Phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

Trước tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam có ca mắc đầu tiên, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động triển khai các phương án phòng bệnh, sẵn sàng đối phó khi phát hiện ca bệnh tại địa bàn.

Dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tính đến ngày 4/10/2022, thế giới ghi nhận 69.244 ca mắc tại 107 quốc gia/vùng lãnh thổ: Singapore (19 ca), Thái Lan (10), Trung Quốc: (1), Hồng Kông (1), Đài Loan (3), Philippines (4), Indonesia (1), Việt Nam (1). Trong đó, 26 ca tử vong.

Trường hợp ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam được ghi nhận ngày 3/10/2022 ở TP Hồ Chí Minh có tiền sử đi du lịch Dubai, nhập cảnh về nước ngày 22/9/2022. Tỉnh Quảng Ninh đến nay chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh là rất lớn. Theo báo cáo của CDC Quảng Ninh tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 (Bộ Y tế tổ chức ngày 6/10/2022), với đặc thù là địa phương có nhiều đầu mối giao thông, thương mại, du lịch và công nghiệp, có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, cảng hàng không quốc tế, nguy cơ có thể xuất hiện và lây lan bệnh đậu mùa khỉ tại Quảng Ninh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh từ xa, từ sớm, CDC Quảng Ninh đề xuất tăng cường giám sát ca bệnh dựa vào sự kiện, các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm phát hiện sớm trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh dịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, củng cố và kiện toàn các đội đáp ứng nhanh, đội điều trị, đội cấp cứu cơ động tại các bệnh viện, đơn vị y tế…

Nốt phỏng biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Bộ Y tế và Sở Y tế, các đơn vị y tế trong tỉnh đã xây dựng và ban hành hướng dẫn phòng ngừa, lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước; tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm, nghi nhiễm bệnh để có các biện pháp xử trí kịp thời.

Thạc sĩ bác sĩ Đặng Thị Thúy, Phó Giám đốc Đệnh viện Đa khoa tỉnh: Để chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, Bệnh viện đã bố trí một khu vực cách ly điều trị, hướng dẫn về chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng để nếu tiếp cận với ca bệnh đầu tiên thì sẵn sàng thực hiện đúng quy trình và phác đồ điều trị. Đội phòng chống dịch của Bệnh viện đã triển khai đến tất cả các khoa, phòng của Bệnh viện về công tác khám và phát hiện ra các ca bệnh đầu mùa khỉ; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với các ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện hoặc tiếp nhận từ các đơn vị khác.

Bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào nước ta, để chủ động phòng chống, người dân cần chủ động thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
  • Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
  • Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
  • Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống). Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Theo Hoài Minh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 21771 Tổng lượt truy cập 91399519
Chung nhan Tin Nhiem Mang