Phòng, chống tảo hôn - tạo chuyển biến trong vùng dân tộc thiểu số
Hiện Quảng Ninh có 56 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS&MN). Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và nhiều giải pháp khác đã tạo chuyển biến trong nhận thức của bà con nơi đây về chấp hành pháp luật thực hiện đúng độ tuổi kết hôn.
Từ tháng 2/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025" (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh. Phạm vi thực hiện là 56 xã và 48 thôn/bản thuộc 11 địa phương cấp huyện là vùng DTTS&MN.
Từ đó đến nay, các ngành, địa phương đã chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân ở vùng này. Các sở, ngành và địa phương đã tổ chức 2.529 cuộc tuyên truyền, tư vấn, tọa đàm với 125.460 lượt người tham gia; sân khấu hóa 10 cuộc tại các xã vùng sâu, vùng xa; tổ chức 6 diễn đàn “Học sinh dân tộc nội trú (DTNT) nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại một số trường và bán trú, 5 cuộc nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa tại các trường bán trú, DTNT vùng miền núi, biên giới… thu hút gần 3.000 lượt học sinh, giáo viên tham gia.
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh truyền đạt chuyên đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hải Hà vào tháng 4/2024. Ảnh: Thái Hà (CTV)
Cùng với đó, các phòng, ban, đoàn thể liên quan, các địa phương còn tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn, tìm hiểu, hỏi-đáp, băng đĩa CD, VCD, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích… bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc xung quanh vấn đề luật hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số... Từ năm 2021 đến nay, đã có 8.047 cuốn sổ tay sách hỏi đáp, ấn phẩm, cẩm nang, 82.160 cuốn tài liệu tập huấn về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS được in ấn, phát hành đến các xã, thôn, bản và bà con.
Không chỉ có vậy, việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn còn được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh tại các thôn, bản, qua các buổi họp khu dân cư… Ở mỗi thôn, bản đều phát thanh 2 lần/tuần. Các cổng thông tin điện tử thành phần của các huyện, thị xã, thành phố, của Ban Dân tộc đều có chuyên đề giảm thiểu tảo hôn… qua đó đã đăng tải 2.350 tin, bài, phóng sự về nội dung liên quan.
Một số xã còn sáng tạo chở loa di động đến từng cụm dân cư, ngõ xóm phát thanh bằng ngôn ngữ Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, các hình thức xử lý nếu vi phạm… Bà Tằng Nhì Múi, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà cho biết: Xã thường chở loa bằng xe máy vào tận các cụm dân ở các thôn bản để tuyên truyền nên bà con chúng tôi cũng đã thay đổi suy nghĩ, không cho các cháu lập gia đình trước tuổi kết hôn do nhà nước quy định. Bản thân các cháu trong xã cũng đã ý thức hơn, nhiều cháu lo công ăn việc làm ổn định mới lập gia đình nên cuộc sống sau hôn nhân cũng đỡ vất vả.
Việc tích cực tuyên truyền, vận động học sinh DTTS đến trường góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở vùng này. (Trong ảnh: Học sinh Trường TH&THCS Đại Dực 2, huyện Tiên Yên đọc sách, báo ở thư viện sân trường). Ảnh: Lan Anh
Để hỗ trợ các xã trong công tác tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương còn tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản. Từ năm 2021 đến nay, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức 81 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, bổ sung kiến thức cho gần 6.000 lượt cán bộ xã, cán bộ thôn, bản trong việc tuyên truyền, xử lý các tình huống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Các địa phương còn tích cực vận động học sinh đến lớp; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS… Hiện nay, có trên 90% số người DTTS ở độ tuổi từ 35 trở xuống đã tốt nghiệp THCS; trên 60% tốt nghiệp THPT, giáo dục thường xuyên. Từ năm 2012 đến nay, các địa phương đã mở 324 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với tổng số 10.057 học viên tham gia, trong đó 3.053 người DTTS.
Nhờ các giải pháp đó, từ năm 2021 đến nay, vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh duy trì không có hôn nhân cận huyết thống; số người tảo hôn giảm rõ rệt. Cụ thể, giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn 56 xã khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS của tỉnh có 1.031 người tảo hôn, thì từ năm 2021-2023, ở 56 xã này, chỉ còn 518 trường hợp tảo hôn.
Tin tức khác
- Công an thành phố Uông Bí tổ chức thành công Đại hội Chi bộ điểm
- Công ty CP Xi măng - Xây dựng Quảng Ninh tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025
- Chương trình truyền hình TP Uông Bí ngày 11/01/2024
- Công an phường Nam Khê tổ chức ra quân tuần tra, kiểm soát giao thông
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030