản gốc. Ảnh minh họa: T.Vương
Kể từ ngày 1.7.2024, Luật Căn cước năm 2023 chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, Luật Căn cước giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung để đảm bảo cho công tác tổ chức thực hiện.
Theo tìm hiểu của Lao Động, hiện nay Bộ Công an đang dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Bộ Tư pháp cũng vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định này.
Điều 19, dự thảo Nghị định quy định về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp.
Theo đó, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm các thông tin của các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Căn cước hoặc giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân có dán ảnh và thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.
Thông tin các loại giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước thể hiện dưới dạng ký tự, bao gồm toàn bộ các thông tin có trên giấy tờ đã được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cập nhật, đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chuyển đến hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ căn cước.
Việc khai thác, sử dụng thông tin được tích hợp trong thẻ căn cước phải được công dân đồng ý qua việc xác thực, đối sánh ảnh khuôn mặt, vân tay thông qua sử dụng thiết bị chuyên dụng.
Theo Điều 22 Luật Căn cước, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Việc khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước được quy định như: Sử dụng thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước;
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao...
Trao đổi với Lao Động chiều 26.3, LS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ…
Do đó, việc tích hợp các giấy tờ này vào thẻ căn cước sẽ giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Theo laodong.vn
Tin tức khác
- Công bố Di tích lịch sử cấp tỉnh và khánh thành Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 5 Yên Tử
- Ông Tập lần đầu lên tiếng về thương chiến với Mỹ
- Thành phố Uông Bí tuyên dương, khen thưởng học sinh, giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2024 - 2025
- Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên
- Trung Quốc áp thuế trả đũa 125% lên hàng Mỹ
- Tổng thống Mỹ làm rõ mức thuế đối với hàng Trung Quốc là 145%
- Mức phạt các hành vi vi phạm của hộ, cá nhân kinh doanh về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế
- Hướng dẫn mới về xử lý tài chính, ngân sách nhà nước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính
- Vận động hộ dân bàn giao đất phục vụ dự án đường ven sông kết nối Hạ Long – Đông Triều
- Cảnh báo lừa đảo khi đặt phòng khách sạn dịp nghỉ hè
- 11 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh
- Thành phố Uông Bí từng bước hiện thực hóa quy hoạch phát triển cụm công nghiệp