14 món ăn nhẹ phù hợp với người bệnh đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường nên chọn đồ ăn nhẹ có nhiều chất xơ, protein và chất béo lành mạnh. Những chất dinh dưỡng này sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ cao bị béo phì và các bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim. Vì vậy, điều quan trọng là phải tập trung vào các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe tổng thể.
Có rất nhiều món ăn nhẹ lành mạnh để bạn lựa chọn nếu bạn mắc đái tháo đường. Một nguyên tắc nhỏ là chọn thực phẩm giàu protein, chất xơ và chất béo lành mạnh, tất cả giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định. Có rất nhiều món ăn nhẹ nhanh, dễ dàng bạn có thể chuẩn bị và ăn ngay cả khi bạn đang di chuyển.
1. Trứng luộc
Trứng luộc là một món ăn nhẹ siêu lành mạnh cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Trứng được biết là có tác dụng thúc đẩy cảm giác no, một khía cạnh quan trọng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2.
Một quả trứng luộc chín cung cấp 6g protein, rất hữu ích cho bệnh nhân đái tháo đường vì nó giữ cho lượng đường trong máu của bạn không tăng quá cao sau khi ăn.
Trong một nghiên cứu nhỏ, 65 người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đã ăn 2 quả trứng mỗi ngày trong 12 tuần. Vào cuối cuộc nghiên cứu, các bệnh nhân này giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói. Họ cũng có lượng hemoglobin A1c thấp hơn, đây là thước đo kiểm soát lượng đường trong máu lâu dài.
2. Sữa chua với quả mọng
Sữa chua không đường với quả mọng là một món ăn nhẹ tuyệt vời thân thiện với bệnh nhân đái tháo đường.
Các chất chống oxy hóa trong quả mọng có thể làm giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương các tế bào của tuyến tụy, cơ quan chịu trách nhiệm giải phóng các hormone làm giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, quả mọng là một nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời. Ví dụ, một khẩu phần 1 cốc (khoảng 148g) quả việt quất cung cấp 4g chất xơ, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ổn định lượng đường trong máu sau khi ăn.
Sữa chua cũng được biết đến với khả năng làm giảm lượng đường trong máu. Điều này một phần là do men vi sinh trong sữa chua có thể cải thiện khả năng chuyển hóa thức ăn chứa đường.
Hơn nữa, sữa chua rất giàu protein, chất nổi tiếng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Sữa chua Hy Lạp đặc biệt giàu protein.
3. Một nắm hạnh nhân
Hạnh nhân rất bổ dưỡng và tiện lợi để ăn vặt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạnh nhân có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
Một khẩu phần tương đương 28g hạnh nhân cung cấp hơn 15 loại vitamin và khoáng chất, bao gồm 32% lượng mangan được khuyến nghị hàng ngày, 19% đối với magiê và 17% đối với riboflavin.
Trong các nghiên cứu, những bệnh nhân đái tháo đường bổ sung hạnh nhân vào chế độ ăn uống hàng ngày đã giảm được từ 3-9% lượng đường trong máu. Họ cũng bị giảm lượng insulin, một loại hormone có thể làm trầm trọng thêm bệnh đái tháo đường nếu mức độ liên tục cao.
Khả năng giúp ổn định lượng đường trong máu của hạt hạnh nhân có thể là do sự kết hợp của chất xơ, protein và chất béo lành mạnh, tất cả đều được biết là có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Hơn nữa, hạnh nhân đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol và cũng có thể thúc đẩy việc kiểm soát cân nặng, cả hai đều là yếu tố chính trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường type 2.
Vì hạnh nhân có hàm lượng calo khá cao, nên tốt nhất bạn nên hạn chế khẩu phần ăn của mình khi sử dụng chúng như một món ăn nhẹ.
4. Quả bơ
Với bệnh nhân đái tháo đường, ăn nhẹ bằng quả bơ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Hàm lượng chất xơ cao và axit béo không bão hòa đơn trong quả bơ khiến chúng trở thành một loại thực phẩm thân thiện với bệnh nhân đái tháo đường. Những yếu tố này có thể ngăn lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến sau bữa ăn.
Một nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường xuyên tiêu thụ các nguồn axit béo không bão hòa đơn trong chế độ ăn uống đã giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu của họ.
Vì bơ có hàm lượng calo khá cao, nên tốt nhất bạn nên chọn khẩu phần ăn từ 1/4 đến 1/2 quả bơ mỗi lần.
5. Táo cắt lát với bơ đậu phộng
Táo cắt lát kết hợp với bơ đậu phộng tạo thành một món ăn nhẹ ngon và lành mạnh, rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Táo giàu chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin B, vitamin C và kali, trong khi bơ đậu phộng cung cấp một lượng đáng kể vitamin E, magiê và mangan, tất cả đều được biết là giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Cả táo và bơ đậu phộng cũng rất giàu chất xơ. Một quả táo trung bình kết hợp với khoảng 28g bơ đậu phộng cung cấp gần 7g chất xơ, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Táo đã được nghiên cứu đặc biệt về vai trò tiềm năng của chúng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Các chất chống oxy hóa polyphenol trong chúng được cho là có tác dụng bảo vệ các tế bào tuyến tụy khỏi bị hư hại thường làm trầm trọng thêm bệnh đái tháo đường.
Bạn cũng có thể thử kết hợp các loại trái cây khác với bơ đậu phộng, chẳng hạn như chuối hoặc lê, để có những lợi ích sức khỏe tương tự.
6. Thịt bò khô
Thịt bò khô rất tiện lợi, dễ di chuyển và thân thiện với bệnh nhân đái tháo đường.
Điều làm cho thịt bò trở thành một món ăn nhẹ tuyệt vời cho những người mắc bệnh đái tháo đường là hàm lượng protein cao và ít carb.
Mỗi khẩu phần thịt bò khoảng 28g cung cấp khoảng 6g protein, có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.
Điều quan trọng cần lưu ý là thịt bò khô có thể chứa nhiều natri, có thể dẫn đến tăng huyết áp ở một số người nếu tiêu thụ quá mức. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo tiêu thụ chúng ở mức độ vừa phải.
7. Đậu sấy khô
Các loại đậu đã được chứng minh nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Có 15g protein và 13g chất xơ trong 1 cốc khoảng 164g, khiến chúng trở thành một món ăn nhẹ tuyệt vời cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ đậu thường xuyên có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh đái tháo đường, nhờ vào khả năng giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
8. Phomai
Một nửa cốc (khoảng 112 gram) phomai cung cấp 13 gram protein và chỉ 4 gram carbs, ngoài ra còn có một số vitamin và khoáng chất cần thiết khác. Điều thú vị là ăn phomai tươi có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.
Trong một nghiên cứu, những người đàn ông ăn 25g phomai tươi với 50g đường có lượng đường trong máu thấp hơn 38% sau đó, so với những người chỉ tiêu thụ đường.
Tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của phomai tươi thường được cho là do hàm lượng protein cao của nó. Nếu bạn chọn phomai tươi thông thường thay vì các loại đã giảm chất béo, bạn cũng sẽ tận dụng được các đặc tính giảm lượng đường trong máu của chất béo. Phomai có vị ngon đơn giản, bạn cũng có thể kết hợp với trái cây để có thêm chất dinh dưỡng và chất xơ.
9. Bánh quy giòn từ ngũ cốc nguyên hạt kẹp phomai
Đây là một món ăn nhẹ phổ biến và bạn có thể tự làm chúng bằng cách phủ một vài bánh quy giòn làm từ ngũ cốc nguyên hạt với các lát phomai
Trong khi bánh quy giòn có thể chứa nhiều carbs, chất béo trong phomai và chất xơ trong bánh quy giòn có thể ngăn chúng làm tăng lượng đường trong máu của bạn
Việc hấp thụ chất béo từ các sản phẩm từ sữa như phomai có thể làm chậm quá trình tiêu hóa carbs, giảm mức insulin và thúc đẩy việc giải phóng các hormone làm giảm lượng đường trong máu, chẳng hạn như GLP-1.
Hãy chắc chắn rằng bạn chọn bánh quy giòn một cách cẩn thận, vì nhiều nhãn hiệu có nhiều bột tinh chế và thêm đường, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lượng đường trong máu. Để tránh những thành phần này, hãy luôn chọn bánh quy giòn được làm từ 100% ngũ cốc nguyên hạt.
10. Salad cá ngừ
Salad cá ngừ được làm bằng cá ngừ với sốt mayonnaise và các thành phần khác, chẳng hạn như cần tây và hành tây.
Một khẩu phần cá ngừ khoảng 84g cung cấp 22g protein và không có carbs, điều này làm cho nó trở thành một lựa chọn ăn nhẹ tuyệt vời khi bạn mắc bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, cá ngừ rất giàu axit béo omega - 3, đã được chứng minh là giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường do khả năng giảm viêm và cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu.
Bạn có thể làm món salad cá ngừ tốt cho sức khỏe và giàu protein hơn bằng cách trộn với phomai hoặc sữa chua, thay vì sốt mayonnaise.
11. Bỏng ngô
Bỏng ngô là một loại thực phẩm ăn vặt làm từ ngũ cốc nguyên hạt rất phổ biến và tốt cho sức khỏe. Nó được coi là một trong những món ăn nhẹ tốt nhất cho những người mắc bệnh đái tháo đường, một phần vì mật độ calo thấp của nó. Một cốc khoảng 8g bắp rang bơ chỉ chứa 31 calo.
Ăn nhẹ với thực phẩm ít calo có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng, được biết là có thể thúc đẩy giảm lượng đường trong máu và quản lý tổng thể tốt hơn bệnh đái tháo đường type 2.
Ngoài ra, bỏng ngô cung cấp 1g chất xơ cho mỗi khẩu phần 1 cốc, đây là một đặc tính khác khiến nó trở thành một loại thực phẩm thân thiện với bệnh đái tháo đường.
Vì hầu hết các loại bỏng ngô đóng gói sẵn đều chứa nhiều muối, chất béo chuyển hóa và các thành phần không lành mạnh khác, nên tốt nhất là bạn nên tự làm bỏng ngô tại nhà.
12. Bánh pudding hạt chia
Bánh pudding hạt chia được làm bằng cách ngâm hạt chia trong sữa cho đến khi hỗn hợp đạt được độ sệt giống như bánh pudding.
Đây là một món ăn nhẹ lành mạnh cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì hạt chia rất giàu chất dinh dưỡng, giúp ổn định lượng đường trong máu, bao gồm protein, chất xơ và axit béo omega-3.
Chất xơ trong hạt chia có thể hấp thụ một lượng nước đáng kể, có thể giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa và giải phóng đường vào máu.
Ngoài ra, ăn hạt chia đã được chứng minh là giúp giảm mức chất béo trung tính, có thể tốt cho sức khỏe tim mạch. Điều này có lợi vì những người mắc bệnh đái tháo đường có xu hướng có nguy cơ phát triển bệnh tim cao hơn.
13. Salad đậu đen
Salad đậu đen là một món ăn nhẹ lành mạnh.Để làm món này, bạn chỉ cần kết hợp đậu đen đã nấu chín với các loại rau cắt nhỏ, chẳng hạn như hành tây và ớt, rồi trộn chúng với nước xốt dầu giấm.
Vì đậu đen rất giàu chất xơ và protein nên chúng là một món ăn nhẹ lành mạnh cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Ăn nhiều đậu đen có thể ngăn ngừa sự tăng đột biến lượng đường trong máu và giúp giảm mức insulin sau bữa ăn.
Đậu đen cũng đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách giúp giảm mức cholesterol và huyết áp.
14. Bánh nướng xốp trứng
Bánh nướng xốp trứng được làm bằng cách trộn trứng với rau và sau đó nướng. Đây là một món ăn nhanh lành mạnh cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Những lợi ích chính của thực phẩm thân thiện với bệnh đái tháo đường này là protein từ trứng và chất xơ từ rau. Ăn những thứ này có thể giúp giữ lượng đường trong máu của bạn ổn định.
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán