‘Ăn chặn’ tiền từ thiện sẽ bị xử lý như thế nào?

Lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi là hành vi đáng lên án và cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Th.S-Luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), liên quan đến các hoạt động huy động từ thiện, ngày 27/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2021.

‘Ăn chặn’ tiền từ thiện sẽ bị xử lý như thế nào? Ảnh minh họa.

Theo đó, tại Điều 5 Nghị đinh số 93/2021/NĐ-CP quy định nghiêm cấm một số hành vi:

Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.

Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

"Do đó, đối với hành vi gian dối để trục lợi, chiếm đoạt số tiền từ thiện thì đây được xác định hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Cụ thể đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Nội dung này được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mức phạt nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân theo Điều 4 của Nghị định này.

Còn trong trường hợp người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, trị giá từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 174, Bộ luật hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.

Tùy từng tính chất, mức độ hành vi thì mức phạt của tội danh này có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Cao nhất có thể bị áp dụng mức phạt tù cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp theo quy định tại khoản 4 Điều này", luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay.

Theo luật sư Hoàng Thị Hương Giang, có thể thấy hoạt động từ thiện là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, lá lành đùm lá rách.

Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo. Điều này nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bởi vậy, hoạt động từ thiện cần công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng để phát huy đúng vai trò. Đối với các trường hợp lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi là hành vi đáng lên án và cần xử lý nghiêm theo pháp luật để răn đe, chấm dứt tình trạng này.

Theo suckhoedoisong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14533 Tổng lượt truy cập 94801922