Phòng chống dịch bệnh đảm bảo sức khỏe nhân dân
Theo Bộ Y tế, nhiều dịch bệnh trong nước diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các tác nhân gây bệnh liên tục xuất hiện... Bệnh viêm phổi nặng do vi rút và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao...) tiếp tục ghi nhận các ca mắc và tử vong.
Bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bãi Cháy) đang khám bệnh cho bệnh nhân mắc cúm mùa. Ảnh: Mạc Thảo (CTV)
Tại Quảng Ninh, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cũng liên tục tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân nhập viện do cúm mùa. Bệnh cúm mùa do chủng cúm A(H1N1) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm vi rút sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng vi rút cúm A(H1N1), các chủng vi rút cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm cúm A(H3N2), cúm B và cúm C. Cúm mùa thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt là với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bãi Cháy) từ đầu mùa đông xuân cho đến nay ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm mùa ở mọi lứa tuổi, trong đó có khoảng 50% bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị, còn lại là các trường hợp nhẹ điều trị tại nhà. Đáng chú ý, có trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi hoặc người không có bệnh lý nền mạn tính nhưng mắc cúm có biến chứng. Bác sĩ Bùi Thị Nhung (khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: Một số triệu chứng điển hình thường gặp của cúm mùa như sốt trên 38 độ C, đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng, khó thở… Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ nhưng cũng có thể biến chứng nặng; nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Với dịch cúm có nguồn lây từ gia cầm, năm 2024, nước ta cũng ghi nhận 2 trường hợp. Trong đó, 1 ca đã tử vong do cúm A/H5N1 ở Khánh Hòa. Ngoài ra, trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2 là một bệnh nhân ở Tiền Giang. Người nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn song kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Người mắc cúm A/H5N1 triệu chứng thường nặng hơn và có tiền sử tiếp xúc gia cầm hoặc ăn thịt gia cầm nấu chưa kỹ... Các chuyên gia dịch tễ cho rằng nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm cao nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Ngoài bệnh cúm, mùa đông xuân, người dân cần phòng tránh các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, thủy đậu, ho gà, Adenovirus, sốt xuất huyết, Covid-19… thường tăng cao vì nhiệt độ xuống thấp, thuận lợi cho lưu hành và lây nhiễm của vi rút, vi khuẩn. Nhất là Tết Nguyên đán và các lễ hội Xuân đang tới gần, với nhu cầu đi lại, giao thương của người dân tăng cao, là môi trường dễ lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh rất lớn.
Theo Sở Y tế, trong năm 2024 tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát hiệu quả, không ghi nhận cúm A/H5N1, H7N9, Mers-Cov, bạch hầu, tả… Hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ năm 2023, với 319 ca Covid-19, giảm mạnh so với cùng kỳ (3.807 ca); 364 ca tay chân miệng; 4 ca liên cầu lợn. Không ghi nhận ca bệnh dại trên người. Sốt xuất huyết ghi nhận sự gia tăng nhẹ số ca mắc với 656 ca, tăng 14% so với năm 2023 (574 ca). Một số bệnh truyền nhiễm có vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng có xu hướng gia tăng nhẹ số ca mắc, như 45 ca ho gà, 12 ca sởi; các ca mắc rải rác, không ghi nhận các ổ dịch lớn và sự lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
Để phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các đơn vị y tế của tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nguồn lực cần thiết, tổ chức tốt hoạt động khám chữa bệnh, chuẩn bị sẵn sàng thu dung, cấp cứu, cách ly bệnh nhân truyền nhiễm. Đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó với các biến chủng mới, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm và hiệu quả của vắc-xin phòng bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm không chỉ lây lan nhanh chóng mà còn gây ra gánh nặng lớn về y tế và kinh tế, cùng với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành thì mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin phòng bệnh, người dân cần tham gia tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm thì mọi người cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Tin tức khác
- Đại hội chi bộ quân sự phường Phương Đông nhiệm kỳ 2025-2027
- Hội nghị công bố Quyết định về công tác cán bộ
- Công an thành phố Uông Bí bắt giữ đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
- Công an Uông Bí khởi tố "Nữ đại lý" bán lẻ ma túy
- Đại hội Chi bộ Trường THCS Nguyễn Trãi nhiệm kỳ 2025-2027
- Trao quà Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
- Công an thành phố Uông Bí vận động thành công đối tượng truy nã quốc tế ra đầu thú
- Người điều khiển xe máy thực hiện hành vi vi phạm nào sẽ bị tịch thu phương tiện?
- Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Tập trung phòng ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm
- Thực phẩm chức năng men gạo đỏ của Kobayashi liên quan đến tổn thương thận kéo dài
- Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Lào
- Tiền vệ Hai Long nhận gần 500 triệu đồng khen thưởng từ quê hương Quảng Ninh