Bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản

Cây Di sản là sáng kiến của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE). Tiêu chí của Cây Di sản là cây cổ thụ, cây được coi là nhân chứng lịch sử, nhân chứng văn hoá, được cộng đồng công nhận và tôn vinh. Cây Di sản góp phần quan trọng trong việc bảo tồn tại chỗ đa dạng loài cây và nguồn gen thực vật tiêu biểu, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần quảng bá sự phong phú đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật, tạo không gian xanh, làm tăng giá trị các công trình văn hoá, kiến trúc nơi cây hiện diện. Đến nay Quảng Ninh có 162 Cây Di sản được công nhận.

Cây Di sản - Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

Gần đây nhất (tháng 3/2024) Quảng Ninh có 16 Cây Di sản được công nhận, bao gồm: 2 cây đa, 9 cây nhãn, 1 cây long não trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên; 3 cây thông, 1 cây trám trắng tại miếu Ba Cây Thông (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả). Trước đó, Quảng Ninh có 1 cây đa, 1 cây si ở huyện Tiên Yên; 102 cây xích tùng, 21 cây mai vàng, 10 cây thông nhựa, 9 cây đại, 1 cây đa, 1 cây thị ở Rừng Quốc gia Yên Tử (TP Uông Bí) được công nhận Cây Di sản.

Hàng xích tùng quý hiếm ở Khu rừng Quốc gia Yên Tử.

Rừng Quốc gia Yên Tử gắn với Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, gắn với vị vua hóa Phật Trần Nhân Tông và Thiền Trúc Lâm Yên Tử do ông sáng lập. Nơi đây không chỉ có hệ thống di sản chùa tháp dày đặc, giá trị lớn, mang đậm đấu ấn văn hóa đời Trần mà còn rất nhiều những đại lão mai vàng, những cây tùng, cây đại trăm năm tuổi, những cây thông nhựa khổng lồ, những cây gỗ lớn cổ thụ… 144 Cây Di sản ở Yên Tử được ví như lớp trầm tích của thời gian, mang trong mình những giá trị riêng có, trở thành phần quan trọng của khối di sản đồ sộ Yên Tử.

Theo ông Lê Văn Thảo, Phó trưởng BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, hằng năm đơn vị xây dựng và triển khai phương án bảo vệ các Cây Di sản, các dự án làm giàu rừng, nuôi, trồng bổ sung và bảo tồn các loài cây, con đặc hữu, bản địa của rừng. Ông Lê Trọng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chủ đầu tư Khu du lịch văn hóa Yên Tử, cho biết: Rừng Yên Tử nói chung và những Cây Di sản Yên Tử nói riêng, là vành đai bảo vệ di tích Yên Tử, là phần quan trọng của khối di sản Yên Tử, chứa trong mình những loài thực vật mang tính biểu tượng văn hoá.

Dư địa để Quảng Ninh có thêm những Cây di sản

Theo ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), với diện tích rừng rộng lớn và được bảo vệ tốt, hệ thống nhiều di tích thắng cảnh, gắn với đó là hệ thống những cây xanh to lớn, lâu đời, cho phép Quảng Ninh có thêm những Cây Di sản. 

Rừng trâm mốc trên đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn) có diện tích trên 3,4ha, bao gồm cây độc lập, bao quanh đảo. Dựa trên những thông tin của người dân bản địa cung cấp và những luận chứng khoa học, người ta cho rằng rừng trâm có tuổi đời đến 300 năm, cây khỏe khoắn, đan cài vào nhau, cùng nhau chắn gió bão, chắn cát, chắn sóng biển bảo vệ vùng đất liền phía trong đảo, giúp người dân đảo Minh Châu yên tâm dựng xây nhà cửa và canh tác chăn nuôi, trồng trọt, ổn định cuộc sống.

Rừng trâm trăm tuổi ở xã Minh Châu (huyện Vân Đồn).

Hòn đảo xinh đẹp Minh Châu đang trở thành địa điểm du lịch biển nổi tiếng của tỉnh. Rừng trâm cổ với hàng trăm cây trâm trăm tuổi trở thành một điểm thăm và check in thú vị đối với du khách. Đây cũng là lý do để Quảng Ninh lựa chọn và đề nghị công nhận quần thể rừng trâm Minh Châu là Cây Di sản Việt Nam.

Giống như cây trâm của Minh Châu, cây trai lý ở khu vực tiểu khu 201 Máng Hà Nam thuộc đảo đá trên Vịnh Bái Tử Long đang được tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Cây Di sản. Khu vực núi đá vôi trên Vịnh Bái Tử Long với những vạt đá rất cao so với mặt nước biển, là một dạng sinh cảnh khá khắc nghiệt với sự sống của các loại thực vật. Tuy nhiên, đối với cây trai lý là một ngoại lệ. Bằng những biện pháp khoa học, độ tuổi của cây trai lý được xác định trên 500 năm, đã chứng kiến những chuyển đổi nhất định của địa chất, khí hậu và sự sống của các loài thực vật quanh nó tại khu vực đảo đá Vịnh Bái Tử Long.

Việc công nhận Cây Di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh thời gian qua góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững".

Theo Việt Hoa/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17040 Tổng lượt truy cập 94759129