Quy hoạch chiến lược - Kiến tạo động lực phát triển

Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch cấp tỉnh đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt, như một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức trong quá trình phát triển ở giai đoạn mới. Để sớm phát huy hiệu quả quy hoạch, các địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng đồ án Quy hoạch đô thị, vùng huyện, phân khu chức năng để làm căn cứ thực hiện.

Tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn mới

Ngày 11/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 80/QĐ-TTg, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch, bao gồm toàn bộ tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 6.206,9km2 gồm 13 đơn vị hành chính, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông và Nam giáp Vịnh Bắc Bộ và phía Tây giáp các địa phương: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang và Lạng Sơn. Phần diện tích biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển khoảng cách 6 hải lý.

Định hướng quy hoạch phát triển đô thị trung tâm TP Hạ Long tầm nhìn đến năm 2040 lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 19.000-20.000 USD.

Định hướng không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Đồng thời, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển… Đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập TX Tiên Yên.

Theo đánh giá từ Hội đồng Thẩm định quy hoạch và các chuyên gia, nhà khoa học, đây là một trong những bản quy hoạch mẫu mực, hội tụ đầy đủ trí tuệ, khát vọng phát triển của Quảng Ninh; vừa mang tính kế thừa những định hướng chiến lược đã được xác định từ 7 quy hoạch chiến lược được lập từ 10 năm trước, đồng thời xác định rõ các khâu đột phá trong giai đoạn mới.

Đây là bản quy hoạch được nghiên cứu công phu, khoa học, chất lượng rất tốt; cách tiếp cận để xây dựng bản quy hoạch rất hiện đại, phù hợp xu thế và tư duy quốc tế hiện nay. Quy hoạch đã làm rõ những cơ hội, tiềm năng phát triển nổi trội, bổ sung, phân tích xu hướng phát triển xanh, cách thức đối mặt… Trong đó có nhiều tư duy mới, có thể là hình mẫu để các địa phương khác tiếp cận, học hỏi.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào tháng 2/2023.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lồng ghép vào quy hoạch quốc gia, xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước, bảo đảm tính khoa học và đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch. Trong đó, tập trung phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân...

Quy hoạch được công khai, minh bạch trong một tổng thể phát triển dài hạn, như một chỉ dẫn quan trọng để tỉnh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ và tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển, xây dựng thương hiệu, để trở thành cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc.

Sớm phát huy hiệu quả quy hoạch chiến lược

Với những định hướng, bước đi chiến lược đã xác định tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ sau chưa đầy 4 tháng kể từ thời điểm quy hoạch được công bố, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã sớm bắt tay triển khai quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện của các địa phương và Quy hoạch chung xây dựng các KKT.

Sân bay, đường cao tốc sẽ là động lực để Vân Đồn phát triển mạnh mẽ trở thành KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp...

Đến nay, đã có 6/7 huyện hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng huyện và được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô và Vân Đồn. Trong đó, riêng huyện Vân Đồn nằm trong ranh giới KKT Vân Đồn sẽ sử dụng quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 266/QĐ-TTg (ngày 17/2/2020). Còn huyện Hải Hà, nằm trong quy hoạch KKT cửa khẩu Móng Cái, vì thế đang nghiên cứu, dự kiến báo cáo UBND tỉnh trong quý III/2023.

Đối với quy hoạch chung đô thị (6 thị xã, thành phố), đã có 5/6 thị xã, thành phố hoàn thành Quy hoạch chung đô thị được phê duyệt (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều và Móng Cái). Riêng TP Uông Bí đang có sự điều chỉnh và lấy ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT theo quy định.

Còn tại quy hoạch chung KKT, hiện đã có 3/5 KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng (KKT ven biển Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn). Đối với KKT ven biển Quảng Yên hiện đang triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng. Còn KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh, UBND tỉnh đã có văn bản giao Ban Quản lý KKT tổ chức triển khai lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch đảm bảo quy định.

Riêng các quy hoạch phân khu, tại Quảng Ninh sẽ có 91 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 (đô thị và khu chức năng), hiện các đơn vị liên quan đã thực hiện tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục, kế hoạch lập các đồ án quy hoạch đô thị - nông thôn, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Một góc TP Móng Cái hôm nay.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Các đồ án Quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị, xây dựng… đã được triển khai đồng bộ, chất lượng tốt, đảm bảo tiến độ, thống nhất mốc thời gian và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Để có được điều này, ngay trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh, các địa phương, ngành, lĩnh vực đã bám sát Đồ án quy hoạch tỉnh để triển khai lập quy hoạch song song. Trong quá trình hoàn thiện, thực hiện điều chỉnh, khớp nối trên cơ sở bám sát các quy hoạch định hướng lớp trên. Có thể đánh giá, đây là giai đoạn Quảng Ninh đồng bộ nhất về các đề án quy hoạch.

Để đảm bảo các quy hoạch thực hiện hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại từng địa phương; thực hiện các trình tự thu hồi, hủy bỏ đối với các quy hoạch chi tiết không phù hợp; rà soát quy hoạch không thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định… trên cơ sở đó, dữ liệu quy hoạch sẽ hoàn chỉnh, công bố, công khai, số hóa đồng bộ với hệ thống dữ liệu quốc gia để triển khai các kế hoạch phát triển theo đúng định hướng, sớm phát huy hiệu quả bản quy hoạch chiến lược.

Với sự kiên trì, tuân thủ thực hiện 7 quy hoạch chiến lược như một chỉ dẫn quan trọng, Quảng Ninh đã định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để triển khai các mục tiêu phát triển. Từ đó, vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động, cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Trên tinh thần kế thừa, kỳ vọng với đồ án quy hoạch mới, công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, Quảng Ninh sẽ có những bước tiến mới nhanh, bền vững hơn.

Theo Đỗ Phương/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 79629 Tổng lượt truy cập 89263535