Đây có thể coi là sự "hy sinh" rất lớn bởi những ngày Tết Nguyên đán luôn là dịp quan trọng nhất trong một năm để các gia đình sum họp, đoàn viên, nhất là những người sinh sống và làm việc xa quê hương, gia đình. Đây cũng là dịp để các thế hệ sau kết nối, tri ân, nhớ về tổ tiên, dòng tộc...; là dịp để bạn bè gặp gỡ, giao lưu… nhưng do dịch diễn biến phức tạp, khó lường, mọi hoạt động đã bị thay đổi. Nhiều người, nhiều gia đình đã không thể trở về quê đón Tết như thường lệ, bạn bè không có cơ hội gặp gỡ, giao lưu…
Năm nay, nước ta thay đổi chiến lược từ “Zero COVID” sang sống chung an toàn nên tình hình đã có một số những thay đổi cơ bản như người dân sẽ không bị cấm “ở đâu ở nguyên đó” như năm trước nên nhiều hoạt động vẫn được mở. Tuy nhiên, hiện tại, cả nước vẫn ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đang tăng cao, nhất là các địa phương có mật độ dân cư đông như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Đáng lưu ý, trong số ca mắc trong cộng đồng có những ca không có triệu chứng nên rất khó để biết được người đối diện hoặc chính bản thân mình có mang mầm bệnh hay không. Đặc biệt là biến thể Omicron đã xuất hiện ở nước ta. Vậy nên, cho dù đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao nhưng lo ngại về nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát vào các dịp lễ, là hoàn toàn có cơ sở.
Trước thực tế này, mới đây, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Đề nghị, lo lắng của Bộ Y tế là hoàn toàn không thừa và có cơ sở. Bởi trong những đợt lễ trước đó chúng ta từng có “tiền lệ xấu”. Đó là sau mỗi đợt khống chế được dịch, vào những ngày nghỉ lễ như dịp 10/3 âm lịch, 30/4-1/5, dịp tết trung thu…, người dân lại đổ ra đường như chưa từng có dịch hoành hành. Và sau mỗi lần như vậy, thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị lại bị "thách thức rất lớn". Đến tận bây giờ, chính phủ, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng vẫn đang “căng mình” chống dịch.
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc đi nhắc lại là tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo phải thay đổi. Chúng ta không có cách nào khác là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”...
Điều quan trọng để có thể thích ứng và phát triển trong thời kỳ mới này, người dân cần hiểu đúng về trạng thái “bình thường mới”, từ đó thực hiện đúng, hạn chế sự chủ quan, lơ là làm gia tăng dịch bệnh trong cộng đồng. “Bình thường mới” không phải là bình thường mà là xã hội đang chuyển sang một trạng thái thích ứng an toàn khi “sống chung” với dịch bệnh. Nhiều hoạt động trở lại bình thường nhưng phải chú ý phòng, chống dịch, chứ không phải mọi hoạt động được trở lại bình thường như khi chưa có dịch bệnh.
Muốn thích ứng an toàn thì phải chủ động, linh hoạt ứng phó mới có thể kiểm soát được dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Có như vậy mới thực hiện tốt mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và đẩy mạnh sản xuất. Thực hiện “bình thường mới” để cuộc sống không ách tắc, mọi người có thể làm việc, sinh hoạt bình thường, nhưng nếu không tự phòng vệ tốt, dịch COVID-19 sẽ bùng phát mạnh hơn.
Hơn bao giờ hết, để thích ứng an toàn trong điều kiện “bình thường mới” thì ý thức của mỗi người dân, của cộng đồng là cực kỳ quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định đầu tiên. Mỗi người dân vẫn phải thực hiện nghiêm, thực hiện thật tốt những quy định về phòng, chống dịch của Nhà nước, nhất là nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không quá lo sợ, không dám đẩy mạnh sản xuất khi có đủ điều kiện…
Và sẽ là rất sai lầm nếu hiểu “bình thường mới” là bình thường như trước đây, rồi chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Và khi Tết đến, lại vô tư tụ tập, tiếp xúc, tổ chức ăn nhậu…. Bởi đây chính là một trong số nguyên nhân làm gia tăng các ca F0 trong cộng đồng trong thời gian vừa qua. Nên hiểu, bước vào trạng thái “bình thường mới” có nghĩa là phải thay đổi để thích nghi với điều kiện mới, cuộc sống mới. Cần bỏ những thói quen cũ không phù hợp.
Bởi vậy, trong giai đoạn này, mọi người dân đều phải thay đổi tâm thế, tư duy, thói quen để thích ứng với dịch, để không chỉ bảo vệ chính mình mà còn bảo vệ cả người thân, bảo vệ cộng đồng. Có như vậy, mới có thể tiến tới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh khi những ngày lễ, Tết kéo dài đang cận kề../.