Bài học kinh nghiệm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Do đó, cùng với quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước; Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đây là nhiệm vụ được thực hiện xuyên suốt từ khi Đảng ra đời đến nay.
Ảnh minh họa
NHIỆM VỤ XUYÊN SUỐT TỪ KHI ĐẢNG RA ĐỜI
Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạt động dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính nền tảng đó là “kim chỉ nam” cho Đảng hoạch định cương lĩnh, đường lối đúng đắn và hiện thực hóa thành công những mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính trị, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ những năm 50, 60, trên thế giới nổi lên cuộc đấu tranh của chủ nghĩa cơ hội, xét lại chống lại chủ nghĩa Mác cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh để bảo vệ chủ nghĩa Mác. Tháng 12/1963, Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa III “về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng”. Trong Nghị quyết, Đảng ta đã chỉ rõ khi đó, có một số cán bộ, đảng viên đã nhận thức và hành động trái với quan điểm của Đảng, có người rời bỏ Đảng, được cử đi học và tìm cách ở lại nước ngoài. Số đó tuy rất ít nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trong đến uy tín của Đảng. Do đó, với lập trường kiên định và rõ ràng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, trước những sóng gió cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại sự chống phá của các phần tử phản động, cơ hội, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí đã luôn giữ được sự thống nhất vững chắc về tư tưởng, lý luận; đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Tổng thống Nga V.Putin trong Thông điệp Liên bang năm 2005 gọi đó là “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay tại Liên Xô - quê hương của Cách mạng tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, nơi được coi thành trì của chủ nghĩa xã hội hiện thực khiến cho các học giả tư sản được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin.
Kể từ sau sự kiện gây chấn động lịch sử toàn thế giới đến nay đã gần 30 năm, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức tìm mọi cách lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin”; và bởi, “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”(1). Những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Xuất phát từ lập luận đó, họ cho rằng hiện nay “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa”(2). Do đó, theo họ, Việt Nam cần “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng”, “tránh con đường đau khổ” mà một số nước đã đi qua để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đây thực sự là một thử thách rất lớn đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cuối những năm 80, với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm nhận thấy những diễn biến tiêu cực của các Đảng và các nước xã hội chủ nghĩa nên đã chủ động phòng ngừa sự chống phá của các thế lực thù địch. Sự chủ động và quyết tâm của Đảng được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI khi đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đổi mới đúng hướng, đúng mục tiêu và có hiệu quả. Trong Nghị quyết, Đảng ta không chỉ khẳng định tính chất của công cuộc đổi mới ở Việt Nam không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp mà Đảng ta còn nhấn mạnh: “Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”(3). Sự khẳng định này đã cho thấy bản lĩnh và quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, bất chấp mọi sự chống phá của các thế lực thù địch.
Tiếp theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI, tháng 8/1989, Hội nghị Trung ương 7 khóa VI của Đảng ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”. Trung ương đã nhận định 6 điểm về những sai lầm trong cải tổ, cải cách của một số đảng về thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng, dân chủ hóa không giới hạn, hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận thành tựu của lịch sử, của chủ nghĩa xã hội. Từ việc nhìn nhận những thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu khi buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khiến đảng viên và nhân dân mất niềm tin vào chính lý tưởng mà mình đã theo đuổi, Nghị quyết Trung ương 7 khóa VI của Đảng đã nhấn mạnh: “Giáo dục trong Đảng và trong nhân dân kiên trì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở quán triệt năm nguyên tắc và những chính sách đổi mới của Đảng”(4). Quan điểm này cho thấy sự kiên định của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin trong một giai đoạn rất khó khăn và cam go.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thể hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Đại hội VII năm 1991). Lúc này, mặc dù sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu vừa tạo ra một “chấn động chính trị toàn thế giới” song Đảng ta vẫn khẳng định Việt Nam vẫn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Toàn bộ mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng hướng vào làm sáng tỏ và sâu sắc hơn bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định tính tất yếu của con đường xã hội chủ nghĩa; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu sai trái, thù địch. Đây là một Cương lĩnh rất quan trọng của thời kỳ đổi mới, khẳng định rất rõ sự kiên trì, quyết tâm của Đảng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong mọi tình huống.
Từ sau Cương lĩnh, căn cứ vào tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn, Đảng ta tiếp tục đưa ra những chỉ đạo cụ thể về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như Nghị quyết số 01-NQ/TW “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” (tháng 3/1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (tháng 2/1995); đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2012) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) về xây dựng Đảng. Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã thẳng thắn vạch rõ những âm mưu thâm độc của các lực lượng thù địch khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam như: “Diễn biến hòa bình là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là “thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi”. Nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây còn gọi đây là phương pháp “chuyển hóa hòa bình”, “biến đổi hòa bình”, “cách mạng hòa bình” và gần đây là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố… Trong chiến lược này, hoạt động văn hóa - tư tưởng được coi là “mũi đột phá”, là “cây cầu dẫn vào trận địa”, là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa”(5). Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta còn chỉ rõ đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước”(6) khiến cho các thế lực thù địch có cơ hội chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Tinh thần và bản lĩnh của Đảng trong việc lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng được thể hiện đậm nét nhất trong Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22/10/2018) “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Kế thừa tinh thần chỉ đạo của Đảng trong suốt 90 năm, trên cơ sở nhận định, dự báo về tình hình trong nước và quốc tế trong thời gian tới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta vẫn tiếp tục xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn luôn là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đại hội đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo quan trọng và những định hướng cụ thể cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta trong thời gian tới.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Đảng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt được những kết quả quan trọng.
Một là, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ, phát triển và làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần, xã hội Việt Nam; đồng thời vô hiệu hóa các luận điệu và hoạt động phá hoại tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; bảo vệ thành công các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng. Ngoài ra, sự lãnh đạo của Đảng cũng góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam; tổ chức lực lượng và các điều kiện bảo đảm cho công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động“diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.
Hai là, chủ động phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại những âm mưu của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế ở Việt Nam như ý đồ “tư nhân hóa” nền kinh tế, tiến công vào vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; giúp cho nền kinh tế Việt Nam giữ được độc lập, tự chủ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài, giữ vững định hướng XHCN.
Ba là, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hòng thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam; lợi dụng đổi mới để gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam. Đảng không ngừng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Bốn là, làm thất bại mưu đồ bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam, cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế. Việt Nam tạo được môi trường thuận lợi phục vụ cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao; tranh thủ được nhiều diễn đàn quốc tế để đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị.
Những kết quả đó đã được Đảng ta khẳng định tại Đại hội XIII như sau: “công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực”(7). Đặc biệt, Đảng ta đã nhấn mạnh thêm những kết quả đạt được trong việc chỉ đạo công tác công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng: “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”(8). Đây là một bước tiến rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn khi các thế lực thù địch ra sức lợi dụng không giang mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Sở dĩ đạt được những kết quả trước hết là do đa số cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Ngay từ khi Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị đã nhanh chóng nắm bắt, quán triệt, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Tất cả các cơ quan, ban ngành trung ương, các tỉnh, thành phố, quận, huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo 35 để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp trong việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW. Do vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta trong thời gian qua được chỉ đạo một cách quyết liệt, được triển khai một cách rộng khắp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với những dấu ấn nổi bật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng có những hạn chế nhất định, nhất là công tác nắm bắt dư luận và định hướng tư tưởng: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”(9).
Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng”, Đảng ta đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta thời gian qua. Đó là do “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(10).
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Từ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, trong bất cứ điều kiện và tình huống nào, phải luôn kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng và có thái độ kiên quyết, triệt để đối với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Khi tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng ta coi sự kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là bài học kinh nghiệm đầu tiên, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào cũng phải luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, coi đó là nền tảng tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam cho mọi hành động”(11). Điều này tiếp tục được Đảng ta nhấn mạnh thêm ở Đại hội XIII: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(12). Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(13). Nguyên tắc này là điều kiện tất yếu bảo đảm cho sự thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
Hai là, phải có sự thống nhất giữa bảo vệ và đấu tranh trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Thực tiễn cho thấy muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phải đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch và ngược lại, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để luôn giữ vững, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề quan trọng hàng đầu, được đặt lên trước, phải lấy bảo vệ là chính, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng là để bảo vệ nền tảng tư tưởng được tốt hơn.
Chủ đề của Nghị quyết 35-NQ/TW là “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, điều đó cho thấy công tác này có hai hoạt động cơ bản là “bảo vệ” và “đấu tranh”, phù hợp với phương châm “xây” và “chống” trong công tác tư tưởng. Có thể hiểu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thực chất là việc sử dụng tổng hợp các lực lượng và các biện pháp kiên quyết, kiên trì giữ gìn, duy trì, củng cố bản chất cách mạng và khoa học, phát huy, phát triển sáng tạo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời chống lại sự xuyên tạc, phá hoại và cả những nhận thức sai trái của các lực lượng bên ngoài và bên trong nhằm làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng thấm sâu, ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân. Như vậy, trong “bảo vệ” đã có “đấu tranh” và mục đích của “đấu tranh” là để “bảo vệ”. Đây là hai mặt của một nhiệm vụ, chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Ba là, phải có nội dung và phương thức đấu tranh phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.
Trong suốt hơn 90 năm qua, thực tiễn đã có rất nhiều thay đổi. Các thế lực thù địch không ngừng sử dụng những âm mưu, thủ đoạn mới để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Do đó, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam cũng cần có những nội dung, phương thức phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vậy, ngoài hình thức đấu tranh truyền thống (viết bài đăng tải trên các sách, báo, tạp chí), chúng ta cần bổ sung những hình thức đấu tranh khác như, đấu tranh trên không gian mạng bằng những bài viết lý luận chuyên sâu, hoặc xây dựng những tin, bài, video, clip, hình ảnh… để đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Cùng với đó, phải đoàn kết, tập hợp lực lượng ở trong Đảng và ngoài Đảng, trong giới nghiên cứu lý luận nói riêng và giới nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, đồng thời, phối hợp với cả những nhà mácxít chân chính ở nước ngoài, bởi đây là cuộc đấu tranh có ý nghĩa sống còn đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản chân chính nói chung, của Đảng ta nói riêng.
Thực tiễn suốt hơn 90 năm đã cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn kiên trì, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng và luôn kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Sự kiên trì, kiên định và kiên quyết ấy chính là những bài học kinh nghiệm quý báu cho mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức; mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiệm vụ này tuy ngày càng có nhiều khó khăn, thử thách nhưng nếu mỗi chúng ta luôn kiên định về lập trường tư tưởng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đồng sức, đồng lòng sẽ tiếp tục đạt được những thành quả to lớn.
TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(1) Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 48.
(2) Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 48.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 49, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.591.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 49, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.742.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nxb. Chính trị - hành chính, Hà Nội, tr.92-93.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 28.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.74.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.171.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.91.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.168.
(11) Ban Tuyên giáo Trung ương, 30 năm đổi mới đất nước - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016, Hà Nội, tr. 16
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.33.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.33.
Theo tuyengiao.vn
Tin tức khác
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị (lần 1)
- Cẩn trọng trước các chiêu trò lừa đảo thời điểm cuối năm
- Mãi khắc ghi lời Bác dặn
- Ngày 22/1, Bắc Bộ rét về đêm và sáng, trưa chiều trời nắng
- Phường Thanh Sơn sinh hoạt chính trị kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Uông Bí
- Trường Tiểu học Lê Lợi: ngoại khoá "Xuân ấm áp - Tết yêu thương"
- Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc trao tặng 60 suất quà Tết cho người có công, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn
- Thăm, tặng quà già làng trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Chương trình Tết thắm tình quân dân Xuân Ất Tỵ 2025
- Phường Thanh Sơn trao quà Tết cho các hộ gia đình khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
- Công an phường Trưng Vương bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý
- Chi bộ Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố tổ chức Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2025-2027