PHƯƠNG NAM NGÀY NẮNG ẤM

Tác giả: Nguyễn Xuân Vinh

 

Chúng tôi đến Phương Nam Uông Bí vào một ngày nắng ấm. Những hạt mưa xuân như đã đủ ngấm sâu vào đất, khiến những chồi non như đang bật dậy vươn mình.

Trụ sở Phường Phương Nam tọa lạc trong một khu đất rộng, với những ngôi nhà được kiến trúc theo lối mới, hai, ba tầng nằm sát với đường 10. Trước khu nhà là một rặng cây xanh, một hồ nước khá rộng và giữa hồ là lầu vọng nguyệt 3 tầng với hàng liễu rủ vây quanh. Quang cảnh ấy khiến trụ sở Phương Nam trở nên hữu tình mà không phải trụ sở phường xã nào cũng có được.

Tiếp chúng tôi, những hội viên Hội VHNT Uông Bí trong phòng họp đầy đủ tiện nghi có cả đồng chí Bí thư Đảng bộ, đồng chí chủ tịch UBND, MTTQ và các đoàn thể của phường. Sau những cái bắt tay thân mật, Bí thư Đảng ủy Hoàng Quốc Trung đã rất thông tường cho chúng tôi biết cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên vùng đất Phương Nam.

Đây là vùng đất được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là vùng đất được những người dân theo chủ trương của Đảng, di cư từ Yên Hưng lên, từ Thái Bình đến. Với đôi bàn tay lao động, họ quai đê khoanh vùng, san lấp thùng vũng, đầm lầy, phá sú vẹt để có một vùng đất khi đó còn rất nghèo với tên gọi Xã Phương Nam nằm ở phía Tây Nam Uông Bí. Đất ở đây chua mặn, nhưng đã một thời vùng đất này nổi tiếng về chiếu cói xuất khẩu. Ngoài đồng ruộng, ngoài đi sông, đi biển, chiếu xuất khẩu đã làm cho người dân ở đây ngẩng cao đầu. Vào những năm 90, Đông Âu tan rã, nghề dệt chiếu xuất khẩu cũng tan theo. Đường xá đi lại khó khăn. Từ thị xã Uông Bí về Phương Nam chỉ có con đường Máng nước, gập gềnh sỏi đá. Bên kia sông là Thủy Nguyên, là Hải Phòng, nhưng muốn qua đó chỉ có một cách duy nhất là đi đò. Trở lại với nghề nông, với cánh đồng chua mặn, với những con thuyền ra khơi đánh bắt hải sản nhỏ nhoi, manh mún…Khó khăn chồng chất khó khăn, nguy cơ đói nghèo đã ở trong tầm tay của mọi người, mọi nhà dân trong xã…

Phương Nam bây giờ đã đổi khác quá nhiều. Con đường Máng Nước, chính là con đường 10 đã được mở rộng, khai thông từ Uông Bí qua cầu Đá Bạc, qua Hải Phòng, qua Thái Bình về tận Ninh Bình. Đó là thuận lợi đầu tiên để Phương Nam vươn xa tới những vùng miền khác ở phía Nam. Đường 18, con đường chạy suốt từ Móng Cái về Bắc Ninh cũng tạo ra một lợi thế cho Phương Nam vươn về vùng kinh tế phía Bắc Tổ quốc. Ngoài đường bộ, đã từ lâu Phương Nam còn có đường thủy. Con sông Đá Bạc ôm trọn vùng đất Phương Nam, đó là một lợi thế để Phương Nam vươn xa phát triển nghề sông nước.

Nhiều năm nay, Phương Nam đã xác định một hướng đi cho phát triển kinh tế đó là Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Nông - Ngư và Thương mại dịch vụ.  Việc đầu tiên là sản xuất xi măng , sản xuất clinker hàng năm đã nâng giá trị sản xuất công nghiệp vượt con số 1.300 tỷ đồng. Riêng năm 2015 con số đó đã là 1.438 tỷ đồng.

Phương Nam đã phát triển các ngành nghề như cơ khí, nhôm kính, sản xuất chế biến lâm sản, khai thác đá, sản xuất vôi, gạch…Hàng năm đã có  tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng từ những ngành nghề này và giải quyết việc làm cho gần 1000 lao động với mức thu nhập hàng tháng từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng.

Vốn là một vùng quê sông nước, nuôi trồng thủy sản cũng là một thế mạnh của Phương Nam. Diện tích nuôi trồng đến nay đã là 220 ha. Năm 2015 đã đánh bắt 1730 tấn với trị giá hơn 85 tỷ đồng.

Đến Phương Nam bây giờ không còn nhìn thấy những ngôi nhà thấp bé và những người dân lam lũ, gầy guộc trong thiếu thốn nữa. 14 thôn ngày xưa bây giờ là 14 khu dân cư, bởi Phương Nam đã trở thàng phường từ năm 2011. Những ngôi nhà kiên cố hai, ba tầng mọc lên san sát. Đi trong làng bây giờ như đi trong những con phố, đi trong những tiếng hát, tiếng cười. Ở đâu cũng sạch đẹp khang trang, bề thế. Ngay trước cổng trụ sở phường là con đường một chiều rộng rãi được bê tông thẳng tắp, một đầu nối với đường 10, còn một đầu chạy về các khu dân cư. Hai bên đường là trường học, là bệnh xá…

 Theo chân 2 cán bộ dẫn đường, chúng tôi vào thăm trường mầm non. Đúng vào lúc các cháu ra sân học ngoài trời, thấy chúng tôi, các cháu chạy ùa ra nhao nhao: Chúng cháu chào các ông, các bà ạ! Những con chim non, nét mặt xinh tươi, đứa nào cũng bụ bẫm. Ai cũng biết đó là thế hệ thứ 5, thứ 6 ở vùng đất này kể từ khi cụ, kỵ rồi ông bà của chúng về đây mở đất. Chắc chắn 20 năm rồi 30 năm nữa, chính đây sẽ là chủ nhân của sự phát triển cao hơn, xa hơn cho ấm no hạnh phúc của vùng đất này.

Chúng tôi gặp cô hiệu trưởng Hoàng Lan, người đã có hơn 30 năm trong nghề nuôi dạy trẻ. Chính cô đã là cô giáo của 2 đứa con tôi ở trường Mẫu giáo Hoa Lan khu Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển cách đây không dưới 30 năm về trước. Cô được cha mẹ và trời phú cho một dáng người đẹp, cân đối, chắc là cô yêu trẻ lắm lắm nên cô mới gắn bó tới hơn 30 năm với nghề và để đến bây giờ ở cái tuổi vượt 50 mà vẫn thấy cô tươi tắn, hồn nhiên. Tiếp chúng tôi trong căn phòng hiệu trưởng, cô vui vẻ cho chúng tôi biết về trường. Cô được chuyển từ Uông Bí về đây đã hơn 10 năm. Thường xuyên quản lý một đội ngũ giáo viên mầm non tới hơn 40 cô có trình độ chuẩn và trên chuẩn. Đây là cơ sở mẫu giáo toàn phường, chia thành 4 điểm, luôn có tới hơn 400 cháu đến học. Là một trường chuẩn cấp độ 3 nên trường đã cơ bản có đủ tiện nghi nuôi và dạy các cháu. Hàng năm trường luôn đứng trong tốp đầu các trường mầm non của thành phố.

Rời mẫu giáo, chúng tôi đến với Trạm xá Phương Nam, một trạm xá đã nhiều năm đứng hàng thứ nhất các trạm xá xã, phường trong toàn tỉnh. Trong tòa nhà mới xây 2 tầng, bác sỹ và các y tá đang miệt mài với công việc chăm sóc cho khá đông bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi.

Ở bên kia con đường là 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở. Cả 2 trường đều được xây dựng khang trang, bề thế. Do đang trong giờ học nên chúng tôi không vào trong khuôn viên của trường. Được biết toàn phường có đến 5 trường học thì 4 trường đã đạt chuẩn quốc gia, một trường do mới thành lập nên chưa đạt chuẩn. Năm học 2014 - 2015 toàn phường có tới 64 lớp và 1992 học sinh. Hàng năm các cháu đến độ tuổi đi học thì 100% các cháu đều được đến lớp. Như thế cái sự thất học đã từ lâu không còn trên đất Phương Nam.

Chúng tôi về với Khu Phong Thái, là nơi có nhiều vải nhất Phương Nam. Dọc hai bên đường dài đến hơn 3km, từ trụ sở Ủy ban Phường về Phong Thái là những vườn vải chín sớm mướt mắt, trĩu trịt hoa, hứa hẹn một mùa bội thu.

Cây vải chín sớm đã có ở Phương Nam từ hơn 20 năm nay. Đó là loại vải được tạo giống từ Thanh Hà - Hải Dương. Loại vải này cho thu hoạch vào đầu tháng tư âm lịch. Quả vải to, khi chín mọng đỏ, có hình giống quả trứng, nên bà con ở đây gọi đó là vải “U Trứng”. Vải còn được đưa lên máy bay để vào Miền Nam rồi đi nước ngoài, bởi thế vải còn có tên “Vải bay”. Vào năm 2006, một hội thảo về vải được các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại hội trường Ủy Ban Nhân dân Thị xã Uông Bí. Vải chín sớm ở Phương Nam đã được đánh giá rất cao so với vải từ Bắc Giang, từ Hải Dương…mang đến. Nhưng cũng phải đến 3 năm trở lại đây, vải Phương Nam mới xác định đầy đủ tên, thương hiệu cho mình, đó là: “Vải chín sớm Phương Nam”. Đây là niềm tự hào của vùng đất, của những người nông dân trồng vải Phương Nam. Vải chín sớm Phương Nam bây giờ còn 13 cây vải tổ. Nhưng con cháu của 13 cây vải tổ đã là bạt ngàn. Tính đến nay vải chín sớm đã được nhân rộng đến 320ha trong 7 khu dân cư. Điều đặc biệt là chỉ ở 7 khu ấy cây vải mới sinh sôi và cho thu hoạch cao. Giống như có một sự ưu ái nào đó của thiên nhiên cho 7 khu này về thổ nhưỡng, về khí hậu.

Đến với Phong Thái, chúng tôi quây quần bên ấm trà đặc quánh ngay dưới gốc vải nhà ông Lê Thanh Hải một người nông dân rắn chắc đã sấp xỉ tuổi 70 có vườn vải lớn nhất vùng. Đơn giản nhẹ nhàng ông cho biết: Ông đã cùng vợ con khai hoang bãi sậy, vượt đất lên làm vườn tới gần 1ha để trồng vải. Mỗi cây vải mỗi năm cho thu hoạch từ 70kg đến một tạ. Rồi ông ngăn dòng chảy rộng tới 30m chiều ngang để có một diện tích mặt ao tới 5000m2 mà nuôi tôm. Trong đoàn có người hỏi ông bán bao nhiêu tiền một cân vải. Ông bảo 25 đến 30 ngìn đồng một cân ngay tại vườn. Nhiều bác trong đoàn không tin. Nhưng đó là sự thật, giá bán ấy đã được xác định hàng chục năm nay rồi. Ông Hải chân thành: Mời các bác sang đầu tháng tư, đúng vụ lại đến thăm sẽ hiểu đầy đủ hơn. Như thế, bằng vải, bằng tôm, mỗi năm bố con ông thu nhập hơn 300 triệu đồng. Từ vải chín sớm, ông đóng góp doanh số vào HTX vải để HTX có tổng doanh số tới hơn 30 tỷ đồng mỗi năm. Đó là một con số không nhỏ đối với một vùng quê từ nghèo khó đi lên.

Chia tay người nông dân Thanh Hải chúng tôi trở về trụ sở ăn trưa. Thật bất ngờ, chúng tôi được chính Bí thư và Chủ tịch UBND phường mời cơm trưa ngay tại bếp ăn của phường, sạch sẽ, gọn gàng có thể bày được 5,7 bàn ăn một lúc. Bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp, do chính nhân viên của Phường chế biến. Theo Bí thư Hoàng Quốc Trung: Đây là bếp ăn của phường mới được xây dựng, chuyên phục vụ các đồng chí cán bộ phường, cũng như khách ở xa đến làm việc phải ăn trưa, tránh đi ăn ngoài quán!.

Quả thật, ngoài chúng tôi là khách, tôi đã nhìn thấy Bí thư, Chủ tịch phường và 2,3 cán bộ nữa của phường, nhà đều ở Uông bí đến đây làm việc. Có lẽ đây cũng là nét mới giúp cho công tác cải cách hành chính của Phương Nam tốt hơn mà không phải cấp phường, xã nào cũng có được.

Buổi chiều, chúng tôi lại hành quân tiếp về với Cẩm Hồng, vùng đất miền Tây của Phương Nam mà cũng là cực Tây của Uông Bí, vì đây là vùng đất giáp ranh với Hồng Thái Đông của Đông Triều. Cách đây hơn 10 năm tôi đã có dịp đến đây thăm họa sĩ Ngô Văn Túc, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, sinh hoạt tại Hội VHNT Quảng Ninh và Uông Bí. Thời đó, Cẩm Hồng là cái thôn nghèo nhất vùng Phương Nam.

Đon đả đón chúng tôi là hai lãnh đạo của khu, đều là cán bộ nữ. Bất ngờ hơn khi thấy tôi họ đều chào tôi bằng thày. Mới hay, ở cái miền quê vốn nghèo này tôi cũng có những học viên đang làm cán bộ lãnh đạo, mà khi gặp, họ vẫn nhớ đến mình một thời làm giảng viên Trung Tâm Bồi Dưỡng chính trị Thị xã. Tôi bớt đi một mặc cảm: Hình như chỉ những thày, cô dạy chữ để làm người thì học trò mới nhớ đến thày, còn những giảng viên dạy lý luận như tôi để làm cán bộ cấp xã, cấp phường rồi cả cấp huyện, cấp tỉnh nữa, có mấy ai còn nhớ tới thày.

Ở đây lại khác. Tôi cảm ơn hai học viên và lấy đó làm niềm vui cùng mọi người trong đoàn.

Hai cán bộ Đinh Thị Thanh và Nguyễn Thị Ngoan cho chúng tôi biết về sự trưởng thành của Cẩm Hồng. Cả khu có 186 hộ gia đình, nhưng đã có trên 100 hộ trở thành hộ khá, hộ giàu. Vì vẫn là vùng nông nghiệp, người dân vẫn tập trung vào lúa, lợn, gà…mà đặc biệt là vải chín sớm. Đinh Thị Thanh khẳng định: Khu em giàu lên chính là nhờ vào vải chín sớm thày ạ!

Không chỉ có vậy, người dân ở đây vẫn duy trì một nghề truyền thống được mang từ quê hương Cẩm La sang, đã từ lâu được gọi là “chã cào”. Với 28 con tầu lớn so với mấy chục năm trước và khá đầy đủ tiện nghi, họ vươn ra tận đảo Bạch Long Vĩ mà đánh bắt hải sản.

Từ lâu đây là vùng giáp ranh với huyện bạn, tỉnh bạn cả trên cạn và dưới sông nên trật tự an ninh ở đây khá phức tạp. Nhưng bây giờ thì ổn định rồi. Có lẽ do các gia đình giàu lên, việc tự bảo vệ mình đã hữu hiệu hơn. Mặt khác do thanh niên đã có công ăn việc làm nên việc quấy phá cũng ít đi.

Đinh Thị Thanh dẫn chúng tôi vào thăm khu. Quả là Cẩm Hồng giàu lên thật! Nhà ngói san sát. Có cả những nhà cao hai, ba tầng, với những khuôn viên rộng rãi sạch sẽ. Nhà nào cũng ty vi, tủ lạnh, nhiều nhà có vi tính, có cả những dàn âm thanh hiện đại. Thanh niên nam nữ thì cầm trong tay những chiếc điện thoại di động sành điệu, nói cười hỷ hả. Có một con sông chạy dài giữa Cẩm Hồng, hai bờ sông được kè bằng bê tông thẳng tắp, nước sông trong trẻo hiền hòa, lững lờ chảy, thật yên bình, thật thơ mộng. Liền với hai bờ kè là hai con đường ven sông được bê tông, xe cộ ngược xuôi tấp nập.

 Chúng tôi đến với gia đình anh Ngô Văn Túc hội viên Hội nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam. Những bức tranh anh vẽ vẫn còn đó trên tường. Đặc biệt là bức tranh: Trận địa pháo phòng không. Một bức tranh mà anh đã dốc sức vào những năm tháng cuối đời khi đã ốm đau, bởi chính anh đã là người lính trên mâm pháo ngày xưa ấy. Cả đoàn xin được thắp nén hương trước vong linh của anh, tưởng nhớ anh, một hội viên đầy tài năng trong nghề hội họa. Cầu mong anh phù hộ cho vợ con anh, cho sự đi lên của vùng đất mà anh đã chọn làm nơi ở cuối cùng.

Thế là một ngày thú vị, đầy bổ ích đã qua. Trong mỗi chúng tôi đã chứa đựng những cảm xúc khác nhau. Mỗi một người lại có những dự định khác nhau, rồi ngày mai, ngày kia...họ sẽ có những tâm sự gan ruột để nói về cái hay, cái đẹp và cả những trăn trở của Phương Nam, của một vùng quê vốn nghèo nay đã đổi khác.

Tạm biệt Phương Nam với những cái bắt tay ấm nồng giữa một chiều xuân, giữa một vùng quê đang trên đà đi lên ấm no hạnh phúc.

Viết sau ngày đi thực tế của Ban Văn Học - Hội VHNT Uông Bí tháng 3/2016

NGUYỄN XUÂN VINH-Hội viên Hội VHNT Uông Bí

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 37110 Tổng lượt truy cập 91131252