Phụ nữ Thượng Yên Công gìn giữ văn hóa dân tộc

Xã Thượng Yên Công có trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều dân tộc như Dao, Tày, Nùng, Hoa... cùng nhau định cư hàng trăm năm, đã tạo nên nét đặc sắc của văn hóa nơi đây. Trải qua thời gian, do nhiều tác động, một số nét đẹp văn hóa đã bị mai một. Nhằm chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đã chủ động triển khai nhiều hoạt động cụ thể.

Nghệ nhân Triệu Thị Hạnh hướng dẫn chị em hội phụ nữ xã thêu hoa văn hình sao trên mũ đội đầu của người Dao.

Chị Lý Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Yên Công, cho biết: Hội LHPN xã đã triển khai hoạt động giáo dục, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc. Trong đó, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu được ý nghĩa, vai trò trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, từ việc nhỏ như trang trí nhà cửa, thêu dệt, may mặc, nấu ăn đến những việc lớn như cưới xin, ma chay, lễ hội... Đồng thời, tham gia dự án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Y do thành phố triển khai năm 2017.

Theo đó, hội đã thành lập CLB Thêu thổ cẩm truyền thống người Dao Thanh Y do các nghệ nhân thêu của xã đảm nhận, vận động chị em phụ nữ tham gia. Bên cạnh việc thường xuyên trao đổi kiến thức nghề thêu, các nghệ nhân thường xuyên duy trì lớp giảng dạy thêu túi, khăn, áo cho chị em và con em ở độ tuổi từ học sinh cấp 2 trở lên. Qua đó, không chỉ phục hồi, gìn giữ, lưu truyền nghề thêu có từ lâu đời, mà còn giáo dục nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ dân tộc Dao, góp phần tạo thêm thu nhập cho chị em.

Nghệ nhân Triệu Thị Thịnh, thôn Khe Sú 1, Chủ nhiệm CLB Thêu truyền thống chia sẻ: Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao Thanh Y đã có từ lâu đời, song do sự phát triển hiện nay nghề này đang dần bị mai một. Được sự động viên của Hội LHPN xã, tôi cùng 2 nghệ nhân khác đang duy trì giảng dạy, hướng dẫn, chỉ bảo nghề định kỳ vào chủ nhật hằng tuần cho khoảng 20 chị em và các cháu trong xã. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tham gia hoạt động biểu diễn nhằm quảng bá nét đẹp của nghề thêu dân tộc này.

Phụ nữ dân tộc Dao xã Thượng Yên Công hoàn thiện các sản phẩm thêu tay. Ảnh: Thanh Bình

Cùng với CLB Thêu truyền thống, Hội LHPN xã đã thành lập CLB Múa hát người Dao với khoảng 40 thành viên, nhằm nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi từ các già làng, trưởng bản, nghệ nhân trong xã và địa phương có đông người Dao Thanh Y sinh sống, chắt lọc nét văn hóa đặc trưng để lưu truyền. Hằng năm, hội phối hợp với Đoàn Thanh niên xã cùng các thành viên trong CLB thường xuyên giáo dục, phổ biến, luyện tập các làn điệu truyền thống. Vào các dịp lễ hội của xã, chị em lại tập hợp, tích cực tập luyện, sôi nổi tham gia biểu diễn. CLB không chỉ tạo sân chơi cho chị em yêu thích làn điệu hát truyền thống của người Dao quê hương, mà còn là hình thức giáo dục gìn giữ nét văn hóa truyền thống địa phương.

Đáng chú ý, đầu năm 2018, hội tổ chức tái hiện hoạt động, phong tục, tập quán đón Tết Nguyên đán của dân tộc Dao Thanh Y như: Cúng Tết, gói bánh, chơi xuân, ném còn... Từ đó, xây dựng thành tư liệu để giáo dục, gìn giữ, lưu truyền văn hóa truyền thống. Cùng với đó, hội còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, đồng thời, tích cực tham gia cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, hướng dẫn các gia đình hội viên, phụ nữ vùng cao sắp xếp đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, ăn ở hợp vệ sinh...

Chia sẻ thêm, chị Hương cho biết: Việc bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Y trên địa bàn xã là rất quan trọng, góp phần phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động đều do hội hoặc người dân tự nguyện đóng góp, nên tương đối hạn hẹp. Ngoài phục vụ cho dịp lễ, hội, chương trình do thành phố và xã tổ chức thì sản phẩm của nghề thêu truyền thống, múa hát... đều chưa mang lại nguồn thu cho CLB và người dân. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn thành phố và xã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho CLB nói riêng và hoạt động bảo tồn văn hóa nói chung trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu đưa sản phẩm của văn hóa truyền thống phục vụ khách du lịch để tạo nguồn thu; hình thành tour du lịch, trong đó có trải nghiệm nghề thêu, mua bán sản phẩm thêu truyền thống, thưởng thức làn điệu dân tộc.

Theo Cao Quỳnh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6046 Tổng lượt truy cập 91373070