Bạn cũ

Truyện ngắn của Trần Trương

           Tân dừng trước cổng nhà năm tầng bên lộ chính vào trung tâm thành phố, tay đỡ ghi-đông xe đạp, tay nhấn nút chuông điện trên tường. Thấy động, một con chó bẹc-giê xồng xộc từ trong nhà lao ra nhảy chồm chồm, hai chân trước cào cào cánh cổng sắt, sợi xích kéo lê kêu xủng xoảng. Tân chột dạ lùi lại một bước và mừng rỡ thấy thằng nhỏ xuất hiện. Nắm chặt sợi xích quấn cổ con mãnh thú, thằng nhỏ hỏi:

- Chú gặp ai?

- Chào cháu! Đây có phải nhà chú Phú không?

- Phải!

- Chú Phú có nhà không hở cháu?

- Có!

- Chú là Tân, bạn chú Phú ngày xưa!

- Đợi tý... để gọi cậu...!

Thằng nhỏ quát con bẹc-giê một tiếng rồi mắm môi lôi ghì nó vào nhà.

          Cánh cổng sắt mở, bánh xe nghiến đường ray ken két. Tân dắt xe đạp theo thằng nhỏ vào sân, vừa đi vừa đề phòng con chó dữ xồ ra. Quanh sân la liệt bồn cây cảnh. Mấy gốc lộc vừng nghênh ngang đứng giữa sân. Chiếc ô tô bốn chỗ loại đắt tiền đen bóng nằm chềnh ềnh trước bậc thềm hiên, đầu xe quay ra cổng, mách bảo chủ nó đang ở nhà và sắp sửa đi đâu. Tân loay hoay tìm chỗ dựng chiếc xe đạp thể thao, giật thót mình bởi phía sau có tiếng nói oang oang và chuỗi cười không lẫn vào đâu được:

          - Tân đấy phỏng? Cứ để đấy, không mất đâu mà sợ! Xa nhau hơn ba mươi năm rồi hả! Để xem phong độ hồi này thế nào nào! Khà... khà... khà...

          Tân ngoái cổ lại, không tin nổi mắt mình. Trời đất, Phú hồi này “mỡ” quá, có dễ hơn chín chục ký-lô. Bụng ngoại cỡ phải mang quần đeo dải. Hai tay bơi bơi theo chân rê khệnh khạng. Mặt như hai quả táo chặp lại. Ụ mỡ dưới cằm che khuất cổ có ngấn.

         - Lạ lắm hả? Bây giờ đây khác với xưa rồi! Khà... khà... khà... - Phú chìa bàn tay chuối mắn bắt tay Tân, kéo Tân theo mình, vừa đi vừa nói như một hướng dẫn viên du lịch: - Nhà này tớ xây đã hơn chục năm rồi, diện tích sử dụng khoảng một nghìn mét vuông, vừa làm nhà ở, vừa làm văn phòng của công ty. Tầng trệt làm ga-ra để xe, làm kho chứa đồ, làm chỗ ngủ cho thằng ở và con bẹc-giê của vợ tớ. Rộng rãi chán! Ấy... ấy... đi cẩn thận kẻo ngã! Bậc thềm lên lầu hai và toàn bộ cầu thang không thèm lát gạch đá làng nhàng bán ở thị trường đâu. Rặt loại gra-nit kim cương thượng hảo hạng. Ngoại nhập đấy! Đi tìm cả nước không đâu có. Đó... đó... Ngạc nhiên chưa? Phòng khách này có giống phòng khách của nguyên thủ quốc gia không? Toàn đồ xịn cả đấy! Tớ không sắm thì thôi chứ tớ mà sắm thì toàn đồ thứ thiệt “có cỡ” cả. Đố ông biết bộ bàn ghế cung đình này làm bằng gỗ gì không? Chịu hả? Tên nó là gì nhỉ? À... nhớ rồi, gỗ gụ huyết ngoại, đắt mười lần gụ nội. Đó... ó... Dàn “hai-phai”, loa đài, đầu đĩa Nhật xịn cả đấy, ti-vi Nhật xịn năm mươi hai “in-chờ”. Đèn chùm kiểu Ý, lấy kiểu đèn treo ở vòm cung tòa thánh Va-ti-căng. Độc bình, bát đĩa, ấm chén, nậm rượu đời nhà Minh, nhà Thanh bên Trung Hoa. Bức thảm treo kia là của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông thấy tớ biết chơi đấy chứ? Khà... khà... khà... Ấy chết, sao đứng mãi thế, ngồi đi chứ! Uống tí gì chứ nhỉ? Rượu nhé! Ông xem tớ có thiếu gì đâu! Cả một bảo tàng về rượu ngoại đấy: Pháp, Ý, Mỹ, Nga, Luých-xăm-pua... đủ cả. Khà... khà... khà... Ông dùng loại nào nhỉ? Không thích á? Sống ở bên Tây mà không thích rượu thì lạ nhỉ? Thôi được! Ta dùng nước lọc ngoại nhập vậy! À... tẹo nữa thì quên hỏi thăm về ông đấy! Gặp ông vui quá! Vẫn ở bên Ca-na-đa đấy chứ? Về nước đã lâu chưa?

         - Tớ mới về, sáng sớm nay lên mộ thắp hương các cụ rồi tiện đường tạt vào nhà cậu ngay!

         - Cuộc sống, vợ con thế nào rồi?

         - Cũng... khó khăn lắm. Có lẽ... không bằng các cậu ở nhà đâu!

         - Đúng quá đi chứ lỵ! - Phú vỗ đùi đánh đốp - Khà... khà... khà... Nhìn ông là tớ biết ngay mà! Trông ông vẫn thế, không tăng được ký-lô nào thì phải. Nếu ở bên đó khó khăn thì về quách Việt Nam mà làm ăn, thiếu đếch gì việc! Ngày xưa ông học kinh tế nhỉ? Thời buổi bây giờ... ở Việt Nam mình dễ làm ăn. Khối anh xuất ngoại chẳng bằng tớ ở nhà. Chả thế mà gần đây có rất nhiều kiều đổ xô về nước tìm kiếm cơ hội làm ăn đấy...

         - Thanh giờ ra sao? - Tân buột hỏi.

- Thanh... Thanh nào nhỉ? À... à... nhớ rồi! Thanh “choắt” ấy à! Xì...! Vẫn thế! Vợ chồng nó vẫn còn trong núi ấy. Đang làm trang trại, “cơ giới hóa toàn... cuốc”. Khà... khà... khà... Lâu lắm tớ không trông thấy nó!

- Cậu có số điện thoại của Thanh không?

- Kh... ông! Trong quyển danh bạ bên ông đấy! Đó... đó... Ông tìm đi!

- Nghe nói một dạo cậu đã làm công chức? - Tân vừa hỏi, vừa tra danh bạ.

- Đúng! Khoảng mười năm, sau khi xong đại học. Xì...! Làm công chức quèn, lương còi cọc lắm, tớ phải ra ngoài để kiếm sống!

Tân ngước nhìn quanh rồi thắc mắc:

- Bằng cách gì mà cậu giàu lên thế?

         - Nhờ quan hệ cả đấy! Người đời làm quan thì tớ cũng làm quan, nhưng quan của tớ là... quan hệ. Thời “mở cửa” này, quan hệ cũng là tiền. Nước mình phất lên chả nhờ “mở cửa hội nhập” đó là gì? Thời buổi này, ông có tâm, tầm,tài,tín, có tình, kể cả có nhiều tiền... ông không “quan hệ”, ông đếch làm nên cơm cháo gì!

         - Tớ... vẫn chưa hiểu cậu nói gì?

        - Khà... khà... khà...! Ông đúng là thằng Tân “còi” ngày xưa, đi Tây về mà chậm đổi mới quá! Ở địa phương này, đếch ai thân quen nhiều quan chức bằng tớ. Nhờ mối quan hệ thân quen ấy, tớ thường biết trước chỗ nào sắp được đầu tư, chỗ nào chưa. Trong chuyện làm ăn, biết sớm thông tin cũng là tiền, tớ thường đi trước các đối thủ. Thông qua pháp nhân của tớ, một loạt hợp đồng tư vấn quy hoạch, thiết kế, thi công được ký kết. Tớ thuộc hàng ưu tiên số một vì tớ có “quan hệ”... Thế thôi! Khà... khà... khà...

Thấy Tân lắc đầu, vẻ mù mờ, Phú tiếp:

         - Ông nay ở xa, lại chẳng dính líu tới việc làm ăn của tớ nên tớ chẳng giấu ông làm gì. Trước vợ chồng tớ chỉ hai bàn tay trắng, cuộc sống cậy nhờ đồng lương còi. Vợ tớ không việc làm ổn định. Được cái... trời phú cho tớ cái tính tình lởi xởi, lại được sếp trên đỡ đầu nhận tớ làm “anh em” nên tớ có rất nhiều mối quan hệ, kể từ cấp huyện, cấp tỉnh đến trung ương. Tớ vừa bắt mối được một đối tác nước ngoài có nguồn vốn lớn định về Quảng Ninh đầu tư đấy. Tên nó là gì nhỉ? À đúng rồi... Việt-Ca! Công ty Việt-Ca! Có lẽ cái tên công ty đó được ghép từ hai chữ đầu “Việt Nam - Ca-na-đa” thì phải? Ông biết cái công ty đó chứ? Nó cũng ở bên Ca-na-đa ông đấy! Không biết á? Tiếc nhỉ! Bên Việt-Ca hẹn với tớ mấy hôm nữa, họ sẽ sang đây bàn chuyện làm ăn ở tỉnh này. Nghe đâu họ đã mở chi nhánh đại diện bên thành phố Hải Phòng. Làm với Việt- Ca, tớ sẽ mở rộng, nâng mối quan hệ lên tầm cỡ quốc tế! Hế... hế... hế...

          Tớ ngẫm câu nói của các cụ ngày xưa “nằm giữa không mất phần chăn” mà áp vào tớ sao đúng thế! Trong mối quan hệ làm ăn giữa các đối tác với địa phương này, tớ đều “nằm giữa” nên “chẳng mất phần chăn”. Khi A làm việc với bên B, bên B cứ tưởng tớ là nhân vật cực kỳ quan trọng thuộc về A. Bên A lại tưởng nhờ có tớ mới có được đối tác B “hiệu quả”. Mặc nhiên, tớ trở thành một khâu trung gian “quan trọng”. Tớ thành VIP. Hế... hế... hế... Tớ được hưởng lợi. Cho dù hai phía A, B có thất bát thế nào, tớ chỉ có “được”, không bao giờ bị “mất”. Sao lại chau mày nhìn tớ thế? Vẫn không hiểu hả? Khà... khà... khà...

Một bản nhạc Tây vừa réo lên. Phú móc điện thoại từ cái bao đính ở dây lưng ra, nói lớn:

- A... lố....! Ai đấy! Dạ vâng! Em đây! Em ra ngay đây ạ! Xin anh năm phút. Dạ... ra ngay... dạ... dạ...!

- “Quan hệ” đấy phải không? - Tân hỏi. Phú nghiêng người giắt điện thoại vào bao rồi chống hai tay lên thành ghế như kiểu vận động viên xà kép chuẩn bị làm động tác chống đẩy:

- Ừ! Hôm nay ngày nghỉ, sếp gọi ra sân gôn. Chính sếp dắt mối cái Việt - Ca cho tớ, hế... hế... hế...

- Ngày trước cậu đâu thích thể thao? - Tân hỏi.

- Giờ vẫn thế! Nhưng vì “quan hệ”... không thích vẫn phải chiều! Tớ chơi dở ẹc, cốt để làm nền cho sếp vui thôi mà!

- Thế thì khổ đấy! - Tân chia sẻ.

          - Biết vậy nhưng sếp vui là được! Ông biết chơi gôn chứ? Có á? Thế thì khá lắm! Khà... khà... khà... Biết chơi gôn chưa hẳn là “đại gia”, nhưng đã là “đại gia” thì phải biết chơi gôn. Giờ... ông ngồi chơi, tớ phải đi một lát. Bà xã tớ đang xem ti-vi ở phòng bên. Em ơi! Ra tiếp khách quý này! - Phú quay sang gọi vợ.

Tiếng loa ầm ào, í óe từ phòng bên. Chừng nửa phút.

Phú gãi đầu:

- Vợ tớ chưa biết ông thì phải! Đúng rồi, ngày cưới tớ, ông đang ở bên Tây!

Tân cười:

- Không sao đâu! Cậu bận thì đi đi, tớ sang Thanh một lát!

- Ừ! Phải đấy, ông sang bên đó nhé! Trưa nay tớ sẽ điện cho ông! Tốt rồi! Yên trí nhá! Chào nhá! Khà... khà... khà...

Tân dắt xe đạp đi ra cổng. Phú cầm vô-lăng xe ô tô theo sau. Thằng nhỏ đứng trực, đợi xe chủ ra liền kéo cánh cổng lại. Con bẹc-giê từ tầng trệt của tòa nhà sủa vọng ra như từ biệt khách không mời mà đến.

***

          Tân dắt xe qua cổng bỏ ngỏ bước vào sân, dựng xe vào gốc cây xoài xưa bé xíu nay đã thành cổ thụ, ngắm căn hộ xinh cổ kính mà hiện đại, mái son ẩn hiện dưới vòm cây xum xuê. 

          Phía đông ngôi nhà, một dòng suối nhỏ từ lưng núi chảy về tạo thành năm ngọn thác tuôn ra như dẻ quạt uốn quanh hòn non bộ tôn trí chùa tháp cổ rêu phong, giống cảnh Thiên Trúc cõi Tây phương cực lạc. Lặng nhìn tiểu cảnh sơn-thuỷ-lâu đài ấy, Tân thầm phục chủ nhà khéo dựa vào tự nhiên tạo thành tác phẩm nghệ thuật giữa chốn sơn lâm tĩnh diệu này.

- Tân “còi” hở! Về bao giờ thế? Vẫn nhớ lối vào nhà, giỏi đấy! - Thanh xuất hiện, vồn vã ra đón bạn.

 - Trông Thanh khỏe, không còn là “choắt” nữa. Trong ba đứa mình, cậu giờ trẻ nhất đấy Thanh ạ! - Tân cười, gỡ tay bạn, tìm chỗ dựng xe.

- Cậu mà chẳng thế! - Thanh đỡ xe Tân - Từ ngày xa cậu, tớ vẫn định cư ở xứ này, được cái vô tư, chỉ lo “cày” khỏe, chẳng phải lo gì “ruồi muỗi đốt” nên mới trẻ được chăng?

Đôi bạn cười vang, Thanh đưa Tân vào nhà. Vợ Thanh tung vội mẻ thức ăn cuối cùng cho cá dưới ao phía trước nhà, ton tả chạy về chào bạn thân của chồng. Tân bùi ngùi:

- Ngày cưới các cậu là ngày tớ xuất ngoại!

- Anh không cho chị, các cháu về chơi ạ? - Vợ Thanh hỏi.

- Các cháu bận học. Tôi về trước, bà xã sẽ về sau ít bữa! - Tân đáp.

- Cậu đã qua nhà Phú “mỡ” chưa? - Thanh hỏi.

- Đã...! - Tân khẽ lắc đầu - À, mà... tớ đói rồi, nhà còn cơm cho tớ xin một bát?

- Có liền! - Thanh đáp vội câu đùa của bạn.

          - Tớ biết nhà mình không thiếu gì thức nhắm. Ba ba, cá chép nuôi ở dưới ao kia. Gà vịt, ngỗng ngan hàng đàn. Gì thế kia? Nuôi cả lợn rừng, nhím nữa à? Giỏi đấy! Nhưng... tớ lại thèm một bữa cơm gỏi tép chấm tương giống như cái bữa cách đây ba mươi năm, cậu đãi tớ trước khi chia tay ấy!

         - Dạ... được ạ! Mời anh vào nhà uống nước với nhà em. Em đi sắp nhắm ngay đây ạ! - Vợ Thanh chào Tân, liền xuống bếp.

         Trong lúc đợi cơm, Thanh đưa Tân đi thăm trang trại. Khi chưa xuất ngoại, Tân đã cùng Thanh đến vùng này. Hơn chục héc-ta cơ man là cỏ dại, đất chua mái cọc cằn sỏi đá. Để có được một trang trại như ngày nay, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng, nhiều người “làm thuê” có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, mấy chục năm qua, biết bao công sức mồ hôi nước mắt của vợ chồng Thanh đã đổ xuống đất này. Qua lời tâm sự, Tân được biết Thanh đã từng theo học đại học ngành quản trị kinh doanh, và từng làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Không thích bon chen, hết khóa, Thanh xin nghỉ. Hai con Thanh ngoan, có công ăn việc làm. Thằng cả phong Thanh lên ông nội.

          Vừa ăn, Tân vừa kể chuyện mình. Vào thời đất nước chưa “đổi mới”, gặp cảnh khó khăn, Tân theo người trong họ ở Vân Đồn vượt biên ra nước ngoài kiếm sống. Sau, sang cư ngụ tại Ca-na-đa. Vợ Tân cũng là một “thuyền nhân”, người Thủy Nguyên Hải Phòng, sang Ca-na-đa sau Tân gần ba năm. Vợ chồng Tân được hai cháu gái, một mười bảy tuổi, một mười lăm.

         - Bữa nay ngon quá! Hơn năm chục tuổi, bôn ba tứ xứ, các món Tây, Tàu đều nhắm cả, thế mà mình vẫn không thể nào quên cái món gỏi tép chiên hành, mỡ, trộn đều với rau muống thả bè hái ở ao hồ luộc lên vắt bớt nước, thái thành đoạn ngắn, trộn đều với lạc, vừng rang giã nhỏ, rau thơm, gia vị, nêm chút nước chanh, chấm tương Bần. Ngon tuyệt! - Tân ngả người tựa lưng vào thành ghế, cười hỏi Thanh: - Cậu còn đạp xe hay quen ngồi xe, quên rồi?

- Giờ đi xe đạp... tớ thấy ngại, cứ lóng nga lóng ngóng như gấu làm xiếc ấy!

- Tớ vẫn giữ thói quen gần thì đi bộ, xa hơn đạp xe, đi xa lắm tớ mới dùng xe máy hoặc ô tô. Trưa nay không bận, cậu đưa tớ lên thăm Yên Tử nhé!

***

Chiếc mô-tô đưa đôi bạn rời khuôn viên trang trại bon nhanh trên đường ngoằn ngoèo trải bê tông ra trục đường chính về trung tâm thành phố. Thấy Thanh quặt xe về hướng Tây, Tân hỏi:

- Đường vào Yên Tử phải đi về hướng Đông qua cổng Nhà máy điện, theo lối Lán Tháp - Vàng Danh chứ?

          - Trước kia là thế, bây giờ đi đường Dốc Đỏ vào! - Thanh cho Tân biết: Hai mươi năm trước, nhà nước mở đường từ Dốc Đỏ qua dốc Cửa Ngăn vào đến mỏ Than Thùng. Nay tuyến đường này được nâng cấp mở rộng, các dốc được hạ, mặt trải thảm nhựa cho xe du khách vào đến tận Giải Oan.

          Đôi bạn qua thăm các chùa Bí Thượng, Suối Tắm, Cầm Thực, Chùa Lân, chùa Giải Oan rồi “thượng sơn” Yên Tử. Cuối thu khách ít, dọc đường, thi thoảng mới gặp người. Sợ Tân mệt, Thanh định đưa Tân lên núi bằng cáp treo. Tân bảo để dành khi xuống núi. Họ cuốc bộ leo dốc tới Đường Tùng, Hòn Ngọc, lên Tháp Tổ, chùa Hoa Yên. Đi đến cảnh nào, máy ảnh Tân cũng chớp lia lịa. Nghỉ ngơi ít phút, đôi bạn lại tiếp tục hành hương. Qua chùa Một Mái lên Bảo Sái, Thanh thấm mệt, còn Tân thì cứ bước phăm phăm, nói cười không ngớt, máy ảnh đu đưa đeo trước bụng.

- Cậu khỏe thật đấy! Lên đây mới thấy sức mình già! - Thanh nói.

          - Mình được thế này cũng là nhờ luyện tập thường xuyên đấy. Đi bộ, đạp xe là cái thú của mình. Cuộc sống càng hiện đại, mình càng lạm dụng tiện nghi sinh hoạt hiện đại bao nhiêu thì sức khỏe mình càng tồi tệ bấy nhiêu! - Tân bộc bạch.

         Tới chùa Bảo Sái, qua thăm Vân Tiêu, họ lên tiếp An Kỳ Sinh, Chùa Đồng. Gặp khách thập phương lễ chùa Đồng “hạ sơn”, Tân chắp tay cúi chào “Mô Phật!”. Mọi người đáp lại, chào: “Mô Phật!”. Bóng người ẩn khuất giữa ngàn mây.

        Lên sân chùa Đồng, Tân đứng lặng, hít căng lồng ngực khí thiêng nơi đỉnh núi, say ngắm bốn phương trời đất một hồi lâu.

        - Thanh này! Cậu có tin thuyết nhân quả Nhà Phật không? - Tân bất giác hỏi.

        - Tớ tin! “Gieo nhân lành, gặp quả phúc”. “Có đức thỏa sức mà ăn”. Còn cậu? - Thanh đáp và hỏi lại. Tân gật đầu.

        Suốt dọc đường về, cả hai cùng im lặng. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng. Thấy Tân trầm tư, Thanh ngỡ là Tân mệt. Đứng trước pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông gần đỉnh núi, Tân nói:

       - Mình mừng vì rừng Yên Tử cơ bản còn giữ được. Các chùa, tháp ở đây đã được trùng tu, tôn tạo, xây dựng lại. Đường đi trên núi đều được kè bậc đá. Bến xe mở rộng. Nhà hàng mọc lên. Yên Tử không còn “phế tích” như xưa. Tiền nhà nước, doanh nghiệp và của dân đã đổ vào Yên Tử từ trước đến nay không phải ít. Dấu ấn con người tác động, đầu tư vào Yên Tử rất rõ. Tuy vậy, tớ vẫn băn khoăn, không biết đường lò khai thác than đã khui đến vựa than ở gầm chùa Hoa Yên, Bảo Sái chưa? Sự can thiệp của con người vào Yên Tử dù ở trong lòng đất hay ở trên mặt đất vì mục đích lợi nhuận, nếu không cân nhắc thật kỹ càng dễ làm biến thái khu thắng tích. Tính thiêng ở đây rất dễ bị phôi pha. Nước ngoài đã phải trả giá để có bài học ấy đấy, Thanh ạ!.

Họ “hạ sơn” bằng hai tuyến cáp treo.

          Hôm sau, Thanh đưa Tân đi thăm thành phố Uông Bí. Điểm cuối trong ngày là động Hang Son. Đến đâu Tân cũng khen là đẹp. Trên đường từ Hang Son về nhà, Tân bảo dừng xe, đứng ngắm đất Phương Nam, giơ tay vẽ lên trời hoàng hôn những nét vô hình tựa một tín đồ Thiên Chúa làm dấu thánh. Thanh ngạc nhiên trước những hành vi kỳ quặc ấy của bạn.

Chiều hôm đó, các con cháu Thanh về xum họp. Thanh điện mời vợ chồng nhà Phú đến dùng cơm để hội ngộ bạn cũ tại nhà Thanh. Phú “mỡ” nhận lời. Cả nhà đợi mãi không thấy Phú.

- Phú điện nói bận, đang chờ người bên công ty Việt-Ca gì đó sang làm việc! - Thanh thông báo.

Tân nhếch mép cười. Hừ...ừm... Thì ra Phú bận vì còn “quan hệ” làm ăn với Việt-Ca (!)

Mờ sáng hôm sau, Tân nhờ Thanh đưa ra đường quốc lộ thuê xe tắc-xi về Hà Nội. Xe đạp Tân gửi lại nhà Thanh. Tân hẹn việc xong, chậm nhất ba ngày Tân sẽ quay trở lại.

***

          Thanh đang lúi húi quét sân thì nghe có tiếng ô-tô bim bim còi. Tưởng Phú đến chơi, Thanh vội ra ngõ đón. Một chiếc xe dài ngoẵng bóng nhoáng trông lạ hoắc lừ lừ tiến vào sân đỗ sựng. Tân mở cửa, từ xe bước ra, trên mình khoác comple sang trọng, ly là thẳng, chiếc cra-vat màu cổ vịt nổi bật trên áo trắng trông chẳng giống Tân với chiếc xe đạp cũ, khoác bộ đồ xoàng xĩnh ba hôm trước tới đây. Vợ Thanh từ trong nhà chạy ra. Tân mở cửa xe sau. Một thiếu phụ quý phái từ xe bước ra chào. Tân bảo: “Bà xã tôi mới bay về chiều qua!”.

          Chưa khỏi ngỡ ngàng vì cuộc viếng thăm đột ngột ấy, vợ chồng Thanh được vợ chồng Tân mời lên xe đi chơi bên Hải Phòng. Họ vội thay đồ, mang theo chút tư trang, cử người trông coi trang trại rồi cùng bạn lên đường.

          Tới thành phố Cảng, xe Tân dừng trước một tòa nhà lớn, quanh sân trồng những hàng cau vua. Bên ngoài trụ cổng gắn biển đề chữ vàng: “Công ty Việt Ca - Chi nhánh tại Việt Nam”, dòng chữ Tiếng Anh phía dưới hàng chữ Việt. Tất cả rời xe cùng lên lầu. Thanh ngạc nhiên hơn khi thấy mọi người ở đây đều chăm chú làm việc, ai nấy gặp Tân đều cung kính cúi chào. Trong họ có cả người ngoại quốc. Tân bảo:

         - Tớ làm ở đây! Tổng Công ty ở bên Ca-na-đa của tớ quyết định chuyển hướng đầu tư về Việt Nam vì thấy môi trường đầu tư ở nước mình thuận lợi. Tớ sẽ ở lại Việt Nam một thời gian để trực tiếp điều hành công việc của Chi nhánh đại diện. Được biết thủ tướng chính phủ vừa đồng ý bổ sung quỹ đất Phương Nam vào danh mục thành lập khu công nghiệp của Quảng Ninh nên tớ chuyển hướng đầu tư vào vùng đó!

Thanh tròn mắt:

- “Việt-Ca” Phú nói chính là công ty cậu?

- Đúng thế! - Tân nắm tay bạn.

- Thật không ngờ! - Thanh chưa hết ngạc nhiên.

Họ đi ăn nghỉ ở Đồ Sơn.

Trên đường đưa vợ chồng Thanh trở lại nhà, Tân thực lòng:

- Cảm ơn Thanh nhé! Vợ chồng cậu giúp bọn mình nhiều lắm!

Thanh giãy nảy:

- Cậu chỉ khách sáo! Bọn mình có giúp được gì đâu?

         - Trái lại, nhiều đấy! Này nhé: Không gian yên tĩnh ở nhà cậu đã giúp tớ suy nghĩ lập trình xong các bước đi sắp tới. Nhờ cậu, tớ đã đi thực tế để kiểm chứng một số thông tin quan trọng mà tớ thu nhận được về địa điểm, môi trường đầu tư ở tỉnh nhà. Đặc biệt, mấy ngày qua, tớ đã ngộ ra rằng: vào thời buổi kinh tế thị trường “chợ trời thật giả đâu chân lý”, bên cạnh lũ người hám lợi biến chất thành lưu manh, vẫn còn có những người giữ được bản chất người, sống tình nghĩa, thủy chung, chân thật, quý trọng lao động, giữ được chữ “tín”, yêu quê hương. Điều mừng hơn cả là tớ đã chọn thêm được một người cộng sự trước khi đầu tư vào Phương Nam.

- Ai thế ? - Thanh tò mò hỏi.

- C...ậ...u! - Tân trả lời tỉnh queo, mắt vẫn nhìn đường đi phía trước.

- Tớ kém lắm! Chỉ loanh quanh trang trại ở xó rừng, chưa vươn ra “tầm quốc tế” đâu! Phú “mỡ” thạo làm ăn. Sao cậu không tìm... hợp tác làm ăn với Phú có hơn không?

- Phú... á... á...? - Tân tròn mắt quay sang Thanh hỏi lại.

Tay lái của Tân vô tình đánh sang phải khiến xe Tân lái quơ sang phải như thể vừa tránh chướng ngại phía trái đường.

Xuân muộn

           Không rõ từ khi nào, tiến sỹ Đoan trở nên không tin vào đàn bà. Có lẽ từ thuở còn sinh viên đại học. Một lần, Đoan cùng đám bạn dự “tiệc” sinh nhật cô bạn Hằng cùng lớp ở quán cóc cạnh cổng trường. Gọi là tiệc cho sang chứ thời “bao cấp”, món nhắm chỉ là nước chè xanh nhâm nhi với kẹo gừng, kẹo lạc. Thế mà vui ra phết. Tiếng cười nói cứ ran lên không ngớt.

           Ngồi đối diện Đoan là bạn của Hằng. Cô ta là sinh viên trường khác. Suốt “bữa tiệc” ấy, cô ta thờ ơ việc ăn uống, kiệm lời trò chuyện với mọi người. Cặp mắt to đen huyền sóng sánh với hàng mi cong trên khuôn mặt trắng hồng thanh tú và xinh đẹp của nàng luôn hướng về Đoan khiến Đoan bối rối và e thẹn. Suốt buổi “tiệc” ấy, Đoan ngồi lơ lửng trên mây xanh.

          Đến giờ giới nghiêm cũng là lúc tan “tiệc”. Cả đám dùng dằng như không ai muốn trở về ký túc xá sinh viên. Trống ngực đập dồn, Đoan vội rời ghế, hăm hở tiến đến phía sau nàng, chờ nàng quay lại để làm quen. Nàng vẫn còn ngồi, tiếng thở dài đánh sượt, người nàng gẫy gập, hai tay đập xuống mặt bàn gỗ mộc:

- Ôi…! Hay… qu… á…! Phải về rồi, tiếc … qu… á… á!

         Trời đổ sụp. Đoan đớ cả người. Thì ra… nàng xem Nô tỳ I-sau-ra[1]. Suốt buổi “tiệc” ấy, nàng chỉ mải nhìn màn hình ti-vi đen trắng phía sau Đoan. Và từ bữa ấy, Đoan tự nhận ra bài học đầu đời “phải cẩn thận hơn mỗi khi tiếp xúc với đàn bà”.

         Ra trường, về dạy ở trường nghề, sau đó trở thành tiến sỹ khoa học, Đoan rất không ưa sự giả dối. Ai đã một lần lừa dối Đoan, dù sự giả dối chỉ nhỏ nhoi, kẻ đó Đoan cạch mặt đến già.

         Đoan không quên cái lần bước vào cửa hàng “sản phẩm nông thôn mới” vừa khai trương. Chưa kịp định hình đi về quầy bên phải hay bên trái, Đoan gặp Thu Hồng, bạn gái cùng lớp hồi đại học, hiện làm giám đốc Sở Nông nghiệp. Hồng vồn vã bắt tay rồi kéo Đoan vào một quầy hàng gần đó. Đoan không kịp nhìn đám người xung quanh, không được tự do tìm mua hàng mình thích. Hồng dắt Đoan đi dọc quầy hàng. Vừa đi, Hồng vừa cất cao giọng giới thiệu với Đoan về nguồn gốc, công dụng của mặt hàng, y hệt hướng dẫn viên du lịch. Đoan vô cùng cảm kích trước sự nhiệt tình của bạn. Một lúc sau, Đoan cảm thấy mình trở lên vô lý vì Đoan không có nhu cầu tìm hiểu nhiều và kỹ các mặt hàng ở đây. Và ngay tối đó, khi kênh truyền hình của tỉnh phát tin giám đốc sở Thu Hồng đến dự khai trương cửa hàng “sản phẩm nông thôn mới”, trực tiếp quảng bá cho sản phẩm, Đoan mới thấu tỏ về sự nhiệt tình của Hồng dành cho Đoan. Từ hôm đó, Đoan liệt Thu Hồng vào danh sách những kẻ xa lạ. Niềm tin vào kẻ khác giới thêm một bằng chứng để giảm sút trong Đoan.

        Tựa lưng vào nệm ghế sô-pha sang trọng trong căn phòng khách cửa thông ra hướng biển trên tầng cao một khách sạn sang vào bậc nhất bên bờ Vịnh Hạ Long thơ mộng, Đoan đang suy nghĩ về mình. Những lúc thế này thật hiếm hoi. Tại sao chỉ bố trí cho mình một mình một phòng?.

Chẳng rõ từ đâu, Huy mất niềm tin ở tình người.

Mê mải nhìn nàng ngay từ khi đặt chân vào quán ăn, Huy nào để ý đến chiếc ti-vi đặt ở phía sau mình.

Được Công Ngàn giới thiệu hàng nông sản, ngày khai trương của hàng, tưởng bạn tốt, té ra là bạn quay truyền hình.

Được bố trí ở khách sạn loại sang, nghi ngờ chủ nữ... là 1 học trò cá biệt ngày xưa.


[1] Bộ phim truyền hình nhiều tập của Brasil, sản xuất năm 1976. Truyện phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bernardo Guimarães. Bộ phim được đạo diễn bởi Herval Rossano (phim được Herval Rossano làm lại vào năm 2004).

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 121911 Tổng lượt truy cập 89331939