Bảo tồn loài mai quý Yên Tử

Từ lâu, mai vàng Yên Tử đã nổi tiếng bởi vẻ đẹp tinh khiết, có giá trị kinh tế cao, cùng với văn hoá tâm linh gắn với vùng đất thiêng Yên Tử. Nhằm bảo tồn giống mai quý, cuối năm 2012, TP Uông Bí đã triển khai dự án phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử với tổng mức đầu tư trên 8,2 tỷ đồng. Đến nay, sau 4 năm triển khai dự án, giống hoa mai vàng Yên Tử đã và đang được bảo tồn tốt, tiếp tục được nhân rộng diện tích.

Vườn ươm giống mai vàng Yên Tử tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm.

Theo quy mô dự án sẽ thực hiện chuyển giao, hoàn thiện 8 quy trình kỹ thuật về trồng, ghép, bảo tồn cây mai cổ; xây dựng nhà lưới để ươm cây và điều khiển cây nở hoa theo ý muốn; xây dựng kho bảo quản và nhà sơ chế; xây dựng diện tích trồng mai Yên Tử tập trung 5ha dọc hai bên đường Thiền viện Trúc Lâm đến chùa Giải Oan và mở rộng diện tích trồng mai vàng Yên Tử tại xã Thượng Yên Công với quy mô 5ha. Đến nay, TP Uông Bí đã chuyển giao, tiếp nhận thành công 8 quy trình, công nghệ sản xuất mai vàng Yên Tử. Xây dựng nhà lưới sử dụng vườn ươm diện tích gần 1.000m2. Hoàn thiện xong các nhà lưới hiện đại để chăm sóc và điều khiển nở hoa cho cây mai; kho bảo quản và sơ chế; mô hình vườn cây bố mẹ quy mô 1ha, số lượng 1.000 cây; vườn ươm cây mai vàng 0,2ha, số lượng 3.000 cây. Ngoài ra, Dự án còn xây dựng được mô hình các khu trồng mai vàng tập trung tại rừng quốc gia Yên Tử và trồng tại xã Thượng Yên Công với quy mô 10ha, số lượng trồng hơn 30.000 cây. Bên cạnh đó, Dự án còn lập bản đồ định vị, thực hiện bảo tồn được hơn 280 cây đại lão mai vàng tại Yên Tử và tổ chức điều tra, khoanh vùng, bảo vệ 15ha khu vực tập trung cây mai vàng tại Thác Bạc, Thác Vàng, chùa Hoa Yên...

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Từ khi triển khai dự án, ý thức của người dân tham gia bảo vệ cây mai vàng Yên Tử được nâng cao hơn hẳn. Tình trạng chặt phá lấy trộm cây mai vàng gần như không còn. Cùng với đó, sau khi lập bản đồ định vị và thực hiện bảo tồn được hơn 280 cây đại lão mai vàng tại Yên Tử, đơn vị thường xuyên cử lực lượng theo dõi, chăm sóc, bảo vệ cây. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử còn tích cực tham gia trồng mở rộng diện tích giống mai vàng Yên Tử. Từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã trồng được hơn 1.000 cây. Dự kiến, sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp khoanh vùng, lập chốt bảo vệ và mở rộng quy mô diện tích trồng mai vàng Yên Tử.

Được biết, năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý hoa mai vàng Yên Tử tại 5 xã, phường: Thượng Yên Công, Vàng Danh, Phương Đông, Bắc Sơn, Quang Trung (TP Uông Bí) và 2 xã Tràng Lương, Bình Khê (TX Đông Triều). Đặc biệt, một tín hiệu vui vào cuối tháng 8-2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận 144 cây thuộc khu di tích vườn quốc gia Yên Tử là Cây Di sản của Việt Nam, trong đó có 21 cây mai vàng đặc hữu Yên Tử.

Giai đoạn 2016-2020, TP Uông Bí sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng để mở rộng diện tích trồng mai vàng Yên Tử từ hơn 8,4ha lên 15ha. Trong đó, ưu tiên trồng dọc tuyến đường hành hương từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng (Yên Tử) và các ngôi chùa khác trên địa bàn thành phố. Hiện nay, TP Uông Bí đang tiến hành các khâu chuẩn bị tổ chức Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử năm 2017, nhằm tiếp tục quảng bá loài hoa quý của địa phương tới du khách trong và ngoài nước.

 

Từ khi triển khai dự án, ý thức của người dân tham gia bảo vệ cây mai vàng Yên Tử được nâng cao hơn hẳn. Tình trạng chặt phá lấy trộm cây mai vàng gần như không còn. Cùng với đó, sau khi lập bản đồ định vị và thực hiện bảo tồn được hơn 280 cây đại lão mai vàng tại Yên Tử, đơn vị thường xuyên cử lực lượng theo dõi, chăm sóc, bảo vệ cây.

 

Theo baoquangninh.com.vn

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8494 Tổng lượt truy cập 94791254