10 Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018
Từ ngày 1/1/2018, 10 Luật sẽ có hiệu lực. Đó là: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Du lịch.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đáp ứng yêu cầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH 13 được ban hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, góp phần áp dụng thống nhất Bộ luật trong thực tiễn, đồng thời, bổ sung một số vấn đề mới phát sinh sau khi Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được thông qua, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Đối với quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng kế thừa quan điểm của Bộ luật Hình sự năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể được liệt kê tại Bộ luật; sửa đổi, bổ sung theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.
Bên cạnh đó, Bộ Luật sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm; bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bộ luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13); bổ sung một tội danh mới - đó là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a Bộ luật Hình sự) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian vừa qua, gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Chống bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội
Bộ luật Tố tụng hình sự có 9 phần, 36 chương, 510 điều, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.
Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, gồm: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; suy đoán vô tội; không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm; tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đáng chú ý, Bộ luật quy định các biện pháp chống bức cung, nhục hình; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự.
Theo đó, bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự; bổ sung các quy định để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới; bổ sung cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng.
Bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ
Với 11 chương, 73 điều, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Liên quan đến chế độ quản lý giam giữ, Luật có các quy định về tiếp nhận, phân loại quản lý, chế độ quản lý, thực hiện trích xuất, chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tam giam; kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ; quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị chết.
Tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan điều tra hình sự
Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương, 73 điều. Để đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác điều tra hình sự, quy định về tổ chức quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được điều chỉnh cho phù hợp.
Cụ thể, tinh gọn đầu mối theo hướng, không quy định Trại tạm giam, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, Cảnh sát quản lý hành chính là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; bổ sung quy định về Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (cấp bộ), Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (cấp tỉnh).
Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm trên biển trong tình hình hiện nay.
Luật cũng quy định thời hạn điều tra đối với tội phạm quả tang, ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư điều tra theo thẩm quyền từ 20 ngày thành một tháng để đảm bảo tính khả thi. Một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong thời hạn có 7 ngày (các cơ quan khác trong Công an, Quân đội).
Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý
Luật Trợ giúp pháp lý quy định chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện, quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Luật quy định các điều kiện cụ thể để tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý.
Để ký hợp đồng với các tổ chức có điều kiện tốt nhất cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp sẽ lựa chọn theo quy trình chặt chẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Luật có cơ chế trả thù lao cho các tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, nhằm khuyến khích sự tham gia trợ giúp pháp lý có chất lượng hơn.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, Luật quy định chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý đối với 3 hình thức: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng mà không quy định "các hình thức trợ giúp pháp lý khác,', tránh tình trạng lạm dụng, thực hiện dàn trải, gây lãng phí nguồn lực dành cho trợ giúp pháp lý.
Luật đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước tập trung thực hiện vụ việc tố tụng thông qua quy định trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 2 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan. Bố cục của Luật gồm thành 8 chương, 48 điều (giảm 4 điều).
Thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 chương, 68 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào."
Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập, thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo.
Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền của các đối tượng này.
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 35 điều, chia thành 4 chương. Luật quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
Hỗ trợ chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: về tín dụng; về thuế, kế toán; về mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mở rộng thị trường; về thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện: có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.
Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.
Quản lý ngoại thương phù hợp với điều kiện hội nhập
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau bị áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước; gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật cũng quy định hàng hóa bị cấm xuất khẩu trong các trường hợp: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của thương nhân. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Luật quy định biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Luật gồm 8 chương, 113 điều.
Khai thác, sử dụng tài sản công có hiệu quả
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 10 chương, 134 điều, quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, theo từng loại tài sản công, nhiệm vụ của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan Trung ương liên quan có sự phân định cụ thể.
Quy định về hệ thống và cơ sở quốc gia về tài sản công, Luật thể hiện trọng tâm là hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công hiện có, gắn với việc mở rộng phạm vi theo hướng kết nối với các cơ sở dữ liệu về tài sản chuyên ngành nhằm bảo đảm tính bao quát thống nhất; việc tổ chức vận hành thông suốt, an ninh, an toàn, chi phí thấp.
Cơ sở này sẽ là kênh cung cấp thông tin tổng hợp quan trọng về tài sản công, đặc biệt là tổng nguồn lực tài sản công, làm cơ sở để các cơ quan nhà nước trong quá trình điều hành vĩ mô, điều hành ngân sách nhà nước, phục vụ Chính phủ điện tử.
Bảo vệ quyền, lợi ích của khách du lịch
Luật Du lịch sửa đổi đã được rút gọn xuống còn 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch năm 2005 nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách du lịch.
Luật bổ sung thêm điều kiện đảm bảo quy chuẩn đối với loại cơ sở lưu trú du lịch do Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành. Quy chuẩn này sẽ quy định những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và người lao động đối với từng loại cơ sở lưu trú du lịch nhằm bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú.
Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, công bố chất lượng dịch vụ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như đưa vào cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch quốc gia.
Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao và 5 sao. Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và hạng 5 sao. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, hạng 2 sao và hạng 3 sao.
Việc công nhận này được coi như một chứng nhận về chất lượng. Sau khi đăng ký và được xếp hạng, cơ sở sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trong các hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027