"Thung lũng dược liệu Yên Tử"

Khái niệm “Thung lũng dược liệu Yên Tử” được PGS.TS Trần Văn Ơn, Giám đốc Công ty DKPharma đề xuất vào năm 2014. Nếu như được hình thành, đây sẽ là một trong những giải pháp cốt lõi nhằm giải bài toán về xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị.

Các kỹ sư của Công ty DKPharma chăm sóc cây thuốc tại Vườn cây thuốc Yên Tử (TP Uông Bí).

Quảng Ninh là một tỉnh có địa hình đa dạng, dẫn đến sự đa dạng về tài nguyên cây cỏ nói chung và cây thuốc nói riêng. Các điều tra của DKPharma đã xác định, Quảng Ninh có 948 loài cây thuốc, thuộc 182 họ, 561 chi khác nhau, trong đó có 134 loài cây trồng, 814 loài mọc tự nhiên; 267 loài đã được trồng ở vườn các trạm y tế; 429 loài đã được trồng ở vườn hộ gia đình; 10 loài cây thuốc tiêu biểu của tỉnh, gồm ba kích, bán biên phong, chè hoa vàng, địa liền, gấc, hồi, kim ngân, linh chi, quế và ngầu tài lệch; 30 loài có tiềm năng phát triển... Từ đó cho thấy, Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn về cây thuốc và ý tưởng hình thành “Thung lũng dược liệu Yên Tử” chạy dài từ Đông Triều đến Móng Cái của PGS.TS Trần Văn Ơn xuất phát từ chính tiềm năng này.

Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, thay vì chạy dọc trên trục QL18A, qua các khu dân cư và mỏ than, “Thung lũng dược liệu Yên Tử” sẽ đi qua các thung lũng theo hình cánh cung để đảm bảo nguồn dược liệu sạch, không bị ô nhiễm môi trường. Dựa trên kết quả khảo sát và nghiên cứu, ý tưởng xây dựng “Thung lũng dược liệu Yên Tử” sẽ gồm 4 trung tâm chính kế tiếp nhau, gồm: Vùng dược liệu Ngoạ Vân - Yên Tử trên địa bàn TX Đông Triều và TP Uông Bí, gắn với trục du lịch tâm linh, có các dược liệu chính là địa liền, cát sâm, nghệ vàng, gừng gió, đinh lăng và gấc; vùng dược liệu trà hoa vàng khoảng 807ha, trung tâm tại huyện Ba Chẽ; vùng trồng ba kích khoảng 2.280ha có chung trục kéo dài từ Hoành Bồ đến Ba Chẽ, Tiên Yên, trung tâm nằm ở huyện Ba Chẽ; vùng trồng kim ngân khoảng 185ha, quế là 3.385ha, hồi là 2.850ha, trung tâm ở huyện Bình Liêu. Như vậy, các vùng dược liệu sẽ được trồng tại 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Vườn cây thuốc Yên Tử, nơi đang lưu giữ một sưu tập gồm 700 loài dược liệu điển hình của tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc được coi là “trái tim” của “Thung lũng dược liệu Yên Tử”, làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ KHCN, giống, phân bón, công nghệ trồng trọt. Các chủ thể tiếp theo chính là các doanh nghiệp, HTX, những đơn vị này sẽ trồng, sơ chế dược liệu và sản xuất đơn giản. Còn các doanh nghiệp chủ chốt như: Công ty CP Dược - Vật tư y tế Quảng Ninh, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc, Công ty DTGreen... sẽ là những doanh nghiệp đầu tàu, đóng vai trò sản xuất thứ cấp kiêm thương mại là chế biến sâu, chiết xuất, bào chế và phân phối.

Để hiện thực hoá ý tưởng này, thời gian qua, Công ty DKPharma đã phối hợp với Sở Y tế, Ban Xây dựng nông thôn mới và các địa phương tổ chức tái cơ cấu các HTX, thành lập mới hệ thống các doanh nghiệp, HTX để các đơn vị này liên kết với nhau, tạo thành chuỗi giá trị dược liệu. Đến thời điểm này đã có 17 công ty và HTX phát triển dược liệu trong số 32 công ty và HTX được đề xuất. Nhiều mô hình trồng cây dược liệu với quy mô hàng trăm ha đã được hình thành tại 12 địa phương trong tỉnh. Sự phát triển mạnh mẽ  này đã tạo ra 41 sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, nhiều sản phẩm nổi bật được người dân tin dùng như: Trà túi lọc trà hoa vàng, trà giảo cổ lam Đông Bắc, trà diệp hạ châu, dầu xoa bóp Yên Tử...

Tuy nhiên, việc hình thành ý tưởng trên mới đi được gần 1/2 chặng đường. Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, còn rất nhiều điểm yếu mà Quảng Ninh cần nhanh chóng khắc phục như: Thiếu giống cây thuốc và các quy trình canh tác tối ưu bảo đảm năng suất, chất lượng cao và chuẩn hoá; một số doanh nghiệp và hộ gia đình phá hợp đồng khi có biến động thị trường; người dân không tự tin với khả năng của mình, có thói quen trông chờ vào bao cấp của Nhà nước; chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là dược liệu trôi nổi, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch; phải tập hợp người dân để tổ chức thành các mô hình kinh tế tập thể... Mặt khác, việc phát triển dược liệu cần rất nhiều thời gian, trong đó thành quả của giai đoạn này ngoài tạo ra lợi ích trước mắt còn làm nền tảng cho giai đoạn tiếp theo. Bản thân sự phát triển lại tạo ra vấn đề mới. Bởi vậy, cần có sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và sự nỗ lực hơn nữa của các đơn vị, doanh nghiệp.

 

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18556 Tổng lượt truy cập 94762889