Bộ Y tế kêu gọi "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm"

Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh" từ 12-18/11/2018.

Kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị, đòi hỏi phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi cảnh quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

Năm 2018, thực hiện khẩu hiệu "Kháng sinh: sử dụng có trách nhiệm" trong "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh" từ 12-18/11, Việt Nam thực hiện cách tiếp cận mới trong truyền thông, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh.

Thông qua sự kiện này, Bộ Y tế nhấn mạnh: Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh dẫn đến các bệnh nhiễm trùng điều trị khó hơn hoặc kém hiệu quả, thời gian nằm viện kéo dài hơn, chi phí y tế cao hơn và tỷ lệ tử vong gia tăng.

Để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, Bộ Y tế kêu gọi:

Mỗi người dân

- Chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh.

- Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh.

- Không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa.

- Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, thực hành quan hệ tình dục an toàn, và tiêm vaccine đầy đủ.

Đối với các nhân viên và cơ sở y tế

- Đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng.

- Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành.

- Báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc.

- Tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.

- Hướng dẫn bệnh nhân, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng (như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn hơn, và che mũi và miệng khi hắt hơi).

Đối với các học sinh, sinh viên Trường Đại học Y, Dược

- Trang bị kiến thức và hiểu biết đầy đủ về kháng kháng sinh, hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị, thực hành khám bệnh, chữa bệnh để tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng, xã hội về kháng kháng sinh và sau này trở thành người thực hiện kê đơn kháng sinh đúng, an toàn cho người bệnh và toàn xã hội.

Các nhà thuốc

- Chỉ bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ.

- Cung cấp kháng sinh có chất lượng.

- Tư vấn cho bệnh nhân, người dân về sử dụng kháng sinh đúng cách, nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.

Các cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản

- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật dưới sự giám sát của bác sĩ thú y.

- Không sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở những động vật khỏe mạnh.

- Tiêm vaccine cho động vật để giảm nhu cầu dùng kháng sinh và sử dụng các sản phẩm thay thế kháng sinh.

- Thúc đẩy và áp dụng các thực hành tốt trong sản xuất và chế biến thực phẩm.

- Cải thiện an toàn sinh học trong các trang trại và ngăn ngừa nhiễm khuẩn thông qua cải thiện vệ sinh và bảo vệ, chăm sóc động vật.

Các Bộ, Ngành, các đối tác trong nước và quốc tế

- Phối hợp hành động để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia vì một mục tiêu chung chống kháng kháng sinh tại Việt Nam.

- Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm dự phòng và Kiểm soát bệnh tật CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và các tổ chức khác tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong triển khai Chương trình phòng, chống kháng thuốc.

Kháng thuốc là khả năng của vi sinh vật (như vi khuẩn, virus và một số ký sinh trùng) chống lại tác dụng của thuốc kháng vi sinh vật (như kháng sinh, kháng virus và thuốc chống sốt rét). Kết quả là các phương pháp điều trị chuẩn trở nên không hiệu quả, nhiễm trùng vẫn tồn tại và có thể lan truyền sang người khác.

Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn và nấm phát triển khả năng đánh bại các loại thuốc được thiết kế để tiêu diệt chúng. Điều đó có nghĩa là vi khuẩn và nấm không bị giết và tiếp tục phát triển.

Kháng kháng sinh trên toàn cầu do nhiều yếu tố khác nhau

- Kê đơn và cấp phát kháng sinh quá mức.

- Bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc sử dụng kháng sinh không đủ liệu trình.

- Sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

- Kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt ở trong các cơ sở y tế và nông trại.

- Thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải chưa thích hợp.

- Thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.

Tác động của kháng kháng sinh

- Khi nhiễm trùng có thể không điều trị được bằng các thuốc kháng sinh lựa chọn đầu tiên, nên nhiều thuốc đắt tiền phải sử dụng. Thời gian bệnh tật và điều trị kéo dài hơn, thường trong bệnh viện, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội.

- Kháng kháng sinh đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật, trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng.

Trong năm 2016, có 490.000 người bị lao đa kháng thuốc trên toàn cầu và kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại HIV và sốt rét. Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ đô la Mỹ và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính.


Theo vtv.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12129 Tổng lượt truy cập 94798122