Phạt nặng vi phạm đất đai

Thời gian qua, câu chuyện vi phạm trong lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề nóng, xảy ra nhiều, được người dân đặc biệt quan tâm, dư luận xã hội chú ý. Tuy nhiên, việc xử lý nghiêm, mạnh tay vẫn còn hạn chế, cùng với đó là mức phạt còn chưa đủ sức răn đe nên các sai phạm vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và trong thực hiện dịch vụ về đất đai.

Trong đó, nghị định này đã tăng hàng loạt mức phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Điển hình như phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân, 1 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây). Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân, 1 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 lần). Phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân, 40 triệu đồng với tổ chức nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tăng 4 lần). Phạt đến 5 triệu đồng với cá nhân, 10 triệu đồng với tổ chức nếu không sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tăng 2 lần). Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân, 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng.

Cùng với đó, nghị định bổ sung quy định mới xử phạt với trường hợp tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua. Mức phạt căn cứ vào thời gian, phạm vi căn hộ công trình xây dựng vi phạm. Đơn cử như vi phạm thời gian từ 6 đến 9 tháng mức phạt cao nhất lên tới 300 triệu đồng với trường hợp từ 100 căn hộ. Đặc biệt vi phạm từ 12 tháng trở lên với phạm vi từ 100 căn hộ sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng và buộc nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua. Vi phạm từ 50 ngày đến 6 tháng mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ; tối đa 50 triệu đồng với phạm vi từ 30 đến 100 căn hộ, trên 100 căn hộ với mức phạt tối đa 100 triệu đồng.

Với cá nhân, nghị định cũng quy định trường hợp toà án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu liên quan đến đất đai để thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ giải quyết tranh chấp mà quá thời hạn không cung cấp sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Cá nhân sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan tới đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng…

Có thể thấy, việc Chính phủ ban hành nghị định tăng mạnh mức phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai vào lúc này là rất cần thiết, kịp thời. Bởi trong thời gian qua, các vi phạm trong lĩnh vực này diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là hiện nay các chung cư cao tầng được xây dựng nhiều, tuy nhiên việc hoàn thiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua chưa được các chủ đầu tư coi trọng. Thực tế thì đã có rất nhiều người dân sống ở chung cư rất bức xúc khi không được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí chủ đầu tư còn thế chấp toàn bộ sổ đỏ vào ngân hàng để huy động vốn.

Người dân đang hy vọng rằng, với việc Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 5/1/2020) sẽ là công cụ mạnh, đủ sức răn đe, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo Thái Bình/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/tieu-diem/202001/phat-nang-vi-pham-dat-dai-2466806/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 255 Tổng lượt truy cập 91854666