An toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội

Quảng Ninh có khoảng 1,36 triệu dân và trên 15,5 triệu khách du lịch mỗi năm. Tuy nhiên hiện nay, sản lượng thực phẩm sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Số thực phẩm còn lại được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách, các ngành chức năng đã tăng cường quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh.

Công an TP Uông Bí nắm bắt tình hình kinh doanh tại khu vực Làng Nương, Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí)

Trong những dịp Tết, lễ hội, rượu là loại thực phẩm được sử dụng nhiều. Tuy nhiên, methanol vượt ngưỡng cho phép là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc rượu, thậm chí có thể dẫn đến mù mắt, tử vong. Trên thực tế, trong rượu truyền thống, cũng có thể có một hàm lượng methanol nhất định sinh ra trong quá trình ủ men. Do đó, việc kiểm soát hàm lượng methanol cũng là một trong những vấn đề quan trọng được người sản xuất đặc biệt phải lưu ý, cũng như được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm trong quá trình kiểm tra giám sát.

Anh Phạm Quang Huy, Kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm Hóa sinh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Nếu trong rượu trắng chưng cất, mức an toàn sẽ nằm trong giới hạn dưới 2.000mg/l; còn với rượu pha chế thì dưới 100mg/l.

Việc giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu là một trong những biện pháp được các lực lượng liên ngành của tỉnh hết sức chú trọng trong dịp Tết và lễ hội đầu xuân, khi lượng người tập trung lớn. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Qua kiểm tra giám sát ở các cơ sở trên địa bàn, chúng tôi thấy rất nhiều cơ sở lớn sản xuất rượu đã thực hiện nghiêm công tác đảm bảo ATVSTP, chưa phát hiện cơ sở nào không đảm bảo quy trình, hoặc phát hiện chất cấm, chất độc hại trong sản phẩm rượu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng, đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý ở góc độ chuyên môn, tiến hành giám sát để quản lý chất lượng rượu lưu hành trên thị trường một cách tốt nhất.

Để đảm bảo ATVSTP dịp lễ hội xuân, từ trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã tổ chức 3 đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung lấy mẫu xét nghiệm các nhóm hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết. Qua đó, đã phát hiện nhiều cơ sở, cá nhân là chủ các cơ sở dịch vụ ăn uống và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn: Quảng Yên, Đông Triều, Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Đầm Hà, Cô Tô vi phạm các quy định về ATTP. Các vi phạm chủ yếu là để dụng cụ thu gom chất thải không nắp đậy; nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang bảo hộ theo quy định; kho bảo quản không đầy đủ giá kệ; khu vực sản xuất, chế biến có côn trùng, động vật xâm nhập; không phân loại, bảo quản riêng nguyên liệu thành phẩm hết hạn sử dụng với nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Với quan điểm của các ngành chức năng là xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, đảm bảo các mặt hàng ra thị trường phải an toàn. Nhờ đó, đã nâng cao nhận thức, ý thức của những người đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chị Hoàng Thị Loan, tiểu thương kinh doanh tại khu vực Làng Nương, trong khuôn viên Di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) chia sẻ: Chúng tôi kinh doanh các loại thực phẩm như hạt dẻ, bánh các loại, vừa dùng tại chỗ, vừa để mọi người mua về làm quà sau chuyến hành hương. Tất cả những loại thực phẩm của chúng tôi cung cấp đều là hàng mới, đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng.

Từ nay đến hết tháng Giêng, lưu lượng người dân và du khách thập phương đổ về Quảng Ninh để tham gia các lễ hội đầu xuân vẫn tăng. Do đó, nhu cầu về nhu yếu phẩm tăng cao, nhất là sử dụng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng, quán ăn, các điểm dừng chân. Để đảm bảo ATVSTP trong mùa Lễ hội Xuân năm 2024, các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phòng ngừa từ sớm, từ xa; tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Đồng thời, tập trung phát hiện, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng chất cấm, nguyên liệu kém chất lượng, chất phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc quá thời hạn, liều lượng cho phép trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, điểm du lịch đông người.

Theo Hằng Ngần/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13175 Tổng lượt truy cập 91822145