“ATM rác" góp phần phát triển bền vững
Ngân hàng "lạ": Gửi rác - rút tiền
Hơn 72,4 triệu đồng được trao, đồng nghĩa với trên 12.000 tấn rác thải nhựa các loại được thu gom, tái chế sử dụng thành những sản phẩm phù hợp là kết quả từ mô hình “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền” do Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh duy trì hơn 5 tháng qua. Đây là mô hình “ATM rác" đầu tiên được thực hiện tại một nhà máy sản xuất xi măng ở Việt Nam, góp phần lan tỏa hành động bảo vệ môi trường, tạo nền móng cho hành trình phát triển xanh của Công ty…
Đến "ATM" gửi rác
6h30 ngày thứ 4 và thứ 6 hằng tuần - thời gian cao điểm, “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền” (đặt tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh) tiếp đón hàng trăm công nhân cùng các hộ dân lân cận đến gửi rác. Tất cả đều háo hức "tay xách nách mang" những bịch giấy vụn, chai nhựa đã qua sử dụng đến điểm thu mua rác.
Anh Đặng Việt Hùng, công nhân Phân xưởng Xi măng (Nhà máy Xi măng Lam Thạch) mang rác thải nhựa đến gửi tại "ATM rác".
Anh Đặng Việt Hùng, công nhân Phân xưởng Xi măng (Nhà máy Xi măng Lam Thạch) nhiều tháng nay cứ vào sáng sớm các ngày thứ 4 và thứ 6 hằng tuần, chiếc xe máy gắn bó với hành trình từ nhà đến Công ty của anh lại có thêm nhiệm vụ chở kèm thêm những bao đựng rác thải nhựa. Từ khi mô hình “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền” được phát động, trung bình mỗi tháng, anh thu gom được hàng trăm kg rác thải nhựa các loại và nhận được số tiền tiết kiệm 150.000-200.000 đồng. Anh được nhiều người trong Công ty đặt cho biệt danh “người săn rác”.
Vừa cân xong bao tải đựng đầy nhựa thô, rác tái chế, vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa carton, anh Hùng chia sẻ: Trước đây, tôi ít quan tâm đến việc xử lý rác thải nhựa. Nếu không có người thu mua thì thường đem chôn, đốt hoặc xả ra môi trường. Tuy nhiên, từ ngày có “ATM rác", tôi đi bộ thấy ai vứt vỏ chai nhựa ra vỉa hè đều nhặt mang về. Giờ đã thành thói quen, cứ đến ngày thứ 4 và thứ 6 hằng tuần tôi lại đem rác đến “ATM rác" của Công ty. “Mỗi lần đổi chỉ được mấy chục nghìn, có ngày chỉ được vài nghìn đồng nhưng tôi cảm thấy rất vui, vì góp phần chung tay giảm thiểu tác hại rác thải nhựa ra môi trường, giữ gìn tốt vệ sinh công cộng.
Tham gia mô hình “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền”, mỗi cán bộ, công nhân lao động đã trở thành tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa đến người dân phường Phương Nam, TP Uông Bí (nơi đặt trụ sở Công ty) trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà.
Công nhân nhận phiếu tích điểm sau khi gửi rác thành công.
Bà Lê Thị Yên, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Hiệp Thành, phường Phương Nam, từ khi Công ty mở “ATM rác", dù tuổi đã cao nhưng mỗi ngày bà đều "đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân tự thu gom rác lại chở đến “ATM rác" đổi lấy tiền. Bà Yên phấn khởi cho biết: Mô hình “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền” của Công ty, lúc đầu trong khu chỉ có vài hộ là con em cán bộ, công nhân Công ty tham gia. Đến nay sau hơn 5 tháng, mô hình đã thu hút ngày càng nhiều hộ dân trong khu tham gia, các hộ không xả rác bừa bãi, mà gom lại để đổi lấy tiền. Hiện trong khu phố nhiều gia đình, tổ, xóm đã bắt đầu liên kết chung tay thu gom rác đổi lấy tiền. Khu dự định, tiền tiết kiệm từ đổi rác lấy tiền để mua các thùng đựng rác lắp đặt địa điểm công cộng.
Bà Lê Thị Yên, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Hợp Thành (phường Phương Nam, TP Uông Bí) cùng người dân trong khu phân loại rác tại "ATM rác".
Triển khai từ tháng 4/2022 đến nay, mô hình “ATM rác" đã nhận được sự ủng hộ của nhiều công nhân và người dân địa phương. Sau hơn 5 tháng phát động, trên 12.000 tấn rác thải nhựa các loại, hơn 70.000 vỏ lon, gần 2.400 vỏ bao xi măng được thu gom, quy đổi gần 87.000 điểm, tương ứng hơn 72,4 triệu đồng.
Mỗi kg rác thải tương đương 1 điểm quy đổi, thành tiền từ 3.000-11.000 đồng tùy loại rác thải. Mỗi người khi đến gửi rác sẽ được Công ty mở một tài khoản để quản lý toàn bộ dữ liệu hoạt động gửi rác. Đến nay, Công ty đã mở trên 500 tài khoản chi trả đổi rác lấy tiền. Khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy mà chủ tài khoản chưa rút tiền sẽ được Công ty cộng trả lãi suất 1%/năm, cao gấp đôi lãi suất không kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Để thu hút được nhiều người tham gia “ATM rác", Công ty đã có nhiều chương trình hấp dẫn, như hỗ trợ xe vận chuyển tận nhà, thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá thị trường, hỗ trợ lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài…
Mô hình cần nhân rộng
Chia sẻ về ý tưởng lập “ATM rác”, ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Theo con số thống kê, Việt Nam là quốc gia xả rác thải nhựa nhiều thứ 4 trên thế giới, nhưng lại nhập khẩu phế liệu nhựa nhiều thứ 2 thế giới. Không chỉ nhựa, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn phế liệu các loại. Các doanh nghiệp đứng trước nghịch lý thiếu nguyên liệu, phải nhập về sản xuất, nhưng lại bỏ đi, lãng phí nguồn nguyên liệu có thể tái chế từ rác thải, chưa kể còn phải mất thêm nhiều tiền để xử lý rác thải (thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đốt...). Nhận thấy tiềm năng từ nguồn nguyên liệu tái tạo này và qua học hỏi các mô hình tái chế rác thải nhựa từ nhiều nước trên thế giới, Công ty đã cho ra đời mô hình “Ngân hàng rác - Gửi rác, rút tiền”.
Công nhân và người dân xếp hàng để gửi rác.
Tới đây, Công ty mở rộng mạng lưới thu mua, phân loại rác thải nhựa có thể tái chế trên địa bàn tỉnh. Lượng rác thải thu gom là nguồn nguyên liệu đầu vào để Công ty hiện thực hóa ý tưởng đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất bao bì đựng xi măng, sản xuất giấy Kraft dùng trong bao bì xi măng. Công ty đang xây dựng dự án, dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới. “Công nghệ tái chế chất thải nhựa này đã được các nước phát triển ứng dụng từ vài chục năm trước với 2 mục đích là tận dụng nguồn chất thải làm nguyên liệu sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường. Việc tạo vòng đời mới cho rác thải nhựa không những giúp Công ty bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn tạo thêm nguồn thu ổn định, tiết kiệm chi phí sản xuất cho đơn vị" - Ông Hiệt phân tích.
Ở nền kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh mà Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng đang hướng tới, phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất được xem là nguồn tài nguyên tái tạo. Việc Công ty đầu tư cho tái chế rác thải trong sản xuất được xem là hướng đi mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Người dân khu Hợp Thành (phường Phương Nam, TP Uông Bí) đến gửi rác rút tiền tại Công ty.
Hướng đi này không phải đến bây giờ Công ty mới triển khai mà đã được hiện thực hóa từ nhiều năm trước, mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ tháng 3/2020, Công ty đã đầu tư một dây chuyền công nghệ đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường dùng để làm nhiên liệu thay thế than đốt cho lò nung clinker. Dây chuyền này có khả năng xử lý các loại chất thải công nghiệp thông thường như: Vải vụn, đế giày, PE, PU, PVC, mút, xốp, gỗ, bùn thải của hệ thống xử lý nước không chứa thành phần nguy hại. Đến nay, dây chuyền đã xử lý được hơn 4.000 tấn chất thải công nghiệp thông thường, có khả năng thay thế khoảng 15% lượng nhiên liệu sử dụng cho cả 2 dây chuyền sản xuất clinker, công suất mỗi dây chuyền 1.200 tấn clinker/ngày. Theo tính toán của Công ty, từ khi đưa dây chuyền này vào sử dụng, mỗi năm đơn vị tiết kiệm trên 70 tỷ đồng.
Một tương lai phát triển bền vững, nơi rác thải nhựa được xử lý và tái chế, quay trở lại giúp ích cho sản xuất của doanh nghiệp, cuộc sống của con người không còn xa. Tất cả bắt đầu từ một hành động nhỏ của mỗi người. Mô hình “ATM rác" của Công ty không chỉ giải bài toán về kinh tế, mà còn từng bước tạo nên tư duy “xanh”. Đó là dần hình thành thói quen phân loại rác trong toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Công ty và cộng đồng cư dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần không nhỏ vào quá trình chống rác thải nhựa, thu gom rác thải tái chế, tái sử dụng chất thải. Mô hình “ATM rác" đã thực sự làm thay đổi nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ, công nhân của Công ty về rác thải nhựa.
"Giờ đây, sau mỗi cuộc thi đấu thể thao hay buổi liên hoan trong Công ty, hình ảnh những cán bộ, công nhân thu lượm các chai, lọ nhựa và rác thải có thể tái chế không còn xa lạ. Họ xem việc tự nguyện làm sạch những nơi họ đến, họ đi qua như làm sạch chính ngôi nhà của mình. Thói quen ấy đã trở thành mục tiêu, giúp chất lượng đời sống tăng lên, đồng thời có thể chung tay giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp” - Ông Phạm Tâm Hội, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường (Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh), chia sẻ.
Dây chuyền công nghệ đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, khẳng định: Những nỗ lực trong việc xử lý và tái chế rác thải ở Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh là hướng đi đúng đắn, không chỉ đem lại lợi ích bảo vệ môi trường, mà còn có lợi cho chính doanh nghiệp, bảo đảm sự phát triển bền vững hơn của doanh nghiệp trong tương lai. Đó là góp phần giảm rác thải ra môi trường, chuyển đổi nền kinh tế địa phương từ “nâu" sang "xanh”, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa lợi ích kinh tế từ chất thải. Quan trọng hơn là tạo được thói quen sống xanh trong đội ngũ cán bộ, công nhân và nhân dân trên địa bàn. Thời gian tới, tỉnh sẽ nhân rộng mô hình “ATM rác” đến nhiều xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn.
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027