Thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
Thương mại điện tử (TMĐT) đã dần trở thành phương thức tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của doanh nghiệp sản xuất và người dân, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp như hiện nay. Nhận thấy được hiệu quả của giao dịch TMĐT, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đã chủ động thay đổi, nắm bắt xu thế để phát triển nhằm tăng cường hơn nữa kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh được niêm yết trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn).
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, TMĐT đã giúp xóa bỏ hoàn toàn mọi rào cản về khoảng cách không gian và thời gian trong kinh doanh. Đặc biệt, trong hai năm qua, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối hàng hóa, sản phẩm thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh. Để thích ứng linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo được các yếu tố phòng dịch, người dân đã tiếp cận nhiều hơn với cách thức mua sắm trực tuyến qua môi trường mạng. Thay vì đi mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị, cửa hàng, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến (online), lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Chị Nguyễn Thị Dung, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long chia sẻ: Từ khi chuyển sang mua hàng trực tuyến tại các trung tâm thương mại, siêu thị, tôi thấy rất tiện lợi. Các sản phẩm đều đảm bảo nguồn gốc phong phú, nhiều sự lựa chọn và còn được miễn phí vận chuyển theo bán kính. Tôi thấy đây là phương thức mua hàng và thanh toán hết sức hợp lý, phù hợp với xu thế và hơn nữa là tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
TMĐT đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ số 4.0 hiện nay. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải chủ động thay đổi, thích ứng nhanh chóng với xu hướng tiêu dùng. Nhiều đổi mới trong phương thức kinh doanh để phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân đã được các doanh nghiệp thực hiện, như: Thay đổi hình thức mua bán sang trực tuyến, giao hàng, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm, đưa ra các ưu đãi vận chuyển, tặng quà...
Đặc biệt, song song với phương thức kinh doanh truyền thống, trực tiếp, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, kết nối với các sàn TMĐT để bán hàng. Trong đó, nổi bật là kết hợp với Công ty TNHH MTV Newstar - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa sản phẩm lên các kênh phân phối lớn trong nước như Voso, Tiki, Sendo, Postmart… Hiện tất cả các sản phẩm của Công ty trên các sàn TMĐT đã được nhiều khách hàng biết tới. Hay như Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuỷ Sản Quảng Ninh (Bavabi), trong tháng 8/2021, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và được thông qua sản phẩm “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn Sendo, Tiki. Tới nay, việc tiêu thụ sản phẩm trực tuyến trên sàn TMĐT của Công ty đã từng bước đạt được hiệu quả cao, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, qua các sàn TMĐT, có những thời điểm đơn vị nhận trên 1.000 đơn hàng/ngày.
Siêu thị GO! Hạ Long đóng gói các đơn hàng trực tuyến để vận chuyển đến khách hàng.
Bên cạnh việc duy trì hiệu quả hoạt động các website của đơn vị để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp cũng phát huy tối đa tiện ích của các trang mạng xã hội như zalo, facebook, … để đăng bài, quảng cáo hình ảnh sản phẩm, đăng video, livestream giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp để lấy tương tác, thông qua đó tiếp tục nhận đơn đặt hàng của khách hàng. Điều này, cũng giúp người tiêu dùng tuy không trực tiếp đến cửa hàng, nhưng vẫn nắm bắt và cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh về số lượng và chất lượng của sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tham gia và thường xuyên viết bài trên trang của các nhóm, hội, như: Hội nông sản sạch, hội rao vặt, hội mua bán có tâm,... từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Hiện nay, theo thống kê của Sở Công Thương, nhiều sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh như: Ba kích, trà hoa vàng Ba Chẽ; nước mắm Sá Sùng; ruốc hàu, tôm, cá; các sản phẩm thủy sản Cô Tô, Vân Đồn qua chế biến… đã có mặt trên các sàn TMĐT lớn, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, cá nhân được đảm bảo. Cụ thể, sàn TMĐT postmart.vn 136 sản phẩm; voso 121 sản phẩm; sendo 116 sản phẩm. Đặc biệt, trên sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) hiện đã có trên 330 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được niêm yết và giao dịch trực tuyến. Hệ thống sàn thu hút bình quân trên 1.000 lượt truy cập mỗi ngày; trên 90% đơn hàng được chuyển trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện.
Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có gần 70.000 đơn hàng trực tuyến được giao dịch thành công với doanh thu đạt trên 40,624 tỷ đồng. Một số đơn vị có lượng giao dịch trực tuyến lớn như chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart +, siêu thị Go!; siêu thị MM Mega Market; siêu thị TTP; siêu thị Lan Chi…
Tin tức khác
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố
- Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
- Thông báo kết quả kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Phường Nam Khê (TP Uông Bí) được công nhận là vùng “An toàn dịch bệnh động vật”
- Cụm công đoàn khu vực thành phố Uông Bí sơ kết công tác phối hợp năm 2024
- Tăng cường xử lý vi phạm kinh doanh vận tải hành khách
- Chưa ghi nhận thông tin công dân Việt Nam là nạn nhân của trận động đất tại Tây Tạng (Trung Quốc)
- Công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ lật phà tại Hàn Quốc
- Ngày 10/1, Bắc Bộ rét đậm, vùng núi có nơi dưới 5 độ C
- Bứt phá trên hành trình chuyển đổi số